Cuối tuần này, lễ kỷ niệm 140 năm ngày sinh chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng diễn ra trên quê hương xứ Quảng. Dịp này, công nghiệp mà cụ Huỳnh tạo dựng cho quốc gia, dân tộc sẽ tiếp tục được nhắc lại với bao niềm kính phục. Đồng thời, “bài học” từ hình tượng cụ Huỳnh vẫn là điều khiến cho lớp người hậu thế hôm nay phải trăn trở, nghĩ suy. Câu hỏi đặt ra là, học cụ Huỳnh khó hay dễ?
Nói ngay là không dễ.
Về tài năng, lịch sử cả thế kỷ chỉ được mấy bậc như cụ Huỳnh, đa tài như cụ Huỳnh.
Tài học vấn thì nổi tiếng với danh vị tiến sĩ Nho học. Cụ là một trong Tứ hổ Quảng Nam (gồm 4 người học hành uyên bác, trí tuệ tài hoa. Đó là Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Liệu, Trần Quý Cáp); một trong Tứ hùng Quảng Nam (gồm 4 người tài năng đầy hùng chí, có nhiều đóng góp được nhân dân vinh danh. Đó là Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Tiểu La Nguyễn Thành). Đáng nể hơn, vừa đậu đại khoa xong thì cụ Huỳnh bỏ ngang để cùng “bộ ba Quảng Nam” đi cổ xúy nền học mới, phát động Duy tân. Rồi nhân vụ kháng thuế cự sưu, cụ bị bắt lưu đày Côn Đảo. Trong tù, cụ tự học thêm và trau dồi quốc ngữ, học thuộc cả cuốn từ điển tiếng Pháp, học nghề nề, học làm kế toán... Cái vốn ấy sau ra tù cho cụ mở công ty, làm ông nghị, làm chủ báo, làm học giả...
Tài kinh doanh thì đã sớm xiển dương Liên Thành Thương Quán, cổ xúy thương mại của người Việt, sau lại thành lập công ty Huỳnh Thúc Kháng vận động cổ phần được 3 vạn bạc để mở nhà in và làm báo.
Tài làm báo thì vang tiếng ba kỳ. Trong bối cảnh bị kìm kẹp của chế độ thực dân phong kiến, cụ dám tuyên bố dữ dội, nói lên một cách trung thực mạnh mẽ khát vọng, nguyện vọng bỏng cháy của nhân dân trước bất công, ngang trái, là “phô bày tâm lý chân chính của quốc dân lên mặt báo”, làm sáng rõ chân lý “Dân là con trời cả”- gốc của nước. Để giữ tiếng nói - khát vọng ấy, tờ báo Tiếng Dân đã thể hiện tính chiến đấu xuyên suốt 16 năm tồn tại (1927-1943), ra được 1767 số, với “Tiếng như sấm đất vang, mới bao năm gió Mỹ mưa Âu, mấy cuộc bể dâu, ngọn sóng nhảy tràn bờ cõi cũ / Dân là con trời cả, riêng một cõi mầm Hồng, chồi Lạc, ngàn trùng non nước, khí thiêng sông núi xin hộ giống nòi chung”. Cụ cũng để lại câu danh ngôn về nghề cầm bút, làm chủ báo là: “Nếu không có quyền nói tất cả những điều mà mình muốn nói, thì ít ra giữ cái quyền không nói những điều người ta ép buộc nói”. Ngoài việc làm báo, Huỳnh Thúc Kháng còn xuất hiện với tư cách là sử gia. Cụ đã để lại nhiều công trình có giá trị, nghiên cứu tổng hợp nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà, như những chứng cứ về chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Tài làm chính khách rực rỡ ánh quang. Khi làm Viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ, cụ đã đấu tranh trên nghị trường với những bài diễn thuyết sắc sảo, công kích chính sách thực dân, bảo vệ cho lợi quyền dân chúng. Sau Cách mạng tháng Tám, được cụ Hồ mời tham gia chính phủ mới, rồi được trao Quyền Chủ tịch nước, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã vận dụng sắc sảo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến” để giữ vững chính quyền, trật tự trị an, trong thời buổi vận mệnh quốc gia như “chỉ mành treo chuông” trước cảnh thù trong giặc ngoài.
Tài đã lớn mà đức cực sáng. Nhân cách Huỳnh Thúc Kháng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cụ Huỳnh là người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao, vì lòng yêu nước mà trước đây cụ bị bọn thực dân làm tội đày ra Côn Đảo, mười mấy năm trường gian nan cực khổ nhưng lòng son dạ sắt, yêu nước thương nòi của cụ Huỳnh chẳng những không sờn mà lại thêm cương quyết. Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan. Cả đời cụ Huỳnh không cần danh vị, không cần lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”.
Minh sư phải gặp cao đồ, thầy giỏi gặp trò hay thì sự học và hành mới đạt. Tấm gương của cụ Huỳnh đã được những cán bộ cách mạng kiệt xuất như Hoàng Hữu Nam, Võ Nguyên Giáp... xem là bài học lớn về tài năng và nhân cách. Ngày nay, muốn học theo gương cụ thì phải có tấm lòng vì dân, vì nước, hết lòng phụng sự Tổ quốc, dân tộc; tự thân phải cần mẫn rèn đức luyện tài, liêm chính, cương trực. Khó hay dễ cũng bắt đầu từ chỗ ấy.
NGUYỄN ĐIỆN NAM