Học phí giáo dục phổ thông: Có nên đột ngột tăng 50%?

XUÂN PHÚ 14/07/2016 09:43

Các ngành chức năng của tỉnh đang soạn thảo đề án thu học phí mới để tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại kỳ họp sắp tới. Theo đó, từ năm học 2016 - 2017 mức thu học phí giáo dục phổ thông dự kiến sẽ tăng khoảng 50% so với mức thu hiện nay.

Học phí THPT khu vực thành thị năm học 2016 - 2017 dự kiến sẽ tăng lên thành 120.000 đồng/tháng, trước đây 80.000 đồng/tháng. Ảnh: X.PHÚ
Học phí THPT khu vực thành thị năm học 2016 - 2017 dự kiến sẽ tăng lên thành 120.000 đồng/tháng, trước đây 80.000 đồng/tháng. Ảnh: X.PHÚ

Đột ngột tăng 50%

Trong những năm qua, cụ thể là từ năm 2010 đến nay, mức thu học phí đối với giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Nghị quyết 163 (8.7.2010) của HĐND tỉnh. Tùy theo từng cấp học, mỗi địa bàn có các mức thu khác nhau; trong đó cao nhất là 80.000 đồng/tháng và thấp nhất là 10.000 đồng/tháng. Theo Sở GD-ĐT, 5 năm qua tổng thu học phí toàn tỉnh vào khoảng 464 tỷ đồng. Theo quy định, nguồn thu từ học phí dùng để bổ sung quỹ tiền lương tăng thêm do nâng mức lương tối thiểu và bổ sung chi cho hoạt động giáo dục của các trường. Với tỷ lệ 3 - 3,5% tổng chi thường xuyên GD-ĐT của tỉnh, nguồn thu học phí từ người dân đã đóng góp một phần cùng với ngân sách nhà nước chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Mức thu học phí giáo dục phổ thông được đề xuất/tháng:

- Khu vực thành thị: mầm non 120.000 đồng (mức cũ 80.000 đồng), THCS 60.000 đồng (40.000 đồng), THPT 120.000 đồng (80.000 đồng);
- Khu vực nông thôn: mầm non 55.000 đồng (mức cũ 35.000 đồng), THCS 30.000 đồng (20.000 đồng), THPT 75.000 đồng (50.000 đồng);
- Khu vực miền núi: mầm non 25.000 đồng (mức cũ 15.000 đồng), THCS 15.000 đồng (10.000 đồng), THPT 25.000 đồng (15.000 đồng);
- Học phí giáo dục thường xuyên: THCS 135.000 đồng (mức cũ 90.000), THPT 180.000 đồng (120.000 đồng).

Tuy nhiên, Nghị quyết 163 đã hết hiệu lực sau khi kết thúc năm học 2014 - 2015. Và từ năm học 2015 - 2016, để có cơ sở cho việc thu học phí trong các cơ sở giáo dục công lập, HĐND tỉnh đã thống nhất tiếp tục thực hiện thu học phí năm học 2015 - 2016 theo Nghị quyết 163. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 86 (2.10.2015) quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021. Đây là cơ sở pháp lý cho HĐND tỉnh xây dựng nghị quyết mới để các ngành chức năng, các địa phương và cơ sở giáo dục triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Theo đề án đang được các ngành chức năng của tỉnh soạn thảo, mức thu học phí từ năm học 2016 - 2017 dự kiến tăng khoảng 50% so với mức thu của Nghị quyết 163. Tùy theo từng cấp học, mỗi địa bàn có các mức thu khác nhau; trong đó mức thu cao nhất là cấp học mầm non và THPT ở khu vực thành thị với 120.000 đồng/tháng. Đối với khu vực miền núi, mức thu học phí cao nhất là 25.000 đồng/tháng (bậc mầm non và THPT) và thấp nhất là 15.000 đồng/tháng (bậc THCS). Từ năm học 2017 - 2018 trở đi, học phí được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm.

Đã phù hợp?

Giải thích cơ sở xây dựng mức thu học phí tăng, ông Võ Anh Tuấn - Trưởng phòng Kế hoạch tài vụ Sở GD-ĐT nói, nguyên tắc xác định mức thu học phí đối với giáo dục phổ thông là phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư, khả năng đóng góp thực tế của người dân và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm. Theo tính toán, chỉ số giá tiêu dùng bình quân của tỉnh năm 2015 tăng so với năm 2010 là 34,8%. Cũng trong 5 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo từ 24% giảm xuống còn hơn 10%. Một cơ sở quan trọng khác, đó là khung học phí mới do Chính phủ quy định tại Nghị định 86 ban hành cuối năm 2015 thay thế Nghị định 49 (14.5.2010) đã hết hiệu lực. Phương pháp tính mức thu học phí dựa trên mức thu của năm học 2015 - 2016 nhân với tỷ lệ phần trăm tăng chỉ số giá tiêu dùng. Trên cơ sở đó xác định mức thu học phí mới cho các cấp học, theo từng địa bàn dân cư thành thị, nông thôn, miền núi.

Tăng học phí là điều không phải bàn cãi khi mức thu học phí hiện nay đang thực hiện theo nghị quyết ban hành cách đây 5 năm và đã hết hiệu lực (cũng như Nghị định 49 của Chính phủ hết hiệu lực). Tuy nhiên, vấn đề là cơ sở tăng 50% mức thu có hợp lý và phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân. Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh mới đây, một đại diện Sở GD-ĐT cho biết, dự thảo ban đầu của sở xây dựng đề xuất tăng 15% so với mức thu Nghị quyết 163. Song, ý kiến của Sở Tài chính đề nghị và được UBND tỉnh thống nhất là tăng lên mức 50%. “Thật sự mức tăng 50% là hơi cao so với điều kiện kinh tế của nhiều người dân hiện nay” - ông này nói.

Để có cơ sở khi xây dựng mức thu học phí mới, trong đề án Sở GD-ĐT còn đưa thêm mức thu học phí của một số địa phương trên cả nước giai đoạn 2016 - 2020 để tham khảo. Có thể thấy, mức thu đề xuất của Quảng Nam chỉ thấp hơn Bình Định (cao nhất 145.000 đồng/tháng và thấp nhất 25.000 đồng/tháng), ngang với Nam Định (nhưng Nam Định không thu học phí miền núi); còn lại cao hơn khá nhiều so với Hà Nội (cao nhất 60.000 đồng/tháng và thấp nhất 8.000 đồng/tháng), Đà Nẵng (cao nhất 110.000 đồng/tháng và thấp nhất 10.000 đồng/tháng) và nhiều địa phương khác. Thế nên, không ngạc nhiên khi nhận xét về đề xuất tăng 50% học phí so với mức thu hiện nay, Phó Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Trần Thị Bích Thu nói: “Tôi thấy băn khoăn về mức thu học phí tăng cao như dự thảo. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến điều kiện kinh tế của người dân và ảnh hưởng việc học của con em gia đình khó khăn”.

Phụ huynh Nguyễn Ngọc Minh (xã Quế Xuân1, huyện Quế Sơn): “Phải nghĩ đến điều kiện con em gia đình nông dân, hộ khó khăn”

Tăng học phí vài chục nghìn đồng mỗi tháng mới nghe tưởng không nhiều nhưng suy nghĩ lại thì nhiều lắm, vì năm học kéo dài đến 9 tháng. Tôi có 2 con đi học, đứa học lớp 11, đứa học lớp 7. Với thu nhập chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng, mấy năm qua mỗi lần đến đầu năm học mới là toát mồ hôi khi phải lo tiền mua sách vở, sắm thêm bộ quần áo mới, các khoản tiền trường như quỹ hội phụ huynh, đóng góp xã hội hóa. Nay nghe nói chuyện học phí tăng nữa thì lo lắng. Tôi đề nghị Nhà nước tính toán thật kỹ, nếu tăng học phí thì cũng nên ở mức vừa phải. Có như vậy, con em gia đình nông dân, gia đình nghèo mới có điều kiện cho con ăn học.

Phụ huynh Trần Vinh (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ): “Tăng học phí là đúng, nhưng tăng mức độ nào cần tính toán cho phù hợp”

Học phí hiện nay thu theo quy định cách đây đã 5 năm nên tính đến chuyện tăng là đúng. Hơn nữa, Chính phủ đã có quy định mới với mức thu cao hơn trước. Nhưng tăng học phí mức độ nào thì các cơ quan chức năng phải tính toán hợp lý, phù hợp với đại đa số người dân. Đời sống của người dân hiện nay có phần nâng cao, tuy nhiên điều đó không có nghĩa không có khó khăn khi đầu năm phải lo toan rất nhiều khoản tiền trường cho con. Bản thân tôi có chút băn khoăn khi mức thu theo đề xuất tăng như vậy là quá nhiều. Năm học vừa qua học phí THPT 80.000 đồng/tháng nhưng sang năm tăng lên 120.000 đồng/tháng nghe bất hợp lý quá. Có thể tăng từ từ được không? Tăng học phí phải đi kèm với chính sách miễn, giảm cho người dân có điều kiện kinh tế khó khăn. Nếu không, sẽ làm cho người dân nghèo càng khó khăn hơn, ảnh hưởng đến việc học của con em.

Ông Trương Quang Khánh - Trưởng phòng Hành chính - sự nghiệp Sở Tài chính: “Nằm trong khả năng đóng góp của người dân”

Mức tăng học phí đối với khối giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp được dự thảo có mức tăng tương đối cao nhằm thực hiện lộ trình giảm dần bao cấp của nhà nước và tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư của các cơ sở này. Còn đối với khối giáo dục phổ thông, mức tăng trong đề án đưa ra không đột biến. Ông Khánh phân tích, trong vòng 5 năm qua học phí không tăng, nay với mức tăng đề ra là 50%, tính ra bình quân mỗi năm chỉ tăng 10%. Mặc khác, trượt giá bình quân 35%, cộng với mức tăng trưởng nền kinh tế hàng năm của Quảng Nam khoảng 11% (đồng nghĩa đời sống kinh tế của người dân cũng tăng), như vậy mức tăng thu học phí 50% so với thực tế phát triển là tương đương hoặc tăng không đáng kể.

Trong khi đó, mức ngân sách đầu tư cho giáo dục tăng mỗi năm 10%, và mức lương cho giáo viên cũng tăng cao, thì tỷ lệ chi phí cho giáo dục ngày càng lớn so với tỷ lệ đóng góp của người dân thông qua học phí. Riêng đối với các hộ chính sách, hộ nghèo, đã có chính sách miễn giảm học phí. Trên cơ sở phân tích, có thể nói, mức tăng này không quá cao, không gây sốc, và đảm bảo nằm trong khả năng đóng góp của người dân. Nếu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm việc không huy động, thu thêm khoản đóng góp nào của phụ huynh ngoài học phí, thì mức học phí này là chấp nhận được.

X.PHÚ - T.T.THƯ (ghi)

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học phí giáo dục phổ thông: Có nên đột ngột tăng 50%?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO