“Tôi dành thời gian còn lại cho văn hóa dân gian xứ Quảng”… Nghe như ông muốn bù đắp cho một tình yêu bị xa cách quá nhiều. Trong câu chuyện nhẩn nha suốt một buổi chiều yên tĩnh trong ngôi nhà yên tĩnh ở đường Thanh Long, TP.Đà Nẵng, Hoàng Hương Việt nhắc lại không dưới ba lần điều khẳng định đó.
Mở cửa đón tôi, người đàn ông đang vào tuổi 80 nói ngay: “chú chỉ muốn lặng lẽ làm việc, thời gian của chú bây giờ dành hết cho nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian xứ Quảng, còn nhiều việc phải làm lắm...”.
Tôi hiểu, dù ông không nói hết ý mình, tự diễn dịch cái vế bỏ lửng: “thời gian của chú không còn nhiều”. Nhưng tôi vẫn thấy khó mà gọi ông là “cụ già 80”, cách gọi đó dĩ nhiên là thích hợp và tôn kính hơn. Tôi cứ gọi ông là “người đàn ông 80 tuổi”. Bởi dù hơi gầy gò, ông vẫn rắn rỏi, nhanh nhẹn và sắc sảo. Ông vẫn có tác phong của một người trung niên.
Tôi đã biết tên ông qua hàng chục cuốn sách về văn hóa, văn nghệ dân gian xứ Quảng mà ông đứng tên chủ biên hoặc đồng soạn giả. Gặp ông rồi thì hơi bối rối, không biết nên gọi ông với danh xưng gì. Có thể gọi Hoàng Hương Việt là nhà thơ. Ông làm thơ từ thời học sinh. Thơ văn ông từng đăng trên nhiều tờ báo, tạp chí tên tuổi ở miền Nam như Bách Khoa, Văn, Tiểu thuyết tuần san, Phụ nữ diễn đàn... Đầu thập niên 1960, hai nhà xuất bản Ca Dao và Lá Bối từng phát hành 2 tập thơ của ông, “Tháng hạ” và “Thơ cho em, thơ cho người”. Đến nay ông vẫn đều đặn làm thơ. Cũng có thể gọi ông là nhà báo. Năm 1963, sau khi bị bắt giam vì tham gia phong trào sinh viên đấu tranh chống chế độ Sài Gòn, ra tù ông thoát ly lên miền núi Quảng Nam, tham gia Hội Văn nghệ giải phóng khu V. Ông từng là quyền tổng biên tập tờ báo Giải Phóng.
Năm 1970 được đưa ra Bắc chữa bệnh, ông học khóa viết văn Nguyễn Du đầu tiên với những tên tuổi đến nay đã quen thuộc trong làng văn: Tô Nhuận Vỹ, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khắc Trường... Thời gian này ông xuất bản được hai tập bút ký “Bình minh hậu phương” và “Tội ác tột cùng” (viết về đợt trao trả tù binh sau Hiệp định Paris 1973).
Trở lại với danh xưng “nhà báo” và cái nghiệp duyên báo chí của ông. Sau 1975 ông lại học khoa Báo chí ở Trường Tuyên huấn trung ương (nay là Học viện Báo chí & tuyên truyền), năm 1980 được điều về làm chủ nhiệm khoa Báo chí Trường Tuyên huấn trung ương 2 ở Đà Nẵng. Tại đây ông mở những lớp học đầu tiên bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho lực lượng làm báo các tỉnh miền Trung. Cũng vì Hoàng Hương Việt từng “lãnh đạo” một tờ báo kháng chiến, từng là “quan chức” ở một trường dạy báo chí mà sau này, có dạo ông muốn chuyển vào TP.Hồ Chí Minh làm báo, không có tờ báo nào dám nhận hồ sơ của ông khi ông ghi nguyện vọng là làm phóng viên. Ông kể lại chi tiết này như một kỷ niệm vui về một thời gắn bó với nghề làm báo của mình.
Mối duyên làm báo không “xe tơ kết tóc”, ông trở về với nghiệp tuyên huấn như thời mới “nhảy núi”. Bí thư Quảng Nam - Đà Nẵng thời đó là Hoàng Minh Thắng đưa ông về Văn phòng Tỉnh ủy, phụ trách văn xã kiêm thư ký riêng cho bí thư. Những bài phát biểu ông soạn cho bí thư trong các hội nghị, hội thảo rất được ông Hoàng Minh Thắng ưa thích và đánh giá cao.
Sau 10 năm làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa thông tin Quảng Nam - Đà Nẵng, khi tách tỉnh năm 1997, ông chuyển qua làm Giám đốc NXB Đà Nẵng đến khi về hưu năm 2001. Dưới tay ông, NXB Đà Nẵng đã cho ra mắt hàng chục đầu sách hay về văn hóa, văn nghệ dân gian xứ Quảng. Cũng từ đây, cái nghiệp nghiên cứu, sưu tầm văn hóa văn nghệ dân gian đã bén vào ông và ngày càng sâu đậm. Hơn 15 năm từ khi về hưu, Hoàng Hương Việt tiếp tục đắm mình trong không gian văn hóa dân gian, nơi ông bắt gặp những giá trị tinh thần và nghệ thuật vừa mộc mạc vừa minh triết của dân gian xứ Quảng. Cái duyên muộn cuối cùng trở thành sự gắn bó lâu bền và được ông nâng niu, trân quý như mối tình lớn của cuộc đời mình.
Tới đây thì tôi dứt khoát muốn gọi Hoàng Hương Việt là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian xứ Quảng. Bởi đó là vai trò hiện tại của ông (nổi trội hơn các vai trò khác thôi. Ông vẫn làm thơ, vẫn đều đặn có bài đăng trên các báo). Và có lẽ nếu cần một danh xưng, hẳn ông sẽ vui vẻ muốn mọi người nhắc đến ông với tư cách một nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian. Ông dành cho công việc toàn bộ thời gian còn lại của đời mình, còn có những dự phóng lạc quan về tương lai của công việc ấy nữa.
Trong quá trình sưu tầm nghiên cứu, ông đã chiêm nghiệm rằng văn hóa dân gian chính là hồn cốt của tính dân tộc. Nếu tách rời yếu tố văn hóa truyền thống khỏi đời sống, tinh thần con người sẽ không còn điểm tựa, mất bản sắc và dễ ngả theo những lối sống lai căng, lâm vào khủng hoảng giá trị sống. Văn hóa dân gian đã trải qua quá trình chắt lọc lâu dài, những hình thức diễn giải từ lời ăn tiếng nói, câu vè điệu ca, những tập quán, lễ hội... tuy mang dáng dấp cộng đồng, vô danh nhưng thực chất đã đạt tới giá trị “bác học”, cần phải nghiên cứu thật sâu mới lĩnh hội và phát huy được đúng đắn những giá trị ấy. Hiện tượng lễ hội biến tướng tràn lan những năm qua ở nhiều địa phương chính là hệ quả của tình trạng thiếu hiểu biết về các giá trị văn hóa dân gian thực thụ.
Điều Hoàng Hương Việt băn khoăn là mặc dù thời gian qua, các công trình nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian được xuất bản nhiều hơn, đội ngũ nghiên cứu cũng khá hùng hậu nhưng hầu hết tác phẩm chỉ được biết đến và đón nhận trong phạm vi học thuật khá khiêm tốn. Những nghiên cứu dân gian dường như trở thành hàn lâm, đó là điều không thích ứng với yêu cầu phổ biến phát huy văn hóa truyền thống vào đời sống xã hội. Nhiều năm hoạt động trong Hội Văn hóa văn nghệ dân gian Đà Nẵng, ông nói tôn chỉ của việc nghiên cứu văn hóa dân gian là “sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy vốn văn hóa văn nghệ dân gian”. Hai nội dung đầu đã được làm khá tốt, khá hiệu quả, nhưng hai nội dung còn lại vẫn chưa làm được nhiều. Vì vậy, bên cạnh tâm huyết dồn cho sưu tầm nghiên cứu, còn vương một chút ưu tư, mong muốn những kết quả nghiên cứu sẽ được phổ cập hơn để văn hóa dân gian thực sự trở thành những giá trị sống trong xã hội. Tuy nhiên ông vẫn lạc quan cho rằng chỉ sợ không có gì để giới thiệu, còn khi đã có công trình nghiêm túc, có giá trị thì sẽ đến lúc những giá trị ấy được biết đến và phát huy, “văn hóa dân gian không bao giờ chết”.
Ánh mắt ông lại trở nên hứng khởi khi kể về những chuyến điền dã đến các vùng quê, ở đó những người lớp tuổi trung niên trở lên còn lưu giữ rất nhiều vốn liếng, giữ lại được lời ăn tiếng nói và tập quán sinh hoạt của cha ông. Những vốn liếng ấy không thể mai một trong lớp trẻ, dù đời sống hiện nay đang kéo họ theo những lối sống thời thượng, đến lúc họ sẽ tìm về lại với gốc gác, như một quy luật của đời sống. Điều cần thiết là những người có trách nhiệm và tâm huyết đừng ngã lòng, phải liên tục nghiên cứu sâu hơn nữa để diễn giải các giá trị văn hóa dân gian, giúp họ hiểu và yêu, thì con đường trở về sẽ nhanh và thuận lợi hơn nhiều.
Chỉ cho tôi chồng bản thảo in giấy A4 xếp cao từ chân tới mặt bàn làm việc, nhà nghiên cứu Hoàng Hương Việt nói đó là những thứ ông đã viết mà chưa có thời gian biên tập, sắp xếp để xuất bản. Trước mắt, ngoài công trình sưu tầm hơn 1.000 câu ca dao dân ca kháng chiến xứ Quảng (chuẩn bị ra mắt dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Đà Nẵng), ông còn ít nhất 5 tập bản thảo đang lên kế hoạch xuất bản: Từ điển nhân vật đất Quảng (đồng tác giả với Thạch Chương), Nghệ nhân dân gian đất Quảng, Chân dung nhà báo đất Quảng, Văn hóa dân tộc Cơ Tu, và một tuyển tập 80 bài thơ kỷ niệm tuổi 80.
Ông kể có lần nhà báo Trương Điện Thắng hỏi, ông viết lúc nào? Ông trả lời hóm hỉnh, tôi viết khi viết. Việc khảo cứu cứ xoay quanh ba thao tác: đi - đọc - viết. Và cái việc viết ra một dòng, một trang, một tác phẩm, chính đã được ấp iu từ từng bước đi, từng trang tư liệu. Ông có lý, dù làm gì thì ông cũng đang viết.
Và những chuyến đi của người đàn ông 80 chưa dừng lại, những bước đi ấy đang viết lên một câu chuyện khác nữa, về một dan díu đam mê của một người Quảng với đời sống của cha ông mình.
MINH ĐIỀN