Hoạt động khuyến nông gặp nhiều khó khăn

NHÃ PHƯƠNG 18/04/2023 06:44

Trong 30 năm qua, hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở nỗ lực thực hiện nhiều phần việc, góp phần giúp người dân nâng cao trình độ sản xuất và hiệu quả kinh tế, tạo động lực thúc đẩy lĩnh vực nông – lâm – thủy sản chuyển biến mạnh mẽ.

Những năm qua, hệ thống khuyến nông góp phần không nhỏ trong việc nhân rộng mô hình liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa theo chuỗi giá trị. Ảnh: N.P
Những năm qua, hệ thống khuyến nông góp phần không nhỏ trong việc nhân rộng mô hình liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa theo chuỗi giá trị. Ảnh: N.P

Dấu ấn...

Bà Lương Thị Thủy – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho biết, cùng với sự phát triển về tổ chức và đội ngũ cán bộ, từ năm 1993 đến nay cơ sở vật chất của hệ thống khuyến nông các cấp cũng từng bước được đầu tư để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

“Đáng ghi nhận, phương pháp tiếp cận ngày càng đa chiều, đa ngành, đa lĩnh vực, nhanh chóng đổi mới để thích ứng trong tình hình mới. Nội dung hoạt động khuyến nông luôn bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh và thực tiễn sản xuất, sự phát triển của khoa học công nghệ” – bà Thủy nói.

Hoạt động khuyến nông của tỉnh đạt nhiều thành quả quan trọng. Trên lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh thực hiện gần 250 mô hình trình diễn. Nổi trội là các chương trình phát triển lúa lai và bắp lai; áp dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất đậu phụng, mía, sắn, rau đậu thực phẩm, cây dược liệu, cây ăn quả, các loại nấm.

Theo ông Nguyễn Văn Thành – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam, thành công lớn nhất là chương trình khuyến nông chuyển đổi cơ cấu mùa vụ từ sản xuất 3 vụ lúa bấp bênh sang 2 vụ mỗi năm đã góp phần thay đổi phương thức canh tác theo hướng phát huy những mặt thuận lợi, lách tránh và khắc phục các yếu tố bất lợi ở từng vùng để đạt hiệu quả cao, bền vững.

Ông Thành cho biết, các chương trình, dự án khuyến nông chăn nuôi có khoảng 200 mô hình trình diễn, tập trung ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật về cải tạo giống, đưa các giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất.

Đồng thời, chuyển đổi từ chăn nuôi phân tán, quảng canh sang chăn nuôi gia trại, trang trại thâm canh. Một số chương trình khuyến nông tiêu biểu trong lĩnh vực này là cải tạo nâng cao chất lượng đàn bò, phát triển heo lai hướng nạc, nuôi gia cầm an toàn sinh học.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, hệ thống khuyến nông đã triển khai gần 180 mô hình. Trong đó, trọng tâm là ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về giống và kỹ thuật lâm sinh để trồng rừng thâm canh, phát triển các loài cây rừng có năng suất và chất lượng cao.

Nổi bật là mô hình trồng thâm canh cây keo tai tượng, keo lai giâm hom, keo lai nuôi cấy mô; trồng rừng gỗ lớn, trồng dó bầu xen cây keo lai giâm hom, trồng tre điền trúc lấy măng. Công tác khuyến ngư xây dựng được gần 200 mô hình trình diễn, nhập và chuyển giao hơn 10 công nghệ mới.

Hàng loạt khó khăn

Bà Lương Thị Thủy nhìn nhận, những năm qua nguồn vốn đầu tư cho các hoạt động khuyến nông còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn sản xuất. Cụ thể, 5 năm gần đây, bình quân hằng năm kinh phí cấp tỉnh dành cho hoạt động khuyến nông chỉ 3 - 4 tỷ đồng. Trong khi đó, kinh phí khuyến nông cấp huyện mỗi năm bình quân từ 200 – 300 triệu đồng/huyện, riêng Tây Giang đầu tư cao nhất với mức 600 - 800 triệu đồng/năm.

Định mức kinh tế - kỹ thuật cho việc xây dựng các chương trình khuyến nông thường xuyên thay đổi, nhất là các đối tượng cây trồng, con vật nuôi mới chưa có định mức. Vì vậy, việc triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình gặp không ít khó khăn.

“Trình độ và khả năng tiếp nhận, đầu tư ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất của phần lớn nông dân còn nhiều hạn chế, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa. Mặc dù số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông – lâm - ngư nghiệp có khá hơn trước nhưng vẫn còn khiêm tốn. Chưa có doanh nghiệp nào lớn làm đầu tàu cho mối liên kết tiêu thụ nông sản, đặc biệt là thiếu doanh nghiệp chế biến” – bà Thủy nói.

Trong 5 năm qua, kể từ khi thực hiện Nghị định số 83 (ngày 24/5/2018) của Chính phủ, gần như mạng lưới khuyến nông cơ sở chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. Ngân sách tỉnh không còn chi trả phụ cấp.

Các địa phương còn duy trì đội ngũ khuyến nông viên cơ sở và cộng tác viên khuyến nông thì hình thức hoạt động là kiêm nhiệm và phần phụ cấp rất ít nên không động viên họ làm việc một cách hiệu quả được.

Mới đây, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức hội thảo “Đổi mới công tác khuyến nông thích ứng trong tình hình mới”. Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới cần tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng nguồn nhân lực, hoàn thiện cơ chế chính sách và quản lý hoạt động của hệ thống khuyến nông.

Tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, mở rộng và cải tiến các kênh truyền thông để chuyển tải kịp thời, chính xác, có hiệu quả đến đối tượng hưởng lợi. Chú trọng nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và tăng cường năng lực cho cán bộ làm công tác khuyến nông. Huy động tối đa các nguồn lực, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác khuyến nông.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hoạt động khuyến nông gặp nhiều khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO