Hoàng Tú Mỹ - "Nhạc sĩ làng" của Hội An

TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ 04/02/2023 08:18

Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ (sinh năm 1927 tại làng Minh Hương, Hội An) vừa qua đời tại quê nhà hôm 31/1, thượng thọ 97 tuổi. Vậy là người cuối cùng của Hội Ái hữu âm nhạc Hội An lừng lẫy thời kỳ đầu tân nhạc đã ra đi…

Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ (ngồi giữa ôm đàn mandolin) và đoàn Văn nghệ Hội An, đầu thập niên 1980. Ảnh: T.N.N
Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ (ngồi giữa ôm đàn mandolin) và đoàn Văn nghệ Hội An, đầu thập niên 1980. Ảnh: T.N.N

Từ Hội Ái hữu âm nhạc

Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ cùng các nhạc sĩ Lan Đài, Dương Minh Ninh, Trương Đình Quang, Lê Trọng Nguyễn… là những thành viên đầu tiên tham gia Hội Ái hữu âm nhạc Hội An (Societe philharmonique de FaiFoo), do nhạc sĩ La Hối khởi xướng năm 1942. Chính hội âm nhạc này và các thành viên của họ đã đặt nền móng vững chắc cho văn nghệ Hội An ngay từ thời kỳ đầu tân nhạc và lan tỏa rất rộng rãi.

Nhờ năng khiếu âm nhạc bẩm sinh, Hoàng Tú Mỹ có biệt tài ký âm rất nhanh, chỉ nghe qua một giai điệu bất kỳ hoặc thoáng qua trong ý tưởng ông đã ký âm ra giấy ngay tức thời. Sau đó, ông mới hoàn chỉnh và đặt lời cho bản nhạc.

Thời kỳ đầu, Hoàng Tú Mỹ sáng tác rất nhiều, nhưng nổi bật nhất là các ca khúc “Gió mới” (phổ thơ Xuân Diệu) và “Đàn chim trắng” được giới âm nhạc trong nước đánh giá cao.

Nhạc sĩ Trương Đình Quang kể lại: “Tôi và nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ tuy đồng tuổi nhưng trong gia tộc tôi là cậu của ông ấy. Khi tham gia Hội Ái hữu âm nhạc, cả hai chúng tôi cùng sáng tác tân nhạc.

Tất nhiên là luôn có sự so sánh hơn thua, mãi đến khi Hoàng Tú Mỹ đưa cho tôi xem ca khúc “Gió mới” phổ từ thơ Xuân Diệu, thì tôi sững sờ vì ca khúc hay quá. Từ đó, tôi thực sự nhận ra tài năng âm nhạc của mình không bằng ông cháu Hoàng Tú Mỹ”.

Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ và Ban nhạc Hội An, 1959 – 1963 (ngoài cùng bên phải). Ảnh: T.N.N
Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ và Ban nhạc Hội An, 1959 – 1963 (ngoài cùng bên phải). Ảnh: T.N.N

Trong kháng chiến chống Pháp, Hoàng Tú Mỹ tản cư về Bồng Sơn, tại đây ông tham gia ban văn nghệ trung đoàn vệ quốc mang tên “Xung phong” do ông Võ Toàn (Võ Chí Công) tổ chức. Ông sử dụng violon, trong ban nhạc cùng với các nhạc sĩ Dương Minh Ninh, Phan Huỳnh Điểu, Huỳnh Bá, Lê Trọng Nguyễn…

Theo ký ức của nhiều người, tại những đại hội văn hóa - văn nghệ hoặc những chương trình nghệ thuật thường niên tổ chức ở Quảng Ngãi, Bồng Sơn, Tam Quan (Bình Định), nòng cốt của ban nhạc đều là những nghệ sĩ phố Hội.

Hoàng Tú Mỹ là thành viên kỳ cựu trong ban nhạc Hội An - ban nhạc thành lập đầu tiên tại Hội An năm 1959. Ban nhạc gồm các thành viên: La Gia Quảng sử dụng piano, Võ Văn Thọ sử dụng mandolin, Huỳnh Nhâm sử dụng accordeon, Lê Khuê, Hoàng Tú Mỹ sử dụng violon, Trần Thanh (Xây) sử dụng trống, Thái Xuân Đình (Tiễn) sử dụng contrabass.

Có thể gọi đây là tiền thân của ban nhạc U70 Cung đàn xưa đình đám một thời, và trở thành một sản phẩm du lịch không thể thiếu tại Hội An gần 40 năm sau. Đồng thời họ cũng là những hạt nhân nòng cốt cho phong trào văn nghệ Hội An sau 1975.

Nhạc sĩ của Hội An

Mặc dù tài năng âm nhạc của Hoàng Tú Mỹ đã vang xa nhưng dường như số phận đã định đoạt để suốt đời ông cống hiến cho riêng và chỉ ở Hội An. Trong khi những thành viên khác của Hội Ái hữu âm nhạc Hội An đều rời khỏi Hội An, định cư tại những nơi khác tạo lập tên tuổi cho mình, thì ông chọn ở lại, sống bình dị và truyền nghề cho các thế hệ tiếp nối.

Phải ghi nhận hầu hết thành viên văn nghệ tại Hội An từ thế hệ thứ 3 về sau, không ít thì nhiều đều được ông hướng dẫn, chỉ bảo tận tình về chuyên môn biểu diễn, cũng như hòa âm, sáng tác.

Tuyển tập 50 ca khúc chọn lọc của nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ. Ảnh: T.N.N
Tuyển tập 50 ca khúc chọn lọc của nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ. Ảnh: T.N.N

Thập niên 1980, phong trào văn nghệ diễn ra sôi động tại Hội An cũng như trong cả nước. Hoàng Tú Mỹ được đề cử làm trưởng đoàn văn nghệ Mành Trúc Hội An, thay mặt địa phương tham gia các hội diễn nghệ thuật toàn tỉnh cũng như toàn quốc. Các tác phẩm “cây nhà lá vườn” do ông sáng tác đã góp phần giúp cho đoàn văn nghệ Hội An giành được nhiều huy chương các loại tại những đợt hội diễn này.

Gắn bó với văn nghệ Hội An từ hơn nửa thế kỷ qua, hơn 500 ca khúc do Hoàng Tú Mỹ sáng tác gồm nhiều thể loại, từ ca vũ kịch cho đến phổ thơ, nhưng rõ nét nhất là các ca khúc mang âm hưởng dân ca được ông phổ thơ về Hội An, Quảng Nam như: Khúc hát Thu Bồn, Phố xưa, Trăng phố cổ… và chủ yếu là nhạc thiếu nhi.

Đặc biệt, có nhiều ca khúc dành cho thiếu nhi mang phong cách đồng dao như: Cây đa chú Cuội, Chập chập cheng cheng (Phùng Tấn Đông biên soạn lời) hoặc Chuyện kỳ nhông, Con quạ, Con sáo (Lệ Chi Viên, Trương Đình Quang biên soạn lời). Tại các chương trình Hoa phượng đỏ dành cho thiếu nhi được tổ chức thường niên trong toàn tỉnh, khó có thể thiếu những tác phẩm ông sáng tác về thiếu nhi.

Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ lúc còn trẻ. Ảnh: T.L
Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ lúc còn trẻ. Ảnh: T.L

Là một người lạc quan đến mức hồn nhiên, dễ gần gũi lại luôn tận tình chỉ bảo nhạc thuật cho lớp đàn em, nên ông được nhiều thế hệ văn nghệ Hội An qua các thời kỳ quý mến, gọi ông với cái tên thân thương là “bố Mỹ”.

Nữ ca sĩ Ánh Tuyết tâm sự: “Cái nghệ danh Ánh Tuyết là do bố Mỹ đặt cho tôi. Chuyện là, tại một đêm văn nghệ được tổ chức tại chùa Hải Nam, Hội An, trong chương trình có một bài đơn ca do tôi biểu diễn.

Chắc là sợ cái tên thực của tôi nó không “nghệ”, bố Mỹ mới đặt thành Ánh Tuyết, nhưng lại quên cho tôi biết trước. Đến giờ diễn nghe giới thiệu cái tên lạ hoắc, nhưng đúng bài mình hát, tôi sững người một chặp mới nhận biết để bước ra sân khấu biểu diễn. Từ đó nghệ danh Ánh Tuyết đã gắn chặt suốt cuộc đời tôi”.

Ông Võ Phùng - nguyên Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An cho biết: “Tôi đã gắn bó lâu dài với nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ ngay từ khi bước chân về nhận nhiệm vụ tại Nhà văn hóa Hội An (1985). Ông là nhạc sĩ tài hoa, hóm hỉnh, sôi nổi và cực kỳ yêu đời. Ông luôn là trung tâm tạo cảm hứng phong trào, cảm hứng biểu diễn cho anh chị em văn nghệ Hội An.

Nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ có cách phối bè lạ và cực hay. Trong các chương trình văn nghệ nhiều lúc ông vừa quản ca, vừa viết hòa âm, phối khí và chỉ huy dàn nhạc. Chúng tôi không thể không tri ân nhạc sĩ Hoàng Tú Mỹ, ông đã góp phần rất lớn vào sự phát triển của ca nhạc Hội An, đặc biệt là Trung tâm Văn hóa Hội An qua các chương trình văn nghệ quần chúng, sân khấu hóa, nhất là chương trình hoa phượng đỏ dành cho thiếu nhi”.

Giờ đây, Hoàng Tú Mỹ - “nhạc sĩ làng” của Hội An - như ông vẫn thường tự nhận đã rời xa cõi tạm, nhưng với giới văn nghệ Hội An cái tên “bố Mỹ” và những câu chuyện về con người tài hoa này chắc chắn sẽ còn được nhắc đến rất nhiều trong những lúc trà dư tửu hậu tại những cuộc hội ngộ văn nghệ Hội An.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoàng Tú Mỹ - "Nhạc sĩ làng" của Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO