Học gì từ giáo dục Nhật Bản?

XUÂN PHÚ 20/08/2018 01:46

Sáng 19.8 tại TP.Hội An, UBND tỉnh phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm giáo dục Nhật Bản. Tham dự buổi tọa đàm có bà Chuman Ai - Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh, cùng các Sở GD-ĐT, LĐ-TB&XH, ban giám hiệu, học sinh và phụ huynh các trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

  • NHỮNG NGÀY VĂN HÓA NHẬT BẢN TẠI QUẢNG NAM
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: X.P
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: X.P

Chú trọng giáo dục đạo đức

Theo bà Chuman Ai, Nhật Bản quy định học bắt buộc ở bậc tiểu học và THCS, đồng thời có chính sách miễn học phí đối với học sinh (HS). Thời gian học 6 năm bậc tiểu học, 3 năm THCS. Trong thời kỳ kinh tế khó khăn hiện nay, Nhật Bản tiếp tục đưa ra chủ trương miễn học phí bậc THPT cùng với nhiều chính sách học bổng nhằm tạo điều kiện cho các em đến trường. Tuy nhiên, bậc đại học thì ít lại, trung bình cứ 2 người học xong THPT thì có 1 người học tiếp lên đại học. Định hướng trong thời gian tới là tất cả trẻ em được đi học và hưởng các chế độ chính sách của chính phủ. Mục tiêu của giáo dục không chỉ nâng cao năng lực, kiến thức mà còn tâm hồn, tạo điều kiện cho các em tham gia nhiều hoạt động, phát triển kỹ năng. Chẳng hạn, cho HS dọn vệ sinh trong trường và ngoài khuôn viên nhà trường, mục đích kết nối với cộng đồng, người dân. Khi được hỏi về kinh nghiệm phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong giáo dục nhân cách HS, bà Chuman Ai cho rằng, ở trường học Nhật Bản, mỗi HS đều có “sổ liên lạc” để giáo viên (GV) viết thông tin về HS cho phụ huynh biết, thậm chí GV đến tận nhà để trao đổi với phụ huynh.

Một trong những vấn đề được quan tâm là “ở Nhật Bản có dạy thêm học thêm không và HS có được chọn thầy cô?”, bà Chuman Ai nói ở đất nước bà không có dạy thêm vì GV là công chức và lương cao gấp đôi công chức bình thường nên không dạy thêm. Ở trường công lập, nhà trường phân công GV giảng dạy nên HS sẽ phải học với những thầy cô do trường phân công. Ông Hayashi Junji - Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Eisu Gakkan chia sẻ thêm, riêng đối với trường tư thục nếu hiệu trưởng đồng ý thì GV có thể làm thêm cũng như cho phép HS được chọn GV. Ở Nhật Bản, giáo dục tiểu học rất được coi trọng. HS bậc tiểu học học từ thứ Hai đến thứ Sáu mỗi tuần, có 8 bộ môn gồm văn học, toán học, các môn khoa học tự nhiên, thể dục, hình học, mỹ thuật, máy tính, đạo đức. “Chúng tôi rất coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức cho HS, từ những việc nhỏ nhất như cho các em cùng tham gia dọn dẹp vệ sinh, tổ chức bữa ăn. Đồng thời chú trọng rèn luyện kỹ năng toán học như cộng, trừ, nhân, chia, làm sao cho các em thật giỏi. Nói tóm lại, ngay từ khi còn nhỏ chúng tôi đã đào tạo cho các em hoàn thiện nhân cách, đạo đức bên cạnh năng lực. Đến cấp trung học đưa thêm nhiều hoạt động ngoại khóa vào chương trình giảng dạy” - ông Hayashi Junji nói thêm.

Cánh cửa mở rộng

Khác với giáo dục Việt Nam, sau khi học xong THCS, có đến 98% HS Nhật Bản vào trường THPT nhưng ngược lại tỷ lệ tốt nghiệp THPT vào đại học chỉ còn hơn 52%. Dù vậy, theo Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Eisu Gakkan, vì quá coi trọng thành tích nên nhiều HS đi học thêm và xa hơn là để vào những trường đại học nổi tiếng. Tuy nhiên, không ít những em dù học ở các trường đại học nổi tiếng sau này vẫn không có việc làm, và đây là vấn đề xã hội hiện nay của Nhật Bản. Tương tự, giáo dục Nhật Bản coi trọng gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, song xu hướng nhiều cặp vợ chồng ly hôn đang phá vỡ hệ thống gia đình hiện nay. Từ đó, nhà trường phải đảm đương thêm nhiệm vụ giáo dục trẻ.

Nói về kinh nghiệm của giáo dục Nhật Bản, ông Hayashi Junji nói, 73 năm về trước Nhật Bản bại trận tại thế chiến thứ 2. Để phục hưng đất nước, người Nhật luôn nỗ lực, trong đó có việc nhiều người đi du học ở châu Âu, Mỹ để sau đó trở về phát triển đất nước. Chính những em ra nước ngoài học rồi trở về nước trở thành xu thế. Là đất nước nghèo về tài nguyên thiên nhiên nhưng lại giàu tài nguyên về con người nên chúng tôi tập trung phát triển yếu tố này, quan tâm làm sao đào tạo cho các em tự hành động và đưa ra chính kiến của mình. Ông Hiroaki Ise - Giám đốc Hiệp hội thân thiện quốc tế Nhật Bản thông tin, trong khi số lượng HS Nhật Bản theo học từ đại học trở lên giảm thì người nước ngoài sang Nhật học lại có chiều hướng gia tăng. Hiện nay, theo thống kê Việt Nam có gần 70.000 du học sinh đang theo học tại Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản thời gian qua có nhiều chính sách học bổng dành cho học sinh Việt Nam và cánh cửa du học ngày càng rộng mở.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc, Nhật Bản có nền giáo dục tiên tiến và hiện đại bậc nhất trên thế giới. Vì vậy, những chia sẻ kinh nghiệm của các nhà quản lý từ đất nước mặt trời mọc tại buổi tọa đàm giúp ngành GD-ĐT có thêm nhiều thông tin bổ ích về mục tiêu giáo dục, chương trình, nội dung giảng dạy cũng như các chương trình du học tại Nhật Bản. Kinh nghiệm của giáo dục Nhật Bản sẽ là bài học quý cho việc phát triển sự nghiệp GD-ĐT Quảng Nam.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học gì từ giáo dục Nhật Bản?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO