Bị cái “vỏ” ngôn ngữ gây khó trong chuyện giao tiếp, đã thấy phiền toái; hiểu lầm, sa vào chủ nghĩa hình thức, càng phiền toái gấp bội. Nhu cầu học kỹ tiếng ta (tiếng Việt) thời nào cũng cần thiết...
“Moi” hết những từ Hán Việt
Trên báo Le Jalon, một tờ báo mang tên Tây nhưng viết bằng tiếng Việt do chủ bút Phan Văn Hùm cùng một người bạn học ở Trường Công chánh Hà Nội sáng lập từ năm 1923, từng đăng bài của chính ông Phan Văn Hùm về “tự động xa”. Bài viết nhằm chế giễu học giả Phạm Quỳnh, chủ bút và chủ nhiệm của tạp chí Nam Phong.
Chuyện rằng, một hôm học giả Phạm Quỳnh từ tòa soạn bước ra, nhảy lên xe kéo tay, bảo phu xe đưa về nhà. Ngồi trên xe, Phạm Quỳnh giở tờ Nam Phong ra duyệt bài. Đến một ngã tư, thình lình có một chiếc xe hơi trờ tới với tốc độ hơi nhanh. Sợ tai nạn, Phạm Quỳnh gọi to cho phu xe có ý muốn hãm xe lại: “Tự động xa! Tự động xa!”.
Nhưng phu xe lại tưởng khách giục… chạy nhanh hơn nữa, liền cắm đầu nhảy mạnh, thế là va chạm với xe hơi, trầy trụa chút ít. Khi đỡ khách dậy, phu xe có ý chê trách: “Phải chi quan lớn nói cho con nghe nó là ô tô, thì con đã hiểu ngay. Có đâu nên nỗi như thế?”.
Tôi lược chép lại câu chuyện này, dù được xác định là chuyện bịa, để hình dung từ những năm đầu thế kỷ 20 văn phong của học giả Phạm Quỳnh ít nhiều bị chê trích. Nhà báo Hồ Hữu Tường khi viết hồi ký “41 năm làm báo” cũng cho rằng thuở nhỏ ông đã cảm nhận rất rõ văn phong của tờ Nam Phong và của Phạm Quỳnh, là “nhiễm quá nặng, hễ hở một tí thì chen danh từ Hán Việt vào”.
Sau này gặp nhau trên đất Pháp, có dịp ở chung với nhau, ông Hồ Hữu Tường lại được chính ông Phan Văn Hùm “dạy thêm” cho môn Việt văn (dù ông Tường khi ấy đã được giao làm chủ nhiệm tờ báo Tiền Quân). Thực ra, ông Hùm chỉ muốn giúp ông Tường thanh lọc bớt câu chữ “nhiễm quá nặng” kiểu Phạm Quỳnh.
“Hùm bắt tôi nói một câu, xong Hùm moi những thành ngữ Hán Việt ra mà bỏ hết, bắt tôi thay bằng tiếng nôm. Thật ra, câu “học sư bất như học hữu” bấy giờ tôi mới thấy giá trị bực nào!” (41 năm làm báo, NXB Hội Nhà văn 2017, trang 33).
Nhớ lại, trong cuốn “Người Việt, tên dân - tên nước - ngữ ảnh - ngữ nghĩa” (Hồng Kim Linh, NXB Phương Đông 2010), tác giả cũng phê rất đau chuyện người Việt coi rẻ tiếng Việt. Với những mẩu chuyện nhỏ ở cuối sách như “Nó quên tiếng Việt đi rồi!”, “Không chút mặc cảm”, “Mày không đọc được tiếng Việt Nam”, “Tiếng này xấu không học nữa”…, tác giả có ý châm biếm những trường hợp mới tập tò học được dăm ba câu tiếng Anh, tiếng Pháp đã thích khoe chữ.
Say đắm & rẻ rúng
Dĩ nhiên, những ai sính chữ một cách “vô lối” thì mới đáng bị chê. Nhất là chữ Hán, cứ ưa nói “tam cá nguyệt” chứ không chịu nói “ba tháng”, hoặc hét to lên là “tự động xa” chứ không gọi thẳng “có ô tô kìa!”. Song, với những chữ Hán quen dùng thì cũng không nên sửa. Bác Hồ từng khuyên rằng, nếu chuyển từ “độc lập” sang nói “đứng một”, từ “du kích” sang “đánh chơi”… thì rất tếu.
Nhu cầu sử dụng tiếng “ta”, tức tiếng Việt, không phải sang đến thế kỷ 21 mới được đặt ra. Ngay từ năm 1924, tức chỉ 1 năm sau khi tờ báo Le Jalon của chủ bút Phan Văn Hùm thành lập, đã có người khuyến khích học trò lớp nhất, lớp nhì ở các trường Pháp - Việt luyện tập quốc văn, và viết hẳn sách giáo khoa. Tôi đang nói đến cuốn “Quốc văn độc bản” của tác giả Vũ Đình Long, người khai sáng sân khấu kịch nói Việt Nam hiện đại và sáng lập Tân Dân thư quán.
Trong cuốn “Quốc văn độc bản” dành cho lứa tuổi 6+, có bài đọc thứ 3 rất đáng chú ý với tựa: Quốc văn. Nội dung bài đọc kể về thầy Thông Tân ở tỉnh về quê thăm chơi, nhân có người gửi thư bằng tiếng Pháp cho cụ Tú Cựu (bác họ) nên nhờ thầy dịch giúp.
Thầy Thông Tân giỏi tiếng Pháp nên đọc hiểu liến thoắng, nhưng khi dịch sang tiếng Việt thì ấp a ấp úng. Hóa ra, lâu nay ở trường, thầy Thông Tân xao nhãng học tiếng Việt. Cụ Tú Cựu liền chỉ bảo:
- Ngày xưa chúng tôi học chữ Tàu, say đắm chữ Tàu, rẻ rúng tiếng ta, ngày nay ai cũng biết chê là hủ, là lầm. Không ngờ các thầy học chữ Pháp lại rẻ rúng tiếng ta, không biết các thầy hủ hay văn minh nhỉ?
Cụ Tú Cựu xem ra cũng không quá “thủ cựu”. Cụ bảo, tiếng Pháp hay thật và cần học “cho thâm để thâu thái lấy những hoa thơm quả ngọt trong vườn văn minh” của phương Tây, nhưng không vì thế mà khinh rẻ tiếng mẹ đẻ, xao nhãng quốc văn… Thầy Thông Tân chỉ còn biết nghe theo: “Thôi, chuyến này cháu ra tỉnh lại phải học tiếng ta”.
Nỗi lo tối nghĩa
Tôi lan man đôi chút chuyện chữ Tàu, chữ Tây, chữ ta, vì vừa xem lại số đầu tiên chủ đề “Ôn cố tri tân” phát trên kênh Vietsuccess. Người dẫn chương trình hé lộ mục đích của kênh là muốn chuyển tải những kinh nghiệm, bài học đúc rút từ tuệ giác phương Đông và phương Tây. Tất nhiên, hướng đến khán giả trẻ.
Trong số phát sóng đầu tiên này, có chủ đề tưởng là quen nhưng đôi khi xa lạ: Học cách làm người theo đúng 8 bước của Khổng Tử.
Khách mời của chương trình, một tiến sĩ - chuyên gia tâm lý có hơn 20 năm kinh nghiệm về quản trị, tư vấn nguồn nhân sự và từng nắm giữ các chức vị quan trọng ở nhiều tập đoàn lớn, cho rằng “biết đâu có người hiểu lầm” mỗi khi nói về cụm “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, nếu chỉ dừng ở đó.
Bởi ông nhắc còn có đến 4 bước trước đó nữa: cách vật (thấu lẽ mọi sự vật) - trí tri (biết cho đến cùng cực) - thành ý (không dối người, không dối mình) - chính tâm (ngay thẳng, chính trực và làm chủ bản thân).
Theo vị tiến sĩ này, nội hàm của 8 bước làm người kia đôi khi bị hiểu lệch vì chữ nghĩa “xa lạ”, nhất là với người trẻ, hoặc hiểu theo trường nghĩa khác của cái vỏ đồng âm. Chữ “tề” có khi được hiểu là đập bỏ, chữ “trị” nhầm lẫn với bạo lực, chữ “bình” (bình thiên hạ) là dập, là cày ủi, là san phẳng (!).
Hỏi sao không lo tối nghĩa?