Hoạt động khoa học - công nghệ giai đoạn 2021 - 2025: Đi sâu, tập trung vào vấn đề bức thiết

HOÀNG LIÊN 10/03/2021 10:17

Giai đoạn 2021 - 2025, ngành khoa học - công nghệ (KH-CN) Quảng Nam được định hướng ưu tiên, tập trung đầu tư nghiên cứu các vấn đề chiến lược, nhiệm vụ bức thiết, ứng dụng và chuyển giao KH-CN tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ứng dụng khoa học - công nghệ phục hồi vùng trồng dâu nuôi tằm ở Quảng Nam. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Ứng dụng khoa học - công nghệ phục hồi vùng trồng dâu nuôi tằm ở Quảng Nam. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Thiếu nguồn lực tài chính

Tại buổi làm việc tại UBND tỉnh mới đây, ông Nguyễn Phi Thạnh - Giám đốc Sở KH-CN thông tin kết quả triển khai các nhiệm vụ, chương trình trọng điểm về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KH-CN tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.

Cụ thể, Sở KH-CN đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai một số nhiệm vụ trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 liên quan tới tạo lập, phát triển quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề truyền thống; nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc...

Đối với 2 nhiệm vụ thuộc đề án khung nhiệm vụ KH-CN về quỹ gen cấp tỉnh, sở hoàn chỉnh, trình UBND tỉnh xin ý kiến Bộ KH-CN trước khi ban hành. Về thỏa thuận hợp tác về KH-CN giữa UBND tỉnh và Viện Hàn lâm KH-CN, giai đoạn 2021 - 2025, sở đã nhận được 20 đề xuất nhiệm vụ KH-CN.

“Thời gian tới, tỉnh cần sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 02 của HĐND tỉnh quy định một số cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển hoạt động KH-CN trên địa bàn Quảng Nam (2019 - 2025); Quyết định số 07 của UBND tỉnh năm 2017 về ban hành Quy định xây dựng mức xây dựng, phân bổ dự toán, quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ KH-CN có sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh. Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành, địa phương quan tâm, bố trí kinh phí từ nguồn sự nghiệp, lồng ghép nguồn vốn từ chương trình, dự án phục vụ ứng dụng kết quả nghiên cứu KH-CN vào thực tiễn” - ông Thạnh nói. 

Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN nhấn mạnh, hiện nguồn lực KH-CN vẫn còn khó khăn để triển khai những nhiệm vụ, đề tài, dự án lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ở cấp huyện, Núi Thành, Điện Bàn, Hội An… là những địa phương quan tâm đến hoạt động KH-CN, có bổ sung nguồn lực phục vụ phát triển KH-CN và cần nhân rộng cách làm này ra toàn tỉnh.

“Tỉnh cần giao nhiệm vụ rõ ràng hơn đối với các địa phương và các địa phương cần có chính sách huy động nguồn lực phục vụ phát triển KH-CN hiệu quả” - bà Trinh góp ý.

Theo đại diện Sở Tài chính, tổng kinh phí đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN cấp tỉnh phải chiếm 2% ngân sách tỉnh nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được đầu tư theo quy định. Giai đoạn 2021 - 2025, ngành KH-CN cần chú trọng đề xuất các nhiệm vụ, danh mục hiệu quả, thiết thực để phát huy các nguồn lực, tránh tình trạng có danh mục được phê duyệt nhưng không đủ sức thuyết phục, không được rót kinh phí.

Đầu tư theo hướng chuyên sâu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, cần phải phát huy hiệu quả nguồn kinh phí vào thực tiễn, thay đổi cách làm để kích thích KH-CN phát triển, kích thích phong trào sáng kiến, đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ phục vụ đời sống trên toàn tỉnh, trong mọi tầng lớp cán bộ và nhân dân. Giai đoạn 2021 - 2025, ngành KH-CN chỉ nên tập trung vào một số nhiệm vụ cấp thiết, trọng điểm.

Ở lĩnh vực nông thôn, miền núi, chú trọng nghiên cứu công nghệ, giải pháp phòng chống thiên tai hiệu quả, mô hình nhà ở phòng tránh lụt bão, mô hình cảnh báo sạt lở. Vùng trung du, nên định hướng trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển sinh kế bền vững. Quảng Nam cần phát triển đô thị, nghiên cứu đô thị gắn với du lịch như thế nào, gắn với môi trường sông nước ra sao, gắn với trung du, miền núi. Ở lĩnh vực vật liệu xây dựng, cần nghiên cứu làm sao có những vật liệu xây dựng thay thế cát sỏi, tài nguyên lòng sông…

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chỉ đạo, giai đoạn 2021 - 2025 trở đi, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN phải sát thực tiễn, làm sao nghiên cứu có thể áp dụng được ngay, tất nhiên cũng phù hợp với khả năng và nguồn kinh phí của tỉnh. Tỉnh rất quan tâm tới lĩnh vực KH-CN và xác định việc áp dụng KH-CN không chỉ là nhiệm vụ của Sở KH-CN mà các ngành khác phải áp dụng công nghệ, làm sao để KH-CN trở thành mũi nhọn cho phát triển kinh tế.

Gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiều nơi bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai cực đoan. Vì vậy, các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KH-CN cần tập trung vào những yêu cầu, nhiệm vụ này. Tỉnh rất quan tâm, đặc biệt ưu tiên cho khu vực miền núi và nông thôn, khoa học phải đi sâu, tập trung những vấn đề bức thiết hiện nay. Cần huy động nguồn lực xã hội hóa vào phát triển KH-CN...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoạt động khoa học - công nghệ giai đoạn 2021 - 2025: Đi sâu, tập trung vào vấn đề bức thiết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO