Hoang hóa đất nông nghiệp

XUÂN TRƯỜNG 12/10/2018 02:15

Những năm gần đây, nhiều diện tích đất nông nghiệp dọc hai bên sông Bàn Thạch (TP.Tam Kỳ) bị nhiễm mặn không sản xuất được, nông dân phải bỏ hoang.

Đang cày ải phơi đất 2 sào ruộng sát sông Bàn Thạch, ông Phạm Văn Thắng (KP.Phú Phong, phường An Phú) cho biết, ở thời điểm này đã qua đợt hạn hán vào tháng 4, tháng 5 nhưng ruộng của ông vẫn còn bị nhiễm mặn. Trước khi bừa đất để gieo sạ vụ đông xuân sớm, ông phải bơm nước ngọt vào ruộng để rửa mặn. Trong khi đó, ông Huỳnh Tam (KP.Mỹ Thạch Trung, phường Tân Thạnh) có gần 3 sào ruộng sát bờ sông Bàn Thạch trên 10 năm nay bỏ hoang không sản xuất được. Theo ông Tam, tình trạng nhiễm mặn mỗi khi thủy triều lên đã làm cho lúa sạ bị chết dần, không sinh trưởng được. “Đất đai bỏ hoang cũng tiếc lắm nhưng làm thì không hiệu quả. Còn bơm nước rửa mặn thường xuyên, kinh phí quá cao nên không thực hiện được” - ông Tam nói thêm.

Nhiều nông dân ở phường An Phú và Tân Thạnh có ruộng sát bờ sông Bàn Thạch cũng bị nhiễm mặn chỉ sản xuất được một vụ đông xuân, còn vụ hè thu phải bỏ hoang. Tại cánh đồng Giếng Xứ diện tích trên 10ha nằm dọc bờ sông, nhiều thửa ruộng đã bị hoang hóa hoàn toàn. Nhiều nông dân cho biết, tình trạng nhiễm mặn trong những năm gần đây đã khiến cho các loài lau, sậy và cỏ dại mọc um tùm, lấn chiếm các thửa ruộng. Tại cánh đồng Nhong (KP.Đoan Trai, Tân Thạnh), mặc dù chủ động được nước thủy lợi để tưới tiêu nhưng các thửa ruộng nằm sát sông cũng bị nhiễm mặn, sản xuất luôn mất mùa, kém hiệu quả.

Nếu như phường Tân Thạnh có 24ha ruộng thường xuyên bị nhiễm mặn ở các KP. Đoan Trai và Trường Đồng thì phường An Phú có gần 100ha ruộng bị nhiễm mặn tập trung các KP. Phú Sơn, Phú Ân, Phú Trung, Phú Phong, An Hà Nam, An Hà Trung. Theo ông Trần Văn Soạn - cán bộ nông nghiệp phường Tân Thạnh, những năm trước nguồn nước sông Bàn Thạch qua địa bàn có độ mặn 0,5 ‰, năm 2017 độ mặn đo được 0,8‰ - 0,9‰. Còn theo ông Nguyễn Thành Lệ - Phó Chủ tịch UBND phường An Phú, tình trạng nhiễm mặn đã ảnh hưởng đáng kể đến năng suất trồng lúa của bà con nông dân. “Giải pháp trước mắt, địa phương đã tuyên truyền, hỗ trợ nông dân chuyển đổi trồng lúa qua một loại cây trồng cạn là rau muống. Sau đó sẽ đề xuất cấp trên có giải pháp lâu dài để cải tạo đồng ruộng, ngăn xâm nhập mặn” - ông Lệ nói.

XUÂN TRƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoang hóa đất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO