Hoàng Xuân Thanh - Nhà báo đa tài

ĐỨC THỊNH 02/02/2016 16:29

(QNO) - Nghe tin Nhà báo Hoàng Xuân Thanh (bút danh Tâm Đức) đã ra đi vào một ngày cận tết năm Bính Thân (ngày 1.2.2016, nhằm ngày 23 tháng Chạp, năm Ất Mùi) người thân trong gia đình, đồng đội, đồng nghiệp, bạn bè và những người quen biết ông đã không kìm nén được cảm xúc với niềm tiếc thương vô hạn.

Những năm tháng làm phóng viên báo Quảng Nam - Đà Nẵng, ông luôn là người đi đầu, xông pha vào những nơi khó khăn, vất vả. Khi huyện Núi Thành tách ra thành lập huyện mới còn đầy khó khăn, ngay cả trụ sở huyện cũng phải ở nhờ một cơ sở của nhà thờ. Buổi tối, những cán bộ huyện và cả phóng viên và khách của tỉnh về công tác cũng phải nằm ở hành lang… Thế nhưng ông đã tình nguyện thường trú ở Núi Thành nhiều tháng. Nhờ vậy, những bài viết của ông đã giúp báo hoàn thành nhiệm vụ chính trị và động viên cán bộ, nhân dân huyện Núi Thành vượt qua những khó khăn ban đầu, xây dựng huyện Núi Thành ngày càng phát triển.

Chân dung nhà báo Hoàng Xuân Thanh.
Chân dung nhà báo Hoàng Xuân Thanh.

Khi báo có chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền về các huyện miền núi (khi đó tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng có 4 huyện miền núi là: Phước Sơn, Trà My, Giằng và huyện Hiên. Trong đó, Hiên là huyện khó khăn nhất, xe khách không lên tới trung tâm huyện được. Ông BRíu BRăm - nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND huyện đã luôn nhắc lại câu nói tại các cuộc họp của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh về tình trạng giao thông trên địa bàn huyện: “Bao giờ xe khách tới Trao”. Thế nhưng, ngay sau khi có chủ trương này, báo thành lập phòng miền núi và huyện trung du Tiên Phước do ông xung phong làm trưởng phòng. Lúc đầu phòng có các phóng viên khác phụ trách các huyện là: Ngô Anh Vũ (Phước Sơn); Nguyễn Trung Hiếu (Giằng) - hiện công tác tại Báo Lao động; Hồ Quang Minh (huyện Trà My); Phạm Tấn Tư (huyện Tiện Phước) - nay là Giám đốc cơ quan thường trú Đài tiếng nói Việt Nam tại miền Trung và ông trực tiếp thường trú tại huyện Hiên.

Nhiệm vụ của các phóng viên này là một tháng tổ chức một trong báo, tuyên truyền về các huyện nói trên, trên báo Quảng Nam Đà Nẵng. Sau một thời gian ổn định, mỗi phóng viên phải tổ chức một bản tin (lúc đầu là 4 trang, khổ nhỏ, sau là 8 trang với tần suất mỗi tháng/kỳ. Nhưng vậy mỗi phóng viên vửa tổ chức viết tin bài, chụp ảnh… với sự hỗ trợ của toàn soạn. Riêng ông, ngoài việc tổ chức tin bài, ảnh ông còn tự trình bày bản tin, thiếu thơ, ông làm thơ, không có minh họa, ông tự minh họa (ông chụp ảnh khá chuẩn, vẽ đẹp, làm thơ cũng rất hay). Chừng đó cũng cho thấy ông là một nhà báo đa tài.

Nhà báo Hoàng Xuân Thanh sinh ra trong một gia đình có truyền thống của người Hà Nội. Cũng như mọi người dân đất Việt khác, ông lớn lên trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, chiếm đóng của Thực dân Pháp, sự xâm lược của Đế quốc Mỹ. Thấu hiểu được nỗi đau của người dân mất nước, năm 1963, theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước ông nhập ngũ. Năm 1965, ông được quân đội cử đi học khoa Anh Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Kết thúc khóa học tháng 12.1967, ông được quân đội phân công vào chiến trường Khu 5, trực tiếp về công tác tại Ban Binh vận, Thị ủy, thị xã Hội An với cương vị là phiên dịch tiếng Anh, Trợ lý bảo tồn, bảo tàng thuộc phòng Chính trị, mặt trận 4 và từ tháng 5.1976, ông được phân công là Phóng viên báo Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông đã được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Ông là người làm báo rất sát cơ sở. Nhờ vậy, ông hiểu được tận cùng của các nỗi đau, những gian nan vất vả của người lao động, đặc biệt là những thân phận của nhưng người bất hạnh. Trong đó, trẻ em lang thang cơ nhỡ luôn làm ông trăn trở, vì thế năm 1990, ông xin nghỉ hưu, khi đủ tiêu chuẩn nghỉ hưu theo quy định hiện hành. Sau đó, ông cùng một số người bạn thành lập Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em đường phố nhằm chia s3 khó khăn với các em. Đây là tổ chức xã hội duy nhất trên cả nước không nhận tiền từ ngân sách Nhà nước mà tự huy động. Tuy nhiên, với sự hoạt động tích cực của các thành viên với tấm lòng vì trẻ em, Trung tâm đã tổ chức thu nhận, nuôi dạy được hàng trăm em nhỏ có hoàn cảnh đáng thương trưởng thành, hội nhập với xã hội.

Ông ra đi với nhiềm tâm nguyện chưa được hoàn thành. Nhưng với tất cả những gì ông đã cống hiến cho đất nước, cho nghề báo và cho đời cũng đủ để những đồng đội, đồng nghiệp, bạn bè, những người thân và những người quen biết ông với sự tôn trọng và tiếc thương. Thay mặt cho những đồng nghiệp ở Báo Quảng Nam Đà Năng; Báo Đà Nẵng, Báo Quảng Nam xin mượn trang viết này như một nén nhang cầu mong cho linh hồn ông được siêu thoát về cõi vình hằng.

ĐỨC THỊNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoàng Xuân Thanh - Nhà báo đa tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO