Phần lớn bí thư chi bộ thôn hiện nay là cán bộ nghỉ hưu. Đúng ra phải được nghỉ ngơi, nhưng vì trách nhiệm đảng viên và tâm huyết với phong trào chung, nhiều cán bộ hưu trí vẫn vui vẻ đảm đương công việc ở thôn. Chính họ là những hạt nhân lãnh đạo, có vai trò và đóng góp lớn ở cơ sở.
Chi bộ thôn có vai trò hết sức quan trọng trong việc lãnh đạo, vận động đảng viên và nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới. |
Nhân đọc bài “Nâng cao vai trò chi bộ thôn” trên báo Quảng Nam ra ngày thứ Tư (6.11), tôi xin góp thêm đôi điều nhìn nhận.
Tuy không phải là cấp chính quyền, nhưng trên thực tế “thôn chính là cánh tay nối dài của cấp xã”. Nhiều nơi cho rằng “thôn, khối phố (sau đây gọi chung là thôn) là cái túi đựng trăm việc”, mọi công việc dù có thực hiện tốt hay không đều xuất phát ở cơ sở, mà như bài báo đã nói, hiện nay hầu hết các thôn đều có chi bộ đảng. Chi bộ thôn là hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở, có vai trò hết sức quan trọng trong việc lãnh đạo, vận động đảng viên và nhân dân thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của nhân dân trên địa bàn dân cư. Trong đó, vai trò lãnh đạo của chi ủy, bí thư chi bộ là rất quan trọng.
Đáng mừng, phần lớn bí thư chi bộ thôn hiện nay là những đảng viên có uy tín, có năng lực, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Bởi đa số các đồng chí bí thư chi bộ thôn là những cán bộ đã về nghỉ hưu (có quá trình công tác lâu năm, có kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan nhà nước) hoặc có quá trình lăn lộn nhiều năm với phong trào ở cơ sở. Nhiều nơi thường nói với nhau “đầu ra của huyện là đầu vào của thôn” cũng phải. Đã về nghỉ hưu, đúng ra phải được nghỉ ngơi, nhưng vì trách nhiệm đảng viên, nhiều đồng chí đã vui vẻ đảm nhận nhiệm vụ bí thư chi bộ hoặc tham gia cấp ủy để được tiếp tục đóng góp sức mình cho công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Nhiều bí thư chi bộ thôn đã thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ với ban nhân dân và các đoàn thể để lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ ở địa phương. Các chi bộ cơ sở phần lớn đều có chi ủy, đã xây dựng được quy chế làm việc của chi bộ, nêu rõ chức năng, nhiệm vụ của chi ủy, bí thư chi bộ; mối quan hệ giữa chi ủy, ban nhân dân thôn, khối phố, tôn trọng, hợp tác, phát huy vai trò của nhau để triển khai thực hiện các nhiệm vụ ngay từ cơ sở. Có nhiều chi bộ đã làm tốt việc xây dựng quy chế hoạt động hàng quý, hoặc 6 tháng tổ chức họp giao ban với trưởng ban công tác mặt trận, công an viên, thôn đội trưởng, các hội đoàn thể để nghe phản ánh tình hình và kiểm tra nhắc nhở việc triển khai thực hiện nghị quyết của chi bộ.
Trong sinh hoạt chi bộ ở cơ sở, đa số đều đảm bảo được “tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu”. Nhiều đảng viên đã ý thức được nhiệm vụ đảng viên, nên đến thời gian quy định là tham gia sinh hoạt chi bộ đông đủ, chỉ trừ những đảng viên già yếu, bệnh tật mới làm đơn xin miễn sinh hoạt đảng. Trước khi sinh hoạt chi bộ, chi ủy họp thông qua một số nhiệm vụ, chuẩn bị nội dung sinh hoạt. Trước đây, một số chi bộ do bí thư và cấp ủy chưa được bồi dưỡng về chức năng hoạt động, sinh hoạt chi bộ cơ sở nên trong sinh hoạt còn nặng về mặt quản lý nhà nước, nội dung sinh hoạt chi bộ còn chung chung, đơn điệu, đảng viên ít tham gia phát biểu ý kiến. Nay nhiều chi bộ đã nâng cao được chất lượng sinh hoạt theo hướng dẫn của trên, dành nhiều thời gian để bàn về công tác xây dựng Đảng, nhất là nâng cao chất lượng đảng viên, kiểm tra đảng viên thực hiện việc đăng ký và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phát hiện tạo nguồn tại chỗ để xem xét giới thiệu với chi bộ kết nạp đảng viên mới.
Chi bộ ở cơ sở có vai trò lãnh đạo toàn diện. Gắn cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở với xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh là việc làm có tác dụng nâng cao chất lượng hoạt động và lãnh đạo của chi bộ ở cơ sở. Cuộc vận động xây dựng thôn văn hóa là động lực để thúc đẩy các hoạt động trong hệ thống chính trị ở cơ sở, bởi thôn không đạt chuẩn “văn hóa” thì chi bộ không được công nhận trong sạch vững mạnh. Thế nhưng việc công nhận thôn văn hóa hiện nay vẫn còn một số tiêu chí không phù hợp, nếu không điều chỉnh, sẽ làm ảnh hưởng đến các phong trào ở cơ sở.
Nan giải trong công tác phát triển đảng Công tác phát triển đảng viên mới là nhiệm vụ hết sức quan trọng của chi bộ ở cơ sở, nhưng có nhiều nơi cả năm không kết nạp được đảng viên mới nào. Lý do là không có nguồn. Trước đây, vì để đạt được chỉ tiêu phát triển đảng, nhiều chi bộ có hiện tượng “kết nạp giùm”. Những đoàn viên thanh niên hoặc quần chúng sinh sống trên địa bàn dân cư, có hộ khẩu ở thôn, khối phố nhưng đang làm việc theo hợp đồng lao động ở các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước về thôn, khối phố kiêm nhiệm một số nhiệm vụ như bí thư, phó bí thư chi đoàn, tham gia ban chấp hành các hội, đoàn thể, qua quá trình công tác được chi bộ xem xét kết nạp vào Đảng. Nhưng sau khi được công nhận đảng viên chính thức một thời gian, đảng viên mới ấy lại chuyển sinh hoạt đảng đến cơ quan, doanh nghiệp mình đang làm việc. Thế là chi bộ ở cơ sở lại hụt hẫng nguồn đảng viên trẻ, nguồn cán bộ kế cận. Một vấn đề nan giải khác hiện nay đối với chi bộ ở cơ sở là kết nạp đảng đối với những quần chúng đang sinh sống ở địa phương nhưng lại làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn cho các doanh nghiệp ở các cụm công nghiệp, khu công nghiệp. Họ đều trẻ tuổi, có trình độ, đang sinh hoạt đoàn thể ở thôn, khối phố là cán bộ có triển vọng sau này, nhưng ở doanh nghiệp lại không có tổ chức đảng. Để tạo nguồn phát triển cho Đảng, qua thời gian xem xét, chi bộ thôn, khối phố hướng dẫn làm hồ sơ phát triển đảng. Nhưng khi vào Đảng, đến lúc họp chi bộ, hoặc học tập chính trị cho đảng viên, doanh nghiệp nơi làm việc không tạo điều kiện, có doanh nghiệp vì sợ trở ngại cho công việc sản xuất, kinh doanh mà không muốn để công nhân của mình nghỉ để được tham gia các lớp học tập đảng viên mới; thậm chí các sinh hoạt chi bộ ở thôn có lúc cũng không đầy đủ vì bận công việc của doanh nghiệp giao. |
PHẠM NÊN