Hoạt động của các nhóm, hội từ thiện tự phát: Cần có sự điều phối phù hợp!

PHÚ MỸ 18/04/2017 14:30

(QNO) - Ở Quảng Nam, có lẽ chưa bao giờ hoạt động từ thiện - nhân đạo lại có sự tham gia của nhiều thành phần xã hội như lúc này. Ngoài đơn vị chủ lực là Hội Từ thiện tỉnh và các hội trực thuộc ở cơ sở, trên địa bàn tỉnh hiện còn có hơn 10 nhóm, hội thiện nguyện hoạt động thường xuyên. Các hội, nhóm tự phát này được thành lập, kết nối bởi những người sinh sống trong cùng địa bàn, cùng môi trường làm việc, hoặc đơn giản là cùng có tâm nguyện làm từ thiện. 

Hoạt động của các hội, nhóm từ thiện như thế này đã à đang góp phần khơi dậy tinh thần nhân ái trong cộng đồng.  Trong ảnh: Thành viên CLB Sách và hành động Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) tặng sách cho học sinh miền núi Quảng Nam. ảnh: P.M
Hoạt động của các hội, nhóm từ thiện như thế này đã và đang góp phần khơi dậy tinh thần nhân ái trong cộng đồng. Trong ảnh: Thành viên CLB Sách và hành động Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) tặng sách cho học sinh miền núi Quảng Nam. Ảnh: P.M

Cạnh đó, lại có một số cá nhân làm từ thiện hoàn toàn độc lập, tự kêu gọi, tự vận động và tự chia sẻ nguồn lực mình có được cho các hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, tại một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp còn có “mô hình” từ thiện không chính thức, chủ yếu tổ chức các hoạt động từ thiện nhân một dịp nào đó.

Đặc điểm chung dễ nhận thấy của các hội, nhóm từ thiện nói trên là có số lượng thành viên khá đông đảo, hoạt động trên tinh thần cộng đồng đa kết nối. Cùng với đó, hầu như mọi hoạt động liên quan đến thiện nguyện của họ đều được quảng bá, giới thiệu trên mạng xã hội - vốn có tính tương tác cao. Nhờ một phần không nhỏ từ hướng tiếp cận này, nhiều hội, nhóm đã thực hiện được một cách hiệu quả các hoạt động tự thiện và nhanh chóng tạo được uy tín cho riêng mình.

Chẳng hạn như Câu lạc bộ (CLB) Nguyện ước xanh, chỉ sau một thời gian ngắn đã tập hợp được hàng nghìn thành viên là học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh và sinh viên các trường cao đẳng, đại học ở Tam Kỳ. CLB này cũng đã tổ chức nhiều đợt từ thiện quy mô lớn; có những đợt giá trị quà tặng cho người nghèo lên đến 20-30 triệu đồng.

Tương tự, một số nhóm, hội như Nhớ về Tam Kỳ, Đại Lộc quê mình, Quỹ từ thiện PK (“bản doanh” ở Đà Nẵng nhưng thường xuyên tổ chức các hoạt động từ thiện ở Quảng Nam), CLB Thanh thiếu nhi phật tử chùa Bửu Đức (Tam Kỳ)... hiện cũng đã trở thành những cái tên quen thuộc trong “cộng đồng từ thiện” ở Quảng Nam. Hầu hết các hội, nhóm này khi tổ chức hoạt động từ thiện đều có số người tham gia đông, kịp thời, đúng lúc và luôn hướng vào các đối tượng đặc biệt như người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người nghèo nằm viện...

Bên cạnh những mặt tích cực dễ nhìn, dễ thấy, thời gian qua, hoạt động của các hội, nhóm từ thiện cũng đã xảy ra một số “sự cố”. Chẳng hạn như sự “đụng độ” giữa những người đi làm từ thiện với các đối tượng quá khích ở địa phương. Lại có trường hợp tiền, quà mang đến tận nơi nhưng chính quyền địa phương không cho cấp phát do trước đó những người làm từ thiện không hề có thông tin trao đổi, xin phép chính quyền. Một cán bộ lãnh đạo ở một xã miền núi của tỉnh cho biết, đại ý: Người ta mang quà đến tặng bà con mình là rất quý. Nhưng nếu không may xảy ra việc gì thì ai chịu trách nhiệm? Hay như cách đây không lâu, có một nhóm từ thiện mang cháo đến cấp phát cho bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (Điện Bàn) và đã bị từ chối. Nhiều người tỏ ra không đồng tình với động thái đó của Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức nhưng ngược lại, cũng cần phải thấy rằng lý do mà lãnh đạo bệnh viện này đưa ra là hợp lý: Cháo cho người bệnh một khi chưa được xác thực về nguồn gốc và chưa được kiểm tra về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu không may xảy ra ngộ độc thì ai là sẽ người chịu trách nhiệm…

Theo ông Trần Hồng Phúc - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Từ thiện tỉnh, nhìn chung hoạt động từ thiện của các hội, nhóm và một số cá nhân hiện nay là rất đáng quý. Bởi lẽ, ngoài việc kịp thời mang lại lợi ích vật chất, tinh thần cho nhiều hoàn cảnh khó khăn, sự vào cuộc của họ còn góp phần khơi dậy và kết nối tinh thần nhân ái trong cộng đồng.

Tuy nhiên, do việc tổ chức cấp phát tiền, quà được thực hiện có phần cảm tính, ít khi được tư vấn hoặc thông qua bởi các cơ quan chức năng nên hoạt động của các hội, nhóm từ thiện tự phát có thể gây nên những hiệu ứng không tốt đối với hoạt động nhân đạo, từ thiện nói chung. “Để hoạt động của các hội, nhóm từ thiện phát huy tối đa những mặt tích cực của nó, tạo nên sự hài hòa trong huy động, sự hợp lý, chính xác trong việc phân phối nguồn lực nhân đạo và hạn chế, ngăn ngừa những phát sinh ngoài ý muốn, theo tôi các cơ quan chức năng cần có phương thức quản lý, điều phối phù hợp” - ông Phúc nói.

PHÚ MỸ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoạt động của các nhóm, hội từ thiện tự phát: Cần có sự điều phối phù hợp!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO