(VHQN) - Số lượng sinh viên, các bạn trẻ có khả năng, đi du học ngày càng nhiều. Chưa cần vội chứng minh hay bác bỏ, không khó để nhận ra có một nhận thức phổ biến, rằng học ở nước ngoài sẽ tốt hơn và nhiều điều kiện để phát triển sự nghiệp trong tương lai.
Các nhà làm giáo dục Việt Nam không phải là không biết điều đó. Nhiều chương trình nghiên cứu, hội thảo, đề tài dự án, kết hợp, chọn lọc và áp dụng các mô hình tiên tiến trên thế giới vẫn liên tục được tổ chức hằng năm.
Việc so sánh hai nền giáo dục khi bối cảnh xã hội, văn hóa khác biệt là bất cập. Vậy nên, trong khuôn khổ bài này, người viết chỉ cung cấp một quan điểm của tác giả, đã trải qua cùng một cấp bậc học ở cả Việt Nam và nước ngoài, với góc nhìn: Học ở phương Tây dễ hay khó?
Rào cản ngôn ngữ
Việc học bằng các ngôn ngữ khác, ví dụ tiếng Anh chính là rào cản rất lớn đối với sinh viên Việt Nam, ngay cả những người đã được tiếp cận tiếng Anh từ nhỏ. Không chỉ dừng ở việc giao tiếp thông thường, sử dụng tiếng Anh thuần thục với các kỹ năng, nghe nói, đọc, viết ở mức độ học thuật đòi hỏi người học phải liên tục cải thiện ngay từ khi bước chân vào con đường du học.
Tất cả bằng cấp, chứng chỉ tiếng Anh chỉ cần thiết về mặt hình thức, chưa bao giờ đảm bảo cho người học con đường học tập thuận lợi ở nước ngoài. Nhưng khó khăn bao nhiêu thì thành quả cũng xứng đáng.
Làm chủ tiếng Anh giúp người học bước chân ra thế giới mới, tiếp cận tri thức khổng lồ của nhân loại khi toàn bộ các công trình nghiên cứu, sách khoa học quý giá đều được viết bằng tiếng Anh. Hay đơn giản chỉ là kênh thông tin như YouTube, khóa học online coursera sẽ làm bạn kinh ngạc vì sự mới mẻ và thú vị việc tiếp cận kiến thức mới.
Việc học nước ngoài đòi hỏi sự tự học rất cao ở người học. Ở Việt Nam, cách tiếp cận một môn học sẽ là định khung các đầu kiến thức, kèm theo các bài kiểm tra, thi cử để đánh giá việc học tập của sinh viên. Cách thức này không có gì sai. Nhưng truyền thống nặng nề khoa bảng thi cử và áp lực xã hội lên thành tích học tập đã có từ trước, vô tình giới hạn sự tự do trong việc mở rộng tư duy của sinh viên.
Người học chỉ tập trung học những gì cần học để lấy điểm số cần thiết. Ngược lại, ở các nước phương Tây, người học vẫn được định khung các kiến thức quan trọng, nhưng không có nhiều bài tập nhỏ, dạng tự luận hay trắc nghiệm theo bộ đề. Thay vào đó, sinh viên sẽ được giao hai hoặc ba đề tài có liên quan đến môn học cần phải hoàn thành.
Để đáp ứng yêu cầu của trường, người học ngoài việc nắm chắc các kiến thức khung của môn học, còn phải đọc và tìm hiểu rất nhiều kiến thức có liên quan, không giới hạn. Ở góc nhìn này, việc tự học thật sự mang lại giá trị rất lớn cho người học: Học những gì cơ bản mà khóa học mang lại, và tự do tìm hiểu những gì đáng quan tâm. Nếu người học không tập trung vào việc tự học, nhiều khả năng sẽ không hoàn thành được khóa học yêu cầu.
Nhiều thuận lợi cho người học
Tất cả môn học trong khung đại học Việt Nam ở các chuyên ngành khác nhau đều quan trọng và đóng góp ít nhiều ở các khía cạnh. Nhưng thử so sánh, để hoàn thành cấp bậc đại học, một sinh viên Việt Nam phải hoàn thành 7 - 8 môn học một kỳ, 2 kỳ mỗi năm, liên tiếp từ 4 đến 5 năm (không tính các ngành đặc thù khác).
Nhiều môn học đặc thù như chính trị, triết học, thể dục, giáo dục quốc phòng sẽ phù hợp và có nhiều đóng góp hơn nếu chỉ nằm trong các bậc ngành đào tạo phù hợp. Thay vào đó, ở các nước phương Tây, sinh viên chỉ phải hoàn thành 4 môn một kỳ trong 3 đến 4 năm học.
Các môn học phục vụ tối đa cho chuyên ngành, công việc phù hợp sau này. Và như vậy, thời gian còn lại, như đã nói sẽ khuyến khích người học tối đa trong việc tự học, hoặc tham gia các hoạt động xã hội, thực tập ở các dự án lớn nhỏ để bồi đắp kỹ năng thực tế.
Quay lại chuyện tiếp cận một môn học ở môi trường phương Tây, ngay từ đầu khóa học hoặc môn học, người học được cung cấp bộ hướng dẫn đầy đủ bao gồm mục tiêu môn học, các kỹ năng kiến thức cần phải lĩnh hội, sách và tài liệu cần nghiên cứu để phục vụ cho môn học.
Các tiêu chí, nội dung này sẽ đi theo suốt quá trình giảng dạy của giảng viên cùng các bài nghiên cứu của sinh viên. Người học hiểu rất rõ mình đang học cái gì và sẽ làm gì để đáp ứng yêu cầu của môn học. Dễ dàng hơn, các bài tập lớn được giảng viên cho ngay từ đầu, kèm theo tiêu chí đánh giá, cho điểm rất rõ ràng.
Việc này một mặt như đã nói, khuyến khích việc tự học và tự do tiếp cận kiến thức của sinh viên, còn loại bỏ đáng kể áp lực thi cử không cần thiết. Áp lực duy nhất ở đây chỉ là làm sao để giải quyết tốt vấn đề môn học đặt ra.
Hằng tuần, giảng viên sẽ tổ chức các lớp trợ giảng để hỗ trợ thêm kỹ năng cho người học, đánh giá tiến độ của sinh viên. Ngoài ra, hệ thống thư viện với đầy đủ tài liệu cần thiết cũng là những thuận lợi quá lớn cho sinh viên ở nước ngoài.
Nhìn chung, ngoài rào cản ngôn ngữ, việc học ở nước ngoài thực sự thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều. Các trường đại học Việt Nam không thiếu giảng viên giỏi, không thiếu những sinh viên có năng lực vượt trội.
Chúng ta cũng không thiếu bề dày nghiên cứu học thuật. Chỉ mong, những người làm giáo dục ở Việt Nam sẽ tiếp tục có những nỗ lực hơn nữa, để đưa giáo dục Việt Nam thật sự phát huy hết tiềm năng của mình.