Hoang sơ Tam Đảo

LÊ TRÂM 27/07/2017 14:32

Ở độ cao hơn 1.500m và chỉ cách Hà Nội 80km, trải bao nhiêu thăng trầm Tam Đảo vẫn còn lưu dấu những nét hoang sơ khó lẫn.

Tam Đảo trong sương mây.Ảnh: LÊ TRÂM
Tam Đảo trong sương mây.Ảnh: LÊ TRÂM

Tam Đảo nằm trên một dãy núi đá, thuộc địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Ba ngọn núi Thạch Bàn, Thiên Thị và Phù Nghĩa nhô cao lên trên biển mây tạo thành tên Tam Đảo huyền hoặc. Người Pháp bắt đầu xây dựng Tam Đảo thành thị trấn nghỉ mát vào đầu thế kỷ 20. Đã từng có 163 ngôi biệt thự kiến trúc theo kiểu châu Âu tồn tại ở đây. Ngày nay, qua bao nhiêu năm chiến tranh, hầu hết khu biệt thự đã đổ nát.

Nửa tháng ở Khu du lịch – nghỉ mát Tam Đảo chúng tôi thường lang thang khắp nơi trong cái rét trái mùa kỳ lạ, độc đáo của Tam Đảo. Ở đây, màn sương là đà mặt đất, có cảm giác bước đi có thể vấp phải sương. Đi lòng vòng lại gặp những cây cầu Mặt Quỷ được đánh số. Khu trung tâm thị trấn với điểm nhấn là nhà thờ đá cổ hầu như còn vẹn nguyên nét hoang sơ, với tháp nhà thờ, vòm đá hình bán nguyệt, những bậc đá dẫn lên nhà thờ, cả những hoa văn áp bên vách, bên chân cầu thang đá dẫn lên nhà nguyện như còn nguyên vẹn. Rêu, cỏ bám vào các bờ đá/bờ rào đá khoe sự gần gũi thân thiện của thiên nhiên. Con đường đi từ nhà thờ đá lên đồi Toàn Quyền còn vẫn còn lưu dấu nhiều bức tường đá, những bậc thang đi lên các khu biệt thự cổ. Thỉnh thoảng bắt gặp những khung đá, cột đá vẫn còn sót lại như thách thức với thời gian. Lưng chừng con đường núi đầy dốc sót lại bốn cây cột đá mờ ảo chìm trong sương sớm được đặt tên Cổng Trời, như một nét vẽ lên nền sương mây mờ mờ dáng núi. Một căn nhà có gác hai hẳn hoi trông chẳng khác một chiếc pháo đài cũ kỹ, đứng chênh vênh trong sương, in lẫn trên nền những căn biệt thự cùng những khu khách sạn bề thế đã và đang xây khắp thung lũng.

Tôi thích đi men theo các bờ tường, bờ rào đá, chạm tay vào lớp rêu hoang dã như chạm vào quá khứ huy hoàng một thời của khu nghỉ mát ở rất gần thủ đô này. Để lấy nước cho khu nghỉ mát, đã từng tồn tại một Hồ Xanh với đầy đủ hệ thống phân phối nước cho cả thị trấn, nay đã được nâng cấp để phục vụ cho cả nhu cầu tưới tiêu của thung lũng. Do tương đối dốc đứng nên trên Tam Đảo có nhiều suối và thác nước. Thác Bạc có độ cao 50m, nước xối xuống tung bọt trắng ngay cả vào mùa khô. Đường xuống Thác Bạc phải qua rất nhiều bậc đá theo một con đường ngoằn ngoèo mát rượi, hai bên chen dày các loại hàng quán mà đặc trưng là các món nướng, trong đó có món trứng gà nướng độc đáo. Cũng vì dốc đứng, nên hệ thực vật ở đây khá đa dạng và thay đổi theo độ cao. Nhiều loại rau quả ôn đới được trồng ở Tam Đảo và cung cấp cho các vùng xung quanh, nhất là cho Hà Nội. Càng lên cao, các loài cây thuộc họ lá kim càng nhiều. Nghe nói ở đây có loại cá cóc là động vật đặc hữu của Tam Đảo nhưng chưa được thưởng thức. Đặc sản của Tam Đảo là su su và các loại cây thuốc. Chỗ nào có đất là có su su. Ở đây su su chủ yếu ăn lá và ngọn. Giảo cổ lam và rau diếp cá thỉnh thoảng mọc lan ra cả trên đường đi.

Làm nên nét độc đáo cho thị trấn là thông và hoa. Trải qua bao cuộc “đô thị hóa”, Tam Đảo cũng còn sót lại một số cây thông cổ thụ đã mấy trăm năm, làm điểm nhấn cho thị trấn du lịch. Hoa xuất hiện bất chợt ở mọi nơi, từ những cụm hồng dại ven rào hay hoa chông thấp thoáng bên đường đến các cụm hoa rực rỡ sắc màu ở các khu nhà nghỉ hay nhà dân. Có cả một thung lung hoa nằm ở lưng chừng núi trên con đường đèo dẫn lên thị trấn. Hoa làm tươi lại những nét hoang sơ và như là chiếc cầu nối giữa Tam Đảo xa xưa với những đường nét đang xuất hiện ngày càng nhiều ở đây.  

Một nét hấp dẫn, thu hút nữa của Tam Đảo là các đền chùa. Một buổi sớm, tôi leo núi, lên đền Bà Chúa Thượng Ngàn trong cái nhập nhòa của sương mù và cái ẩm ướt của giá lạnh. Qua cổng tam quan nho nhỏ rồi phải vượt qua một rừng cây âm u mới lên được núi. Ở đó, ngôi đền tựa vào lưng núi thấp thoáng bóng mái đền phải nhìn thật kỹ mới nhận ra. Song song cùng đền là ngôi chùa khá lớn nhiều tầng chen trong mây. Giữa rừng, khu vườn tượng với những pho tượng Phật ẩn hiện trong sương mù cứ như đang lạc vào đất Phật cùng với câu chuyện Tây du. Lạnh và sương mù mờ mịt là vậy nhưng hôm ấy cũng có người đến đền xin đặt lễ. Nhìn những người khó nhọc gánh lễ vượt qua khu rừng thông, ngược mấy trăm bậc dốc, mới thấy người ta kính trọng Bà chúa Thượng Ngàn biết bao nhiêu.

Khu du lịch Tam Đảo đang gấp rút xây dựng để đón khách. Có thể rồi đây Tam Đảo sẽ trở nên nhộn nhịp hơn. Nhưng tôi vẫn cứ thích những nét hoang sơ còn sót lại ở thị trấn trong mây này, bởi không có nó Tam Đảo chẳng khác gì các khu du lịch “nhân tạo” khác đang mở ra đầy rẫy ở khắp mọi nơi.

LÊ TRÂM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoang sơ Tam Đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO