Vào miền Nam học hỏi kinh nghiệm áp dụng khoa học - kỹ thuật về phát triển kinh tế gia đình là điều mà nhiều thanh niên thôn Hòa Bình (xã Tam Thái, huyện Phú Ninh) đã làm. Các mô hình phát triển kinh tế đã góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Chăn nuôi trên địa bàn thôn Hòa Bình trong những năm gần đây được khuyến khích phát triển theo hướng nông trại. Nhiều mô hình chăn nuôi mới đã được thanh niên trong thôn triển khai mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Điển hình như anh Phạm Văn Dung (SN 1981, trú tổ 7, thôn Hòa Bình), sau nhiều năm đi làm ăn xa, tích góp được một số vốn cho bản thân, cộng thêm kinh nghiệm chăn nuôi học hỏi được ở các trang trại quy mô lớn tại miền Nam, năm 2005, trở về quê hương anh đã mạnh dạng đầu tư vốn mua 2 con heo nái sinh sản với giá trị 10 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, Dung dần mở rộng quy mô trang trại. Tính đến thời điểm này, khu chăn nuôi heo hướng nạc của anh có tổng diện tích khoảng 3.500m2. Ước tổng vốn đầu tư trang trại gần 1 tỷ đồng. Lợi nhuận mang lại từ mô hình này khoảng 200 triệu đồng/năm. Anh Dung chia sẻ: “Từ bỏ việc chăn nuôi truyền thống, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi mới trong xây dựng chuồng trại, kỹ thuật nuôi, cách phòng bệnh khi nuôi heo hướng nạc của những công ty lớn thật sự mang hiệu quả trong việc phát triển kinh tế tại địa phương. Muốn phát triển chăn nuôi tốt, cần thường xuyên cập nhật tin tức về các tiến bộ khoa học, công nghệ chăn nuôi mới”. Hiện nay anh đang mở rộng quy mô chăn nuôi theo hình thức nuôi heo gia công tại 3 hộ trong thôn nhằm phòng chống dịch bệnh trên heo, hạn chế thiệt hại lớn khi dịch bùng phát.
Anh Phạm Văn Dung áp dụng mô hình chăn nuôi heo hướng nạc. Ảnh: N.LINH |
Cách trang trại anh Dung không xa, tại tổ 1 (thôn Hòa Bình), anh Lê Văn Luật (SN 1985) cũng là điển hình trong việc phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp THPT, được sự khuyến khích của gia đình, Luật theo học lớp trung cấp thú y tại Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam. Với mong muốn làm kinh tế hiệu quả, Luật đã dành 3 năm học hỏi kinh nghiệm ở một công ty chăn nuôi tại Bà Rịa - Vũng tàu. Năm 2011 về quê, khởi trại với 3 con heo nái sinh sản, đến nay trang trại của anh đã mở rộng quy mô, thả nuôi 16 con heo nái sinh sản, trong trại luôn có trên 100 heo thịt. Bên cạnh đó, anh cũng nuôi kết hợp bò và gà thả vườn. Lợi nhuận kinh tế mang lại mỗi năm 100 - 150 triệu đồng. Anh Luật cho biết: “Hiện tại tôi đang tìm nguồn vốn để dời trang trại đến một khu đất khác tiếp tục phát triển quy mô và không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”.
Cùng với anh Dung, Luật, nhiều thanh niên trên địa bàn thôn Hòa Bình như anh Trần Phước Tiên, Lê Văn Cần, Trần Văn Thảo… cũng đã mang khoa học - kỹ thuật từ miền Nam về phát triển kinh tế tại địa phương. Anh Nguyễn Văn Sơn – Bí thư Đoàn xã Tam Thái cho biết: “Nhiều thanh niên thôn Hòa Bình ly hương đi làm ăn xa đã đúc kết kinh nghiệm cũng như nguồn vốn, trở về quê hương xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tạo thu nhập bình quân hàng năm mỗi hộ gần 200 - 300 triệu đồng và cũng tạo động lực phát triển kinh tế địa phương”.
Từ thành công bước đầu của các mô hình do thanh niên làm chủ, thời gian qua, UBND xã Tam Thái đã đẩy mạnh việc quy hoạch, hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng nông trại. Chính quyền địa phương thường xuyên mở nhiều lớp tập huấn chăn nuôi, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức đưa thanh niên - nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình hay, cách làm mới trên địa bàn huyện cũng như một số địa phương lân cận như Núi Thành, Thăng Bình… Địa phương cũng tập trung triển khai các chương trình, dự án nhằm giúp thanh niên - nông dân có điều kiện tiếp cận với những ưu đãi, chính sách vốn vay cũng như tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Đặc biệt, dự án về chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học đã được Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Quảng Nam, Trạm Khuyến nông – khuyến lâm huyện thực hiện điểm tại 10 hộ trên thôn Hòa Bình, mang lại hiệu quả. Ông Lê Hồng Quân – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thái cho biết, chăn nuôi phát triển mạnh thì lượng chất thải chăn nuôi nhiều lên, trong khi đó người dân có xu hướng ít dùng phân chuồng, mà chủ yếu là phân vô cơ bón cho đồng ruộng, dẫn tới chất thải chăn nuôi thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường sống. “Để phát triển chăn nuôi được bền vững, địa phương đã triển khai áp dụng một số dự án giúp giảm thiểu việc ô nhiễm tại thôn Hòa Bình. Hiện xã đang đề xuất lên huyện, kế hoạch xây dựng trang trại tập trung áp dụng kỹ thuật hiện đại” - ông Quân nói.
Việc chú trọng và nhân rộng các mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả của thanh niên tại thôn Hòa Bình đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã cải thiện thu nhập, thoát nghèo. Tính đến nay tỷ lệ hộ nghèo toàn xã Tam Thái giảm còn 3,72%, địa phương đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu đến cuối năm 2015 hoàn thành 19/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
HỒNG CƯỜNG