Học cách trùng tu di tích

LÊ QUÂN 03/12/2017 15:26

Kỳ vọng về nguồn nhân lực có chuyên môn sâu trong việc trùng tu di tích và bảo tồn di sản văn hóa sẽ thành hiện thực trong nay mai, với dự án về “Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn di sản văn hóa” vừa khởi động...

Các chuyên gia Ý trong một lần tham gia trùng tu di tích khảo cổ tại Khu di tích Mỹ Sơn. Ảnh: LÊ QUÂN
Các chuyên gia Ý trong một lần tham gia trùng tu di tích khảo cổ tại Khu di tích Mỹ Sơn. Ảnh: LÊ QUÂN

Trung tâm đào tạo nghề trùng tu

Thạc sĩ khảo cổ học Quảng Văn Sơn, từ Ninh Thuận vừa kịp trở về sau chuyến khai quật đồ gốm tại An Nhơn (Bình Định), lại tất tả khăn gói ra Quảng Nam. Cùng với Quảng Văn Sơn, lần này tỉnh Ninh Thuận có 3 người đủ điều kiện để được tham gia dự án “Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn di sản văn hóa” do Cơ quan Hợp tác và phát triển Italia (AICS) tài trợ. Và cũng không phải chỉ có Quảng Văn Sơn có học vị thạc sĩ tham gia học tập, trong tổng số 38 học viên được đào tạo chương trình giảng viên và kỹ thuật viên, có đến 8 người là thạc sĩ chuyên ngành khảo cổ, văn hóa. Chia sẻ lý do khi tham gia khóa học 6 tháng do các chuyên gia Ý hướng dẫn, dù là người đã có chuyên môn cao cũng như kinh nghiệm khá nhiều, Quảng Văn Sơn nói: “Tôi muốn học hỏi thêm về các kiến thức trùng tu chuyên nghiệp ở nước ngoài từ các chuyên gia Ý, cùng với đó là cách các bạn Ý quản lý di sản khảo cổ để bảo tồn bền vững”.

Công nhân trùng tu ở Mỹ Sơn – những người đã từng qua đào tạo của các chuyên gia Ý.
Công nhân trùng tu ở Mỹ Sơn – những người đã từng qua đào tạo của các chuyên gia Ý.

Và đó cũng chính là lý do của rất nhiều học viên khi tham gia khóa học lần này. Nhu cầu về nguồn nhân lực chuyên nghiệp trong công tác trùng tu di tích, bảo tồn di sản văn hóa luôn là vấn đề của các địa phương. Đây cũng chính là vấn đề của Quảng Nam khi muốn thực hiện thành công Chiến lược và mục tiêu phát triển và bảo tồn di sản văn hóa của tỉnh. Tại buổi lễ khởi động dự án cũng như khai giảng khóa học hôm 28.11, ông Phạm Tấn Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư, đại diện ban chỉ đạo dự án, chia sẻ: “Chính từ nhu cầu cấp thiết về phát triển nguồn nhân lực có chất lượng trong công tác trùng tu, bảo tồn, giữ gìn và quản lý các khu di sản đã đi đến giải pháp thành lập một trung tâm đào tạo nghề chuyên biệt về lĩnh vực trùng tu và bảo tồn di tích, đặt tại Quảng Nam. Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn di sản văn hóa sẽ có các khóa đào tạo chuyên ngành, từ đó bổ sung lực lượng lao động có tay nghề cho các cơ quan phụ trách các di tích khảo cổ”.

Một trung tâm mang tính đào tạo chuyên sâu về ngành bảo tồn với sự hỗ trợ và hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL) phối hợp điều hành giảng dạy từ các chuyên gia của Quỹ Lerici – Trường Đại học Bách khoa Milan (Ý) hình thành từ dự án đầu tư không hoàn lại của Chính phủ Ý. Đây là trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích chuyên sâu đầu tiên của miền Trung, góp phần nâng cao năng lực bảo tồn và quản lý các di sản khảo cổ của Việt Nam, nâng tầm giá trị và tính hòa nhập của các di sản trong chương trình du lịch văn hóa tại Việt Nam. Đặt tại Trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam, Trung tâm Đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn di sản văn hóa sẽ là một nhóm ngành mới được đào tạo tại trường. Tất cả học viên được trung tâm chi trả sinh hoạt phí trong suốt thời gian tham gia khóa học. Ông Nguyễn Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề, đồng thời là trưởng ban quản lý dự án, cho biết: “Trong thời gian 30 tháng triển khai dự án, các khóa đào tạo sẽ được khai giảng dựa trên phương pháp “học thông qua hành động” – các bài giảng sẽ được chuyên gia thực hiện trên hiện trường khảo cổ, chủ yếu ở Khu di tích Mỹ Sơn. Chúng tôi mong đợi sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo tồn và bảo vệ di sản khảo cổ Mỹ Sơn trong tương lai từ những đội ngũ này, đồng thời sẽ hỗ trợ và xúc tiến việc làm trên thị trường lao động cho nguồn nhân lực vừa mới được đào tạo qua dự án”.

Phác thảo chương trình đào tạo

Dự án “Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn di sản văn hóa” có tổng kinh phí hơn 25 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Italia, vốn không hoàn lại của Trường Đại học Bách khoa Milan và vốn đối ứng Việt Nam do UBND tỉnh Quảng Nam bố trí. Ngoài các khóa đào tạo kỹ thuật viên, công nhân, riêng khóa đào tạo giảng viên sẽ được các cơ quan của tỉnh, Viện Bảo tồn di tích cùng với sự hỗ trợ của Trường Đại học Bách khoa Milan lựa chọn từ 10  - 15 người trong tất cả học viên tham gia dựa vào năng lực cá nhân, sự quan tâm và nhu cầu của nhà trường. Các học viên được lựa chọn này sẽ trở thành giảng viên tương lai của Trung tâm Đào tạo về trùng tu và bảo tồn di sản văn hóa.

Với các chuyên gia khảo cổ đầu ngành của Quỹ Lerici, Quảng Nam đã không còn mấy xa lạ với họ. Gần 20 năm làm công việc trùng tu tại Khu di tích Mỹ Sơn đã để lại trong họ nhiều cảm xúc về một loại công việc đặc biệt – đánh thức những giá trị bị chôn vùi hàng ngàn năm. Giáo sư Mauro Cucarzi, Giám đốc Quỹ Lerici, chia sẻ, trong suốt 20 năm tổ chức này tiến hành các nghiên cứu về khảo cổ, bảo tồn kiến trúc, quản lý các di tích khảo cổ ở Đông Nam Á, cụ thể là các quốc gia Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia, Myanmar, ngoài những đóng góp mang tính chuyên môn về khảo cổ trùng tu, góp phần mang về các danh hiệu di sản văn hóa thế giới cho các di tích, điều họ trăn trở chính là một thế hệ bảo tồn kế cận là người địa phương. “Khi các chuyên gia trở về nước, liệu ai sẽ là người thay thế họ đảm nhận các công việc trùng tu và bảo tồn những di tích khảo cổ? Đó cũng là lý do khiến chúng tôi muốn thực hiện dự án về các khóa đào tạo nghề cho người địa phương” – GS.Mauro Cucarzi nói. Trong một câu chuyện khác, từ những năm 2010, Mỹ Sơn đã bắt đầu có những “công nhân trùng tu” khi họ được các chuyên gia Ý đào tạo và cấp bằng chứng nhận. Việc đi đến thành lập “Trung tâm đào tạo nghề trùng tu di tích và bảo tồn di sản văn hóa” hiện tại chính là một bước đi dài hơi cho ý tưởng kiếm tìm thế hệ bảo tồn kế cận và quản lý các di tích khảo cổ.

Bắt đầu từ nay cho đến năm 2019, trung tâm sẽ mở 2 khóa đào tạo được chia làm 2 nhóm: nhóm đào tạo giảng viên, kỹ thuật viên và nhóm đào tạo công nhân. Tổng số học viên được đào tạo cho 2 khóa là 120 người. GS. Mariacristina Giambruno, đại diện khoa học của dự án, cho biết, trong 2 khóa 2017 - 2018 và 2018 - 2019, học viên sẽ được định hướng chuyên môn hóa thông qua các bài giảng và các hoạt động thực địa. “Việc thực hiện hai khóa học nhằm tạo nguồn nhân lực có chuyên môn sâu trong bảo tồn. Riêng khóa học năm 2018 đặc biệt thiết kế để đào tạo giảng viên trong tương lai. Các giảng viên là những người sẽ tiếp tục đảm nhận các hoạt động của khóa học sau khi kết thúc dự án, để đảm bảo sự bền vững và tính lâu dài của trung tâm đào tạo trong thời gian tới” – GS.Mariacristina Giambruno cho biết.

Các đối tượng được chọn lọc để đào tạo gồm cán bộ quản lý khu di tích, nhân viên lưu trữ, khảo sát, thiết kế AutoCad, phục chế các hiện vật khảo cổ và kiến trúc, công nhân kỹ thuật. Sau 2 tháng học lý thuyết tại trung tâm, các học viên sẽ có 4 tháng thực địa tại Mỹ Sơn và được học tách riêng theo từng chuyên đề: Công nghệ khảo cổ, Trùng tu kiến trúc và Quản lý di tích. Bà Roberta Mastropirro – Cố vấn trưởng dự án, cho biết, các chuyên đề sẽ giúp đào tạo chuyên viên kỹ thuật về nghiên cứu khảo cổ và quản lý di tích, quản lý khu vực trùng tu, chuyển giao kỹ năng cần thiết để sử dụng kết hợp cả công nghệ tiên tiến lẫn kỹ thuật truyền thống. Đối với chuyên đề quản lý, các chuyên gia sẽ đưa ra những nguyên tắc về bảo tồn các di sản văn hóa, tổ chức hiện trường khảo cổ, tiêu chuẩn về an toàn và phòng tránh tai nạn, du lịch, bảo tàng học...

Việc ra đời trung tâm đào tạo về trùng tu và bảo tồn di sản văn hóa như một bước ngoặt trong câu chuyện ứng xử với các di tích khảo cổ, vốn đã để lại nhiều “xây xước”. Nó còn đặc biệt quan trọng đối với một địa phương và cả khu vực vốn có rất nhiều di sản có giá trị như Quảng Nam và miền Trung. Các chuyên gia Ý mong muốn tâm huyết họ để lại Việt Nam, ngoài những di tích được bảo tồn nguyên trạng, còn có một đội ngũ có thể thay thế họ làm những phần việc như một nhà khoa học, nhà nghiên cứu di tích…Và hoàn toàn có quyền hy vọng về câu chuyện “làm trùng tu” của người Việt một cách khoa học, bài bản… từ những khóa học này.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học cách trùng tu di tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO