Gần 20 năm qua, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện nói chung đã góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận, nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên và quần chúng ở cơ sở. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng các trung tâm này đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ được giao trong thời kỳ mới xem ra vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận do Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Thăng Bình phối hợp tổ chức. |
Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện được thành lập theo Quyết định số 100 của Ban Bí thư Trung ương khóa VII; có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; quán triệt triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ, đảng viên (không thuộc đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện.
Cùng với việc thực hiện khá tốt các chương trình theo quy định của Ban Tuyên giáo Trung ương, các trung tâm đã có những bước trưởng thành về mọi mặt. Trong đó, đội ngũ cán bộ ngày càng kiện toàn; cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động ngày càng tăng cường; quan hệ và sự phối hợp giữa trung tâm với các ban ngành, đoàn thể ngày càng đi vào nền nếp. Từ đó, đã có những đổi mới về hình thức và phương pháp hoạt động, góp phần tạo ra phong trào học tập chính trị trong cán bộ, đảng viên và quần chúng ở cơ sở… Phải khẳng định rằng, qua gần 20 năm hoạt động, các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở.
Đến cuối tháng 12.2015, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể mở 967 lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, với hơn 171.890 lượt cán bộ, đảng viên, quần chúng tham gia dự học. Trong đó, mở 8 lớp đào tạo sơ cấp lý luận chính trị với 472 học viên; 38 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới với 3.329 học viên; 65 lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng với 6.199 học viên; triển khai, học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, Tỉnh ủy, chuyên đề Chỉ thị 03/TW năm 2015 với 516 lớp với 107.437 cán bộ, đảng viên tham gia dự học... |
Bên cạnh thành tựu đạt được, bước vào thời kỳ mới, các trung tâm cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập so với nhiệm vụ được giao. Trước hết là nội dung của chương trình học. Nhiều chương trình nặng về lý luận, phần ứng dụng thực tế còn ít, thời gian bố trí cho một số chương trình chưa hợp lý, nhất là chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho các đoàn thể chính trị, xã hội. Việc giáo trình chậm đổi mới, không bắt kịp chủ trương của Đảng cũng đã tác động lớn đến chất lượng giảng dạy. Điều này bắt buộc giảng viên phải tự trang bị, bổ sung nội dung mới vào thiết kế bài giảng nhằm chuyển tải đúng tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên.
Bên cạnh đó, sự phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc xây dựng kế hoạch mở lớp và trong công tác chiêu sinh thiếu chặt chẽ nên hầu hết trung tâm chưa chủ động được thời gian mở lớp. Trình độ chuyên môn của một số giảng viên kiêm chức còn thấp so với yêu cầu, dẫn đến chất lượng truyền đạt kiến thức bị hạn chế. Công tác tổ chức, quản lý lớp học còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ. Tình trạng học viên bỏ buổi học, tiết học vẫn còn xảy ra khá phổ biến. Ngoài những khó khăn “trường kỳ” về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, thì kinh phí hoạt động và chế độ bồi dưỡng cho học viên, thù lao cho đội ngũ giảng viên, báo cáo viên của các trung tâm còn chưa phù hợp. Học viên theo học ở trung tâm được bồi dưỡng tiền ăn hiện nay 40.000 đồng/ngày/người (trước đây chỉ 15.000 - 30.000 đồng); thù lao giảng viên kiêm chức, báo cáo viên chỉ 200 - 300 nghìn đồng/buổi là khá thấp so với tình hình vật giá ngày càng gia tăng hiện nay. Cũng do vướng mắc về cơ chế tài chính nên các trung tâm khó mời báo cáo viên, giảng viên chất lượng cao về báo cáo tại các lớp chuyên đề, thông tin thời sự. Điều này khiến nhu cầu cập nhật thông tin thời sự, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng cao của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hiện nay chưa được đáp ứng. Đây là những vấn đề cấp bách đòi hỏi các cấp, ngành phải cùng vào cuộc, bởi nhiệm vụ của công tác tư tưởng trong thời gian sắp tới là rất nặng nề, đặc biệt đối với việc nâng cao chất lượng giảng dạy và đội ngũ giảng viên của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Bên cạnh khó khăn về nội dung các chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất, cơ chế tài chính, thì chế độ lương và phụ cấp là nỗi trăn trở “thường trực” của đội ngũ cán bộ làm việc tại các trung tâm. Theo quy định, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy và UBND cấp huyện, do đó cán bộ, viên chức của trung tâm không được hưởng phụ cấp công vụ (25%) và cũng không được hưởng phụ cấp cho cán bộ, công chức khối đảng (30%). “Nếu giảng viên chuyên trách, lãnh đạo cơ quan còn có 30% phụ cấp đứng lớp để cải thiện thu nhập thì những cán bộ thuần túy chuyên môn như kế toán, giáo vụ chỉ hoàn toàn dựa vào thu nhập từ lương, ngoài ra không có khoản phụ cấp nào. “Thử hỏi với thu nhập duy nhất từ lương như vậy, tôi phải xoay xở để chăm lo cho gia đình như thế nào với giá cả leo thang hiện nay” - ông Trần Tất Thắng, giáo vụ Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Thăng Bình bày tỏ nỗi niềm.
Theo nhiều lãnh đạo Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, điều bất cập trước hết của các trung tâm hiện nay là thực trạng được ví như “con 2 cha”. Về chức năng nhiệm vụ, trung tâm đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Thường vụ Huyện ủy, thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - một nhiệm vụ trọng yếu của Đảng. Thế nhưng, về tư cách pháp nhân, trung tâm lại thuộc sự quản lý trực tiếp của UBND cấp huyện. Thực trạng chồng chéo này có thể thấy ngay trên một văn bản bất kỳ: tên cơ quan chủ quản trực tiếp ghi “UBND huyện”, cơ quan ban hành văn bản ghi “Trung tâm Bồi dưỡng chính trị”; đóng con dấu có ký hiệu trực thuộc UBND. Điều đáng nói là toàn bộ nhân sự, các hoạt động đảng, đoàn thể của trung tâm lại thuộc về đầu mối huyện ủy; tổng biên chế của trung tâm nằm trong tổng biên chế của huyện ủy.
Cơ quan chủ quản không rõ ràng, chồng chéo, dẫn đến không thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như tổ chức, thực hiện, nên các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện luôn “thua thiệt ” so với các cơ quan, đơn vị khác về chế độ, chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức cũng như phong trào thi đua. Thực trạng trên đòi hỏi các ban, ngành, cơ quan có liên quan trong phạm vi, quyền hạn, cần nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm, sớm có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trung tâm. Đối với cấp ủy, chính quyền cấp huyện, với vai trò quản lý trực tiếp toàn bộ hoạt động của trung tâm nên tiếng nói trong vấn đề này hết sức quan trọng, có tác động lớn đến việc nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm, tạo điều kiện từ cơ sở vật chất đến bố trí định biên nhân sự, nhất là chế độ, chính sách phụ cấp cho cán bộ, viên chức của trung tâm để đội ngũ này có thêm động lực, an tâm công tác, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị trong thời kỳ mới.
TRƯƠNG THANH CHÂU