Học "8 chữ vàng"

DIỄM LỆ 17/05/2013 08:03

Cán bộ, công chức đã nhận thức, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ ra sao? Câu hỏi này đã được đặt ra và thảo luận sôi nổi tại buổi tọa đàm Học tập và làm theo gương Bác Hồ do Công đoàn Phòng Tư pháp và Chi đoàn Nội vụ TP.Tam Kỳ vừa phối hợp tổ chức.

Tọa đàm về Học tập và làm theo gương Bác Hồ do Công đoàn Phòng Tư pháp - Chi đoàn Nội vụ TP.Tam Kỳ phối hợp tổ chức.Ảnh: DIỄM LỆ
Tọa đàm về Học tập và làm theo gương Bác Hồ do Công đoàn Phòng Tư pháp - Chi đoàn Nội vụ TP.Tam Kỳ phối hợp tổ chức.Ảnh: DIỄM LỆ

Học “8 chữ vàng”

Lâu nay, việc học tập và làm theo gương Bác đã được nêu ra khá nhiều, nhưng bản thân cán bộ, công chức (CBCC) đã học tập và làm theo ra sao? Có nhiều tấm gương điển hình đã được tuyên dương, nhiều việc làm ý nghĩa được phổ biến rộng rãi. CBCC, đoàn viên thanh niên của Phòng Tư pháp, Chi đoàn Nội vụ Tam Kỳ lâu nay đã học, làm theo gương Bác, nhưng làm sao để nâng cao hiệu quả mới là vấn đề được các đại biểu tham gia buổi tọa đàm bàn đến.

“Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” được xem là 8 chữ “vàng” mà Bác Hồ yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải phấn đấu thực hiện thật tốt để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Tám chữ “vàng” ấy bao quát hết những đức tính cần có của người cán bộ công chức. Nói về vấn đề này, bà Phạm Thị Thanh Xuân - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Tam Kỳ cho biết: “Chỉ có 8 chữ để người cán bộ trở thành một công chức gương mẫu, hoàn hảo. Nhưng để thực hiện thì khó vô cùng. Điều đó đòi hỏi mỗi người cán bộ phải tự học, tự rèn từ những việc nhỏ nhất như tiết kiệm chi tiêu công từ một vài tờ giấy”. Bà Xuân còn chia sẻ thêm, trong bối cảnh như hiện nay, áp lực kinh tế là vô cùng lớn đối với mỗi cán bộ, công chức. Vì vậy, những đức tính trên có vai trò rất quan trọng, giúp người cán bộ không bị cám dỗ bởi đồng tiền mà làm tha hóa đạo đức, giúp họ chiến thắng chủ nghĩa cá nhân và đặt lợi ích của dân, của đất nước lên trên. Người cán bộ sau khi học Bác thì làm theo Bác, phải có bản đăng ký hành động cụ thể để thực hiện, cụ thể hóa những điều đã học được chứ không chỉ học rồi để đó.

Đặt quyền lợi của dân lên hàng đầu

Anh Nguyễn Thạch Anh - cán bộ thanh tra của thành phố có một cách nhìn ở góc độ khác về chữ “cần”. Anh nói: “Rèn đức tính “cần”, mỗi cán bộ phải chịu khó học hỏi để tìm được cách làm việc hiệu quả nhất. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh như hiện nay, CBCC ngoài cần cù, chịu khó, còn phải học hỏi nâng cao trình độ về công nghệ để ứng dụng vào công việc, rút ngắn thời gian giải quyết cho người dân. Tiết kiệm được thời gian sẽ tiết kiệm được vật chất, phục vụ cho nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị một cách tốt nhất”. Còn chị Vũ Thế Trâm Thư - đoàn viên Chi đoàn Nội vụ nói về cách học theo chữ “kiệm” của Bác rằng, bản thân từng nghe rất nhiều câu chuyện về chữ “kiệm” của Bác. Như đôi dép cao su của Bác làm từ lốp cũ xe hơi, Bác dùng đến mòn nhẵn phải đóng đinh bao lần mà vẫn còn dùng. Khi làm Chủ tịch nước, Bác vẫn giữ lối sống giản dị như mức sống của bao người dân bình thường. Chị Thư nói: “Là một cán bộ luôn tiếp xúc với nhân dân, tôi ý thức bản thân phải luôn giữ gìn tác phong, phong cách làm việc, đơn giản hóa các thủ tục liên quan để nhân dân được phục vụ tốt nhất”. Chị Trần Thị Tú Quỳnh, đoàn viên Chi đoàn Nội vụ cho rằng khi giao tiếp với nhân dân trong công việc, người CBCC phải biết “cười, chào, cảm ơn” và lắng nghe ý kiến người dân về những gì chưa đúng, chưa phù hợp, từ đó có tổng hợp và đề xuất lên cấp có thẩm quyền giải quyết.

Tham gia buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Lai - Chủ tịch Công đoàn Phòng Tư pháp TP.Tam Kỳ chia sẻ suy nghĩ: “CBCC là công bộc của dân, tiền lương hằng tháng được nhận là tiền mồ hôi công sức của nhân dân đóng thuế cho Nhà nước. Khi làm việc gì cán bộ cũng phải ý thức đặt quyền lợi của người dân lên hàng đầu”. Theo ông Lai, rèn luyện đạo đức người cán bộ như lời Bác dạy là cả một quá trình chứ không tự nhiên mà có được. Người cán bộ rèn đức tính ấy bằng những việc cụ thể như đi làm đúng giờ, làm việc chăm chỉ, khoa học, tiết kiệm điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm và tái sử dụng giấy vụn; không hách dịch, quan liêu khi tiếp dân, giải quyết các vụ việc cho người dân... Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, sự lãng phí thời gian của CBCC là rõ ràng nhất, đang diễn ra phổ biến. Ví như trong các cuộc họp, mỗi người đi trễ 10 phút thì 100 người mất 1.000 phút, quá lãng phí. Điều này nếu mỗi người có ý thức một chút thì khắc phục rất dễ, nhưng lại không làm được. Muốn làm được, mỗi cán bộ phải tự ý thức, tạo thành nếp sinh hoạt trong mỗi cơ quan và sẽ thành nếp của cả ngành, địa phương.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học "8 chữ vàng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO