Học giết rồng...

PHÙNG TẤN ĐÔNG 04/08/2018 07:15

Nhân chuyện môn học “giết rồng” được đưa vào đề thi chuyên văn lớp 10 ở TP.Hồ Chí Minh, anh bạn mê văn chương của tôi hết lời khen tặng các thầy cô ra đề, rằng đề thi gần với đời sống, gắn với thực tiễn. Một chuyện ngụ ngôn cổ vỏn vẹn chưa đầy 40 từ mà thời nào đọc cũng thấy “thấm thía” ý nghĩa nhân sinh. Chuyện rằng: “Chu Bình Man học thuật giết rồng của Chi Li. Bao năm khánh kiệt cả gia sản, mất có đến nghìn vàng. Thành tài, nhưng không biết làm gì cả” (Sách “Bình giải ngụ ngôn Trung Quốc” - Trương Chính - NXB Giáo dục H.1999)

Đề thi yêu cầu học sinh luận về “lựa chọn sự học” trong thời buổi này. Tất nhiên chẳng em nào dại mà không phê phán môn “giết rồng” vì rồng là con vật linh chỉ có trong huyền thoại, không có thật. Ấy thế mà đã có bao nhiêu Chu Bình Man hăng hái đổ tiền của, tâm sức đi học thuật “giết rồng”. Anh bạn công tác miền núi lâu năm nói rằng hiện nay ở chỗ anh, các đại gia, các bậc phụ huynh thành đạt có phong trào “đưa con đi học nước ngoài”, học chi cũng được, miễn là “nước ngoài”, gần thì Sing, Thái… xa thì Anh, Mỹ, Úc… Không dám vơ đũa cả nắm nhưng chắc chắn vì “đẳng cấp” xã hội của cha mẹ có không ít con em đang đi học “giết rồng”. Cũng nhân chuyện “học mà không biết để làm chi” dù không phải học “giết rồng” thì việc bắt học sinh luận về sự học quả hết sức khó. Đó là chuyện sinh viên ngành sư phạm, học để dạy người nhưng cứ như học “giết rồng” bởi khi học xong thì thất nghiệp. Con số đầy nghịch lý rằng hiện nay (2018) cả nước đang thiếu 40.000 giáo viên trong khi thừa hơn 16.000 giáo viên. Thực trạng vừa thiếu vừa thừa này cũng đủ nói lên sự bất cập trong việc sắp xếp, quy hoạch nhân lực của một ngành nghề hết sức quan trọng và luôn được xem là cao quý, đó là nghề giáo.

Cũng một anh bạn mê văn khác có nói rằng đã đến lúc ngành giáo nên coi lại mình, bởi cứ nhắm mắt “làm tới”, cứ đào tạo những chuyên viên thạo “thuật giết rồng” - vì có những môn học chẳng ứng dụng tí ti nào trong thực tiễn, hoặc đào tạo những môn học, ngành học mà xã hội đã thỏa mãn nhu cầu, khiến học sinh thất nghiệp vì dư thừa. Nhiều thầy giáo vì tự trọng đã xin nghỉ hưu sớm vì bộ môn mình dạy không tuyển sinh được cũng tự trào rằng, ngay đến thầy dạy “giết rồng” cũng đã chết, Chi Li đã chết…

Trong khi tếu táo, một anh bạn khác bàn rằng, bọn học “giết rồng” - tất nhiên chỉ tự làm khổ mình vì tốn tiền của, tâm sức, tốn cả thanh xuân cho việc “chẳng nhằm”, nhưng cơ bản bọn đó vốn vô hại. Hiểm họa lớn đó là bọn “sáng tác” ra các loại rồng - “yêu ngôn hoặc chúng” (dùng lời xảo mị, mê hoặc chúng dân). Hỏi luận cứ đâu mà dám nói thế. Thì nhan nhản ra đó, những “sáng tác” cải tiến chữ viết, cải tiến tên gọi “phí” ra “giá”, những nhân danh truyền thuyết, huyền tích để dựng tượng, sáng tác hình tượng nghệ thuật… làm “bình phong” che giấu chuyện tiền nong, bán mua khuất tất… hay chuyện háo danh, mua danh bán tước.

Sợ nhất là việc phải đào tạo lại những người vốn thạo trong thuật “giết rồng” vì lại theo cái vòng luẩn quẩn bởi ngày càng nhiều những nhà sáng tác “rồng”…

Phải loại môn “giết rồng” ra khỏi đời sống xã hội dù không dễ chi nhưng hãy tin chỉ có một điều không thay đổi trong cuộc sống, đó là sự thay đổi…

PHÙNG TẤN ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học giết rồng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO