Học Bác, làm những điều hay

HOÀNG THƠ 10/04/2013 07:36

Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, trên địa bàn huyện Duy Xuyên đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu, là minh chứng sinh động trong việc học và làm theo Bác.

Cụ Nguyễn Tráng (người đi đầu) trong ngày khánh thành cầu Vạn Buồng .Ảnh:H.THƠ
Cụ Nguyễn Tráng (người đi đầu) trong ngày khánh thành cầu Vạn Buồng .Ảnh:H.THƠ

Qua 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Đảng bộ huyện Duy Xuyên đã có nhiều cơ sở đảng, cơ quan, đơn vị với những cách làm sáng tạo, thiết thực. Và thực tế đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình. Thôn Trà Kiệu Tây (xã Duy Sơn) là một điển hình như vậy. Chi bộ, Ban nhân dân, Ban công tác mặt trận thôn đã vận động nhân dân đóng góp hơn 300 ngày công làm gần 875m kênh mương thủy lợi bằng bê tông, đưa nước từ thủy điện Duy Sơn về phục vụ toàn bộ diện tích đất sản xuất của thôn. Toàn thôn có 140 khung dệt, trong đó 115 khung gỗ, 20 khung sắt và 5 khung dệt kiếm; có 37 hộ làm nghề mây tre đan, một số hộ làm cơ khí và các dịch vụ khác đã giúp cho hàng trăm lao động có việc làm, thu nhập khá, góp phần giảm hộ nghèo trong thôn xuống còn 15,3%.

Người dân trong và ngoài huyện Duy Xuyên đều biết đến cụ Nguyễn Tráng  (83 tuổi) ở thôn Vạn Buồng, xã Duy Trinh. Bởi tên tuổi của cụ gắn liền với “cánh đồng ông Tráng” và chiếc cầu bê tông thôn Vạn Buồng. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, con bị tật nguyền nhưng cụ Tráng là người gương mẫu trong tất cả các hoạt động của xóm, thôn. Tuổi cao, sức yếu nhưng cụ một lòng nặng nợ với quê hương, làng xóm, nhất là việc đi lại của hơn 300 nhân khẩu xóm Vạn Buồng, nằm tách biệt so với 4 xóm còn lại của thôn Phú Bông. Lâu nay, muốn ra khỏi xóm, người dân phải qua cầu tre, vô cùng trở ngại và nguy hiểm. Mỗi mùa mưa, cầu thường bị cuốn trôi nên hằng năm người dân phải huy động công sức, tiền của làm lại. Giữa năm 2010, cụ Tráng đứng ra vận động bà con trong xóm và lặn lội vào các tỉnh phía Nam vận động bà con quê hương Duy Trinh, Hội đồng hương Duy Xuyên ủng hộ kinh phí xây cầu bê tông. Bà con xa quê ủng hộ nhiệt tình và đã tự lập ra ban vận động quỹ xây dựng cầu Vạn Buồng tổ chức quyên góp được hơn 1 tỷ đồng.  Cùng với đó, UBND huyện Duy Xuyên  hỗ trợ 300 triệu đồng, UBND xã Duy Trinh hỗ trợ 20 triệu đồng. Và cây cầu bê tông kiên cố đã được hoàn thành, thỏa lòng mong ước bao đời nay của người dân xóm Vạn Buồng.

Trong cuộc sống thường ngày hối hả, đâu đó ta bắt gặp những con người lặng lẽ làm những việc mà cứ ngỡ “chuyện cổ tích giữa đời thường”. Cô Phạm Thị Ngọc Thúy, thôn Phước Mỹ 2, thị trấn Nam Phước, nguyên là giáo viên trường THCS Chu Văn An là một người như thế. Hiện nay, cô là Chủ tịch Hội Khuyến học thị trấn Nam Phước. Cô luôn dành tâm huyết vào việc san sẻ khó khăn với học sinh nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cô lặn lội đi các nơi trong và ngoài huyện tìm các nguồn lực hỗ trợ phương tiện, điều kiện học tập, giúp cho hàng trăm học sinh nghèo có điều kiện tiếp tục đến trường. Cô Thúy còn lặn lội đến nhiều nơi kêu gọi sự hảo tâm trong xã hội giúp người nghèo khám chữa bệnh, tạo công ăn việc làm để có thu nhập nuôi bản thân, gia đình. Cô đã không quản ngại ngày đêm đi vận động các tổ chức, cá nhân được 250 triệu đồng làm công tác khuyến học, giúp đỡ cho học sinh nghèo có ý chí vươn lên trong học tập. Cô còn sáng lập “Quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo”, với hơn 1 tỷ đồng để giúp cho sinh viên nghèo vay không lãi trong thời hạn từ 2 - 5 năm.

Ngược lên khu tây huyện Duy Xuyên, đến trường THPT Lê Hồng Phong, chỉ sau vài năm Nhà giáo ưu tú Trần Cang về làm hiệu trưởng, ngôi trường đã có nhiều đổi thay. Không những chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác dạy và học, thầy giáo Trần Cang còn quan tâm đến hoàn cảnh của từng học sinh, xây dựng quỹ “Vì học sinh nghèo” hoạt động hiệu quả. Trong 2 năm 2011, 2012, quỹ đã trích hơn 94 triệu đồng hỗ trợ học sinh khó khăn, góp phần tích cực vào việc hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng. Quỹ hoạt động với phương châm: “Không có học sinh rét về mùa đông, không vì nghèo mà bỏ học”. Điều đáng trân trọng hơn, trong 2 năm qua, thầy Cang đã thuyết phục Hội đồng sư phạm, đồng thời tham mưu Sở GDĐT, phối hợp với các ngành chức năng nhận 13 trường hợp học sinh cá biệt vào trường. Đây là những trường hợp thuộc diện: sinh con ngoài ý muốn nên phải bỏ học, nay có nhu cầu đi học lại; vi phạm pháp luật; nhiều lần vi phạm kỷ luật, bị các trường khác đuổi học về địa phương... Qua việc giáo dục của nhà trường, tất cả các em đều có tiến bộ rõ nét trong học tập và rèn luyện đạo đức. Trong đó, đã có 11 trường hợp thi đỗ vào các trường cao đẳng trên địa bàn Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.

Bằng những việc làm cụ thể, những tấm gương ấy đang lan tỏa mạnh mẽ, lôi cuốn nhiều người làm theo.

HOÀNG THƠ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học Bác, làm những điều hay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO