Sau hơn một năm thành lập, hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) Quảng Nam và các chi nhánh trực thuộc còn gặp nhiều khó khăn trở ngại, chưa đáp ứng tốt chức năng, nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Nhiều bất cập
Trung tâm PTQĐ Quảng Nam thành lập trên cơ sở tổ chức lại trung tâm PTQĐ cấp tỉnh, cấp huyện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2015/TTLT-BTNMT-BNV-BTC của Bộ TN-MT, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính. Các chi nhánh chuyển từ trung tâm PTQĐ trực thuộc UBND cấp huyện về Sở TN-MT quản lý. Từ khi ra đời đến nay, đơn vị đã thực hiện khối lượng lớn giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ các dự án đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Điển hình dự án mở rộng quốc lộ 1, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Trường Sơn Đông, cầu Giao Thủy, các tuyến giao thông tỉnh lộ tại Điện Bàn, Hội An, các dự án tại vùng đông... Riêng năm 2016, trung tâm triển khai GPMB để thực hiện 488 dự án, tổng diện tích khơi thông trên 961ha, giải tỏa trắng và bố trí tái định cư (TĐC) được 654 hộ với tổng số tiền đã chi trả hơn 839,8 tỷ đồng.
Một trường hợp phải cưỡng chế thu hồi đất thuộc dự án cao tốc tại Núi Thành.Ảnh: CÔNG TÚ |
Tuy nhiên, do hoạt động của mô hình “một cấp”, theo cơ chế tài chính hạch toán phụ thuộc nên thời gian đầu việc phối hợp giữa trung tâm, chi nhánh thuộc trung tâm, Sở TN-MT với UBND, phòng TN-MT, cơ quan tài chính và các đơn vị liên quan chưa chặt chẽ. Việc phối hợp để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai bồi thường, hỗ trợ, TĐC ở nhiều địa phương thiếu quyết liệt. Một lãnh đạo chi nhánh trung tâm PTQĐ cấp huyện cho rằng lãnh đạo địa phương nắm bắt được thông tin sáp nhập liền rút cán bộ có năng lực về lại các ban ngành của huyện.
Theo Giám đốc Trung tâm PTQĐ tỉnh - ông Phạm A, việc tạo lập, PTQĐ của đơn vị hầu như chưa triển khai do gặp vướng mắc về cơ chế sử dụng nguồn vốn, việc phân bổ nguồn thu từ quỹ đất cho các cấp ngân sách. Công tác GPMB dự án gặp nhiều khó khăn, bất cập. Đơn cử, tiến độ xác nhận nguồn gốc sử dụng đất của UBND cấp xã, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và TĐC ở một số nơi còn chậm; tiếp công dân để giải quyết khiếu nại, kiến nghị, tuyên truyền, vận động của các ngành, hội đoàn thể tại các địa phương thiếu đồng bộ. Trong khi đó giá phê duyệt chậm trễ, chưa sát với giá thị trường; trích lục, trích đo địa chính còn chậm, chất lượng chưa đảm bảo. Ngoài ra, một số dự án không có đủ quỹ đất bố trí TĐC, không có chỗ cải táng mồ mả... Hồ sơ quản lý đất đai, hồ sơ địa chính có nơi không còn lưu trữ; quản lý đất công, đất 5% chưa chặt chẽ. Cũng vì địa phương quản lý quy hoạch, quản lý hiện trạng lỏng lẻo, xử lý thiếu kiên quyết nên ảnh hưởng đến tiến độ GPMB. Mặt khác, nguồn vốn không đáp ứng đủ và kịp thời (nhất là vốn của doanh nghiệp, của địa phương) khiến nhiều dự án kéo dài đã phát sinh ra nhiều hệ lụy phức tạp, như các dự án thành phần khu nghỉ dưỡng Nam Hội An tại Duy Xuyên; ĐT607, ĐT608, ĐT609 và một số dự án du lịch ven biển tại Điện Bàn, Hội An...
Tìm giải pháp khắc phục
Theo Quyết định số 3514/QĐ-UBND ngày 30.9.2015 của UBND tỉnh, chức năng chủ yếu của Trung tâm PTQĐ Quảng Nam là tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và TĐC; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác trong lĩnh vực đất đai. |
Để công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC được thực hiện tốt hơn, hạn chế xảy ra vướng mắc, khiếu kiện của người có đất thu hồi, các cơ quan chuyên môn cho rằng cần phải đổi mới và đẩy mạnh tuyên truyền và phổ biến, giáo dục về chính sách, pháp luật đất đai, GPMB. Trong quá trình triển khai phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng. “Đặc biệt, phải tăng cường quản lý nhà nước về đất đai. Chẳng hạn như, tập trung đầu tư để thực hiện hoàn thành sớm công tác điều tra, đo đạc, lập và chỉnh lý hồ sơ địa chính; nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai. Đổi mới, nâng cao chất lượng lập và quản lý quy hoạch sử dụng đất. Công bố công khai quy hoạch, các mốc giới và hành lang bảo vệ công trình để chính quyền cơ sở quản lý, nhân dân giám sát, thực hiện nghĩa vụ và bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình” - ông Phạm A đề xuất.
Muốn khai thông “ách tắc” trong tâm lý người dân, khâu rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định về GPMB cho phù hợp tình hình thực tế; vận dụng linh hoạt các chính sách liên quan là không thể chậm trễ. Hoàn thành xây dựng cơ chế xác định giá đất bồi thường đúng theo nguyên tắc giá cụ thể theo quy định của Luật Đất đai 2013. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy định về giá bồi thường, hỗ trợ về cây trồng, vật nuôi là thủy sản và vật kiến trúc bảo đảm đầy đủ tiêu chí về danh mục, đơn giá để thuận lợi áp dụng và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người được bồi thường, hỗ trợ; dễ dàng điều chỉnh phù hợp khi giá cả thị trường có biến động. Một cán bộ trung tâm PTQĐ khẳng định, đã đến lúc cần ổn định bộ máy và bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ, pháp luật cũng như tính chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác GPMB. Rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt phương án và nhất là thời gian chi trả tiền cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng.
Giám đốc Trung tâm PTQĐ chi nhánh Thăng Bình - ông Nguyễn Đình Chi cho rằng, tạo lập quỹ đất sạch phục vụ nhu cầu TĐC, đảm bảo người dân được tiếp cận một cách dễ dàng các dịch vụ đô thị phù hợp với từng dự án, từng khu vực giải tỏa là cần kíp. Có như thế mới tránh trường hợp người giải tỏa vị trí tốt thì TĐC tại nơi có điều kiện không thuận lợi và ngược lại. Vì vậy, xây dựng các cơ chế, quy định đối với các dự án vốn ngoài ngân sách để các chủ đầu tư phải hoàn thiện trước khu TĐC là điều bắt buộc. Chủ động xây dựng khu TĐC kết hợp với các dự án khai thác quỹ đất; đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, quy mô diện tích đa dạng cho người được TĐC chọn lựa.
CÔNG TÚ