Anh ới lên từ bếp:
- Em ơi, canh chua bữa nay ít me nha! Nhà mình có người bệnh bao tử nên anh hông nấu chua lắm đâu à!
- “Nhà mình có người bệnh bao tử” là chị chứ ai.
Năm tháng cơ cực với nhọc nhằn và đói khát khiến chị bị bao tử từ lâu lắm. Trong trí chị quay chậm những bữa cơm “bà đẻ” nhưng chỉ có tô cơm suông và chén muối tiêu vì chồng mất việc, cha mẹ ruột không nhìn nhận, cha mẹ chồng không có. Chỉ có cô em chồng cũng nghèo, hàng ngày mang cho chị tô cơm hấp buổi sáng. Những ngày ở cữ đói đến nỗi chị ngỡ ruột mình có thể tan thành máu rồi biến thành sữa cho con rúc. Từng cữ mút sữa của con trên bầu ngực lép kẹp của mẹ, rồi giọng khóc ngằn ngặt của đứa trẻ đã chạm vào tai bà hàng xóm làm nghề bào rau ghém. Bà sang thăm, nhìn căn nhà trống hoác, sỗ sàng bước xộc vào giường cữ, nắm bầu ngực của người mẹ trẻ rồi dịu giọng “để cô lo”.
Từ đó, bữa cơm của chị thay bằng bắp cải luộc. Cái giống bắp cải thần kỳ đó mang lại sữa tràn trề. Hai ngày chị xơi mất một cái bắp cải bằng chiếc nồi con. Hết thì bà “rau ghém” sẽ mang cho tiếp. Con chị nhờ bắp cải mà có sữa no, bao tử chị bị đánh lừa là đã căng phồng nhưng thực ra chẳng có mấy chất đạm.
Những ngày đó, chồng chị ở đâu?
Anh vẫn hiện diện trong nhà chứ chẳng khuất mặt khuất mày đâu cả. Nhưng vừa mất việc do công ty tư nhân vỡ nợ, xin việc nơi khác mà hợp chuyên môn thì không được, có việc nơi kia làm trái ngành thì anh bảo “uổng cả công sức học hành”.
Ruột chị đã mềm nhũn ra thành máu, máu chuyển thành sữa cho con no lòng thì bao tử vì thế cũng mềm theo. Mềm quá… mỏng như tờ giấy rồi chăng? Những cơn no đói bất thường như vậy, cộng với việc suy nghĩ nhiều của bà mẹ sau sinh đã khiến chị bệnh bao tử. Quái, chị phục mình quá xá, sao chẳng trầm cảm ha?
Con rồi cũng lớn. Chị trở lại công việc kế toán doanh nghiệp, đồng lương vừa đủ cho gia đình nhỏ, nếu anh cũng đi làm. Nhưng anh vẫn nói mình “chưa tìm được việc thích hợp”.
Rồi một ngày cuối tuần, chồng chị rủ vợ đi dã ngoại sinh thái.
Tất tả gửi con, chị quảy túi theo chồng đi du lịch. Mới hay đó không phải là một buổi dạo chơi bình thường của vợ chồng mà có cả vị sếp tương lai của anh cùng hai anh em bạn của anh. Rượu vào lời ra rôm rả, sếp chẳng ngại khen chị “gái một con” khiến ông “mòn hai mắt”. Rồi ông ào ào gọi thêm các món ăn, bia rượu tràn như đê vỡ. Ông hứa cho anh một vị trí tương xứng với năng lực. “Bèo cũng trưởng phòng đấy! Mà cô em biết rồi, công ty anh lớn lắm, cần nhiều tài năng như chú Linh nhà cô em đây. Chỉ cần tụi em biết trên có trời, dưới có anh là được”.
Chị hân hoan tin tưởng rằng chồng sẽ có công việc mới, một người sếp tốt bụng thương yêu nhân viên thế này thì còn gì bằng.
Vậy mà khi màn đêm buông xuống, chị còn dật dờ trong men say của nửa ngày bia rượu, thì người nằm bên chị không phải có mùi mô hôi quen thuộc. Cố nhướn mắt lên, chị hốt hoảng: “Thưa anh… anh đi nhầm phòng rồi… phòng anh số 1, phòng vợ chồng em số 2 mà…”. Ông sếp tương lai cười ồm ồm: “Anh có say đâu mà không biết số phòng, chỉ có em say quá nên không biết chồng em gạt thôi. Lật bài với em luôn, thằng Linh chồng em “cho” anh đêm nay với em để đổi lấy công việc cho nó đấy!”. Chị quát: “Ông nói dối, lẽ nào chồng tôi lại như thế?”. Ông ta bảo: “Em không tin thì cứ la lên xem chồng em ở đâu? A… hay là gọi điện xem có phải thuê bao không liên lạc được không? Đừng ngốc nữa bé ạ, thằng đó chẳng xứng với em đâu”.
Chị vớt vát niềm tin bằng cuộc gọi vào số máy có tên “chồng” thì câu nói mặc định từ tổng đài đều đều “thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được…”.
Người đàn ông mập khỏe vẫn chờn vờn trước mặt chị, chị bảo: “Coi như tôi thua rồi, phòng khóa thế này cũng chẳng chạy đi đâu được. Nhưng anh có thể để tôi đi tắm được không? Cả ngày bia rượu mệt quá”. Ông ta nheo mắt: “Càng tốt, chỉ cần em hiểu chuyện thì sao cũng được”.
Chị vào nhà tắm, leo qua cửa sổ thoát thân. Chẳng kịp mang theo tư trang cá nhân nữa.
Chị đã ly hôn chồng vì lý do “không hợp nhau”. Chuyện xấu hổ ở khu du lịch sinh thái đó chị không muốn nhắc lại dù quan tòa có hỏi rõ lý do đến mấy lần.
Mười năm qua.
Chị thề với lòng rằng chỉ chuyên tâm làm ăn nuôi con. Đàn ông chỉ là thứ rác rưởi lừa con gạt vợ.
Vậy rồi anh đến, bình thường như một ngày phải có bình minh rồi hoàng hôn vậy thôi.
Anh là chủ doanh nghiệp chuyên cung cấp tấm trần thạch cao cho công ty xây dựng mà chị làm kế toán. Nhiều lần gặp nhau chuyện trò, lại biết cùng tuổi, cùng tháng sinh. Mấy lần ăn cơm cùng nhau bởi anh đơn giản: “Không ăn với bà thì tui cũng tự ăn một mình”. Chị cười khì: “Không ăn với ông thì về nhà tui cũng tô mì là xong”.
Anh cũng đơn thân nuôi con. Người vợ đã bỏ anh theo nhân tình khi anh ngày nắng đêm mưa theo các công trình xây dựng triền miên. Anh bảo, cứ nghĩ là đàn ông phải đem đủ đầy vật chất cho gia đình, đảm bảo cuộc sống giàu sang cho vợ là hạnh phúc. Nhưng vợ anh chẳng cần những thứ đó, cô ấy cần một vòng tay lúc đêm về, một bàn tay nắm khi cô mang giày trượt té.
Căn nhà chia đôi, tài sản mười hai năm gầy dựng cũng chia đôi.
Anh nghỉ đi công trình, ở nhà buôn bán vật liệu xây dựng. Hai năm nay thì “bắt mối” với công ty chị thành ra thân luôn cô kế toán.
Chị nửa đùa nửa thật: “Ôi dào… tui tưởng tui khổ, ai dè ông cũng chìm nổi không thua hén? Tỷ dụ mình mà sống với nhau á, chắc sẽ không khổ đâu, vì mình đã lội qua mấy cái khổ đó rồi, tránh được hết à!”. “Vậy… để tui kêu má tui tới”. Anh hào hứng góp chuyện. “Kêu má ông tới làm gì? Ông phải làm quen với con tui trước. Trai á, hơi ngạnh nha”.
Vậy rồi anh cũng tới nhà chị chơi, điều “định mệnh” là con trai chị rất mến anh. Chiếc xe đạp muốn sơn sửa nhưng cu cậu không biết làm thế nào “cho có bệt bệt như con tắc kè” thì anh làm giùm khiến cậu “ồ dze” liên tục. Học ráp táp-lô điện mà ráp hoài không thành, mẹ thì không biết, nhưng “chú này” lại biết. Thau chén mẹ giao rửa “ớn nhợn” thì “chú đó” lại ra tay một phút ba mươi giây.
Vậy rồi quyết định về chung một nhà khi cô bé con anh bảo: “Ước gì con có một người mẹ như cô”.
Chị thẹn thùng khi anh bàn chuyện cưới bởi lý do “già hết rồi”.
- Người ta sáu mươi còn cưới, mình sắp bốn mươi thôi mà em kêu là già à?
- Thôi thì… tùy anh… nho nhỏ thôi… chứ em mắc cỡ lắm!
- Trời ơi! Có ai ngược đời như vợ tôi không? Cưới nhau mà mắc cỡ?
Cưới rồi, anh bảo vợ cứ “giữ nguyên hiện trường” công việc, đừng vì người khác mà thay đổi mình. Hai đứa con hả, cơm nước hả, em khỏi lo, anh chấp hết.
Thì ra anh nấu ăn rất giỏi. Giỏi hơn cả chị. Những ngày cuối tuần anh là “soái ca” của bếp.
*
* *
Chị vẫn mải cắm cúi bên bàn máy vi tính. Ánh hoàng hôn xiên qua khung cửa sổ lô xô những tia nắng cuối ngày. Chị nghe dịu dàng thương mến lan tỏa khắp căn nhà nhỏ khi anh vừa nấu ăn vừa hát bài quen thuộc “Nếu được là người tình, lọt vào mắt nai tơ cho hồn bớt dại khờ…”.
Rồi mùi me chín dâng lên, quyện trong mùi rau thơm với rau om, ngò gai, lá quế… Tất cả là từ tay anh trồng đấy. Mấy cây đậu bắp xanh non trái còn mơn mởn, trồng “ké” trong chậu mười giờ cũng được dự phần với nồi canh chua rồi. Mấy sợi rau gia vị này được chắt chiu từ những sọt nhựa dựng trái cây ở chợ. Vài ngàn đồng một sọt, anh mua liền chục cái, thêm mấy bao tro trấu, mùn cưa đổ vào là đã có sân sau ngập màu xanh, thơm mùi bếp.
Bụi bạc hà thì chễm chệ trong chiếc chậu to nhất giữa sân để vừa làm cảnh vừa có rau ăn. Chiếc chậu này cả năm chỉ để chưng cây mai thôi chứ gì. Vậy anh mượn nhé, mua bao mùn cưa, ghim vài bụi bạc hà vào, có rau quanh năm rồi cuối năm sẽ xúc nó ra trồng cây mai.
Con trai lanh canh chén đũa giọng vui tươi:
- Cơm, cơm, cơm… cơm đã về… có gì vui hơn là cơm đến…
Con gái hùa theo:
- Hay là mình, là mình mình măm đi thôi. Cơm canh chua sườn ram, cá kho. Thêm bên kia là dĩa dưa leo!
- Dưa hấu chứ dưa leo gì bé Nụ? Bộ không biết phân biệt hả?
- Biết chứ sao không anh Hai? Nhưng hát “dưa hấu” nó trẹo cái miệng!
- Me, me ơi... me ơi hãy xuống nhanh lên. Cơm ba con nấu ngon ơi ngon! Con trai lại hát vang.
Giọt hoàng hôn dịu dàng đã len khắp căn nhà nhỏ.
Đ. P. THUỲ TRANG