Hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai toàn tỉnh thời gian qua đã đem lại những hiệu quả tích cực. Số lượng hồ sơ đất đai thụ lý, giải quyết ngày càng tăng, tỷ lệ hồ sơ trễ hạn ngày cảng giảm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Phát huy hiệu quả
Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKDĐ) Quảng Nam được thành lập theo Quyết định số 3515 ngày 30/9/2015 và được tổ chức lại theo Quyết định số 3568 ngày 3/12/2021 của UBND tỉnh Quảng Nam.
Văn phòng ĐKDĐ và 18 chi nhánh hiện có 357 viên chức và người lao động, trong đó 100 viên chức (40 viên chức lãnh đạo) và 257 hợp đồng lao động.
Hiện Văn phòng ĐKDĐ và 7 chi nhánh có trụ sở riêng, còn lại 11 chi nhánh được bố trí làm việc trong trung tâm hành chính huyện hoặc chung với phòng TN-MT.
Về phần mềm một cửa điện tử của đơn vị, đối với phân hệ quản lý giao dịch điện tử hồ sơ đất đai (iLIS), đã cấu hình thủ tục hành chính, quy trình điện tử theo từng bước công đoạn xử lý về đất đai theo quy định; cấu hình liên thông theo phiếu chuyển điện tử; liên kết các trạng thái xử lý hồ sơ: tạm dừng, yêu cầu bổ sung, trả kết quả; cập nhật mã bảng giá đất, giá nhà theo quy định và liên kết chuyển thông tin thuế điện tử.
Trong giai đoạn 2020 - 2023, Văn phòng ĐKDĐ toàn tỉnh đã tiếp nhận 415.130 hồ sơ, giải quyết đối với 404.657 hồ sơ đủ điều kiện, trong đó số lượng hồ sơ trễ hạn là 27.821 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 6,9%.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, mô hình tổ chức Văn phòng ĐKDĐ và các chi nhánh đã phát huy được tính hiệu quả, tích cực trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành tập trung, đảm bảo thực hiện thủ tục hành chính về đất đai theo quy trình thống nhất, đồng bộ và ngày càng chuyên nghiệp.
Hồ sơ đất đai trên địa bàn tỉnh được giải quyết đồng bộ, giảm thiểu đáng kể tình trạng mỗi địa phương có cách hiểu, vận dụng khác nhau; tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn qua các năm giảm dần...
Những khó khăn cần sớm tháo gỡ
Bên cạnh kết quả đạt được, thời gian qua Văn phòng ĐKDĐ và các chi nhánh vẫn còn tình trạng trễ hẹn giải quyết thủ tục hành chính về đất đai do một số nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Theo Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh Phạm Công Chung, do yếu tố lịch sử và quy định pháp luật về đất đai thay đổi qua từng thời kỳ, công tác thiết lập và quản lý hồ sơ đất đai ở nhiều địa phương có bất cập, khó khăn trong công tác xác định nguồn gốc sử dụng đất, xác định, công nhận lại diện tích đất ở đối với các trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi mục đích sử dụng là “đất thổ cư”, ký hiệu chữ “T” hoặc “đất ở + vườn”.
Việc giải quyết các hồ sơ địa chính lập theo Chỉ thị 299 ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ nhưng đến nay chưa được phê duyệt và các trường hợp không có hồ sơ đất đai lập theo Chỉ thị 299 mất nhiều thời gian.
Đội ngũ cán bộ, công chức phòng TN-MT chưa được tuyển dụng đủ theo chỉ tiêu biên chế được giao, trình độ chuyên môn không đồng đều, đội ngũ cán bộ địa chính - xây dựng cấp xã bố trí định biên ít (một số địa phương chỉ bố trí 1 định biên) trong khi khối lượng công việc nhiều...
Đặc biệt là tình trạng một số văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo và chưa được hướng dẫn cụ thể, dẫn đến việc áp dụng giữa các ngành và các Chi nhánh văn phòng ĐKDĐ chưa thống nhất.
Vì vậy một số trường hợp có việc đùn đẩy trách nhiệm giữa phòng TN-MT và các chi nhánh về thẩm quyền giải quyết một số thủ tục hồ sơ đất đai, cụ thể như: cấp giấy chứng nhận lần đầu, công nhận lại diện tích đất ở, xác nhận quy hoạch trước khi tách thửa...
Theo lãnh đạo Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh, thời gian qua cũng nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc về công tác cán bộ và tài chính của Văn phòng ĐKĐĐ và các chi nhánh, cần sớm được các cấp, ngành tháo gỡ.
Về công tác cán bộ, việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại lãnh đạo chi nhánh trong một số trường hợp gặp trở ngại do viên chức tại chỗ chưa đủ chuẩn theo quy định (do chưa bổ nhiệm vào ngạch Địa chính viên hạng III). Với số lượng viên chức hiện có, trung bình mỗi chi nhánh có 3-4 viên chức (kể cả viên chức lãnh đạo) là quá ít nhân sự...
Theo Đề án vị trí việc làm được phê duyệt năm 2023, chỉ tiêu viên chức của Văn phòng ĐKĐĐ là 186 người. Trong khi hiện trạng viên chức là 100 người, trong đó 40 viên chức lãnh đạo, 60 viên chức là nhân viên.
Để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ, Văn phòng ĐKĐĐ thực hiện ký kết hợp đồng không xác định thời hạn đối với những lao động đảm bảo về trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ bổ sung vào 86 chỉ tiêu còn thiếu so với đề án…
Trong năm 2024 kiện toàn nhân sự
Tại buổi làm việc vào cuối tuần qua để tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Văn phòng ĐKĐĐ Quảng Nam và các chi nhánh trong thời gian đến, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu UBND tỉnh và các sở ngành tập trung củng cố, sắp xếp, kiện toàn hệ thống Văn phòng ĐKDĐ và các chi nhánh, đến quý III/2024 hoàn thành thi tuyển viên chức và đến cuối năm 2024 củng cố, kiện toàn chức danh lãnh đạo các chi nhánh.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương chỉ đạo rà soát, điều chỉnh các quy chế phối hợp giữa Văn phòng ĐKDĐ với các sở, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính đất đai theo hướng cụ thể, rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong công tác tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết... để tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.