UBND tỉnh vừa có văn bản gửi Sở Tài chính, GD-ĐT, các địa phương và trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục công lập tiếp tục thực hiện thu học phí năm học 2015 - 2016 theo Nghị quyết 41 (12.7.2012) và Nghị quyết 163 (8.7.2010) của HĐND tỉnh. Vì sao vẫn thu học phí theo các nghị quyết này dù cả hai đã hết hiệu lực?
Năm học 2015 - 2016 sẽ thu học phí theo mức năm học trước. Ảnh: XUÂN PHÚ |
Chờ Trung ương
Nghị quyết 41 (12.7.2012) của HĐND tỉnh về quy định mức thu học phí đối với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề công lập cùng Nghị quyết 163 (8.7.2010) của HĐND tỉnh về quy định mức thu học phí trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh (giáo dục mầm non, phổ thông) đã hết hiệu lực sau khi kết thúc năm học 2014 - 2015. Điều đó cũng có nghĩa, để có cơ sở cho việc thu học phí trong các cơ sở giáo dục công lập kể từ năm học 2015 - 2016, HĐND tỉnh phải ban hành nghị quyết mới, trên cơ sở đó UBND tỉnh có quyết định về mức thu để các cơ sở giáo dục thực hiện. Trong khi đó, Nghị định 49 (14.5.2010) của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; cơ chế thu và sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 – 2015, căn cứ để HĐND các tỉnh, thành phố trên cả nước ban hành các nghị quyết về quy định mức thu học phí trên địa bàn cũng đã hết hiệu lực. Thế nhưng, cho đến nay Chính phủ vẫn chưa ban hành nghị định mới về thu học phí. Vì vậy, trước ngày khai giảng năm học 2015 - 2016, nhiều cán bộ quản lý trường học bày tỏ băn khoăn chưa biết việc thu chi học phí như thế nào.
Trước đó, tại cuộc làm việc với HĐND tỉnh, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc cho biết nguồn thu học phí những năm qua đã góp một phần đáng kể trong việc hỗ trợ hoạt động dạy và học của các trường. Riêng cấp THPT thu học phí mỗi năm hơn 21 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5% so với ngân sách được giao. So sánh với các tỉnh lân cận, chẳng hạn như Quảng Ngãi thì mức thu học phí của Quảng Nam cao hơn. Cụ thể, Quảng Nam học phí mầm non thành thị 80.000 đồng/tháng, nông thôn 35.000 đồng, miền núi 15.000 đồng, THPT thành thị 80.000 đồng, nông thôn 50.000 đồng còn Quảng Ngãi, các mức học phí tương tự là 50.000, 25.000, 10.000, 70.000 và 35.000 đồng. Ngay cả TP.Đà Nẵng, học phí cấp THPT thành thị cũng chỉ 70.000 đồng/tháng, thấp hơn Quảng Nam. Tuy nhiên, trong khi Chính phủ chưa ban hành nghị định mới thì vẫn tiếp tục thu theo các mức hiện tại là phù hợp.
Mức thu học phí theo Nghị quyết 163 đối với giáo dục phổ thông (đồng/tháng/học sinh): - Mầm non thành thị 80.000, nông thôn 35.000, miền núi 15.000. - THCS thành thị 40.000, nông thôn 20.000, miền núi 10.000. - THPT thành thị 80.000, nông thôn 50.000. Mức thu học phí theo Nghị quyết 41 đối với các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề (tùy theo nhóm chuyên ngành đào tạo): - Đại học: 390.000 và 455.000. - Cao đẳng: 310.000, 365.000 và 450.000. - Trung cấp : 270.000, 320.000 và 390.000. - Dạy nghề bậc cao đẳng: 245.000 và 265.000; trung cấp 190.000 và 210.000. |
Trước thực tế này và thực hiện Nghị quyết 156 (7.7.2015) của HĐND tỉnh về bổ sung nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng 6 tháng cuối năm 2015, trong khi chờ Trung ương có quy định mới về mức thu học phí năm học 2015-2016, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh (trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề, các trường phổ thông) tiếp tục thực hiện thu học phí năm học 2015 - 2016 theo Nghị quyết 41 (12.7.2012) và Nghị quyết 163 (8.7.2010) của HĐND tỉnh.
Khó cho đại học, cao đẳng
Chưa điều chỉnh mức thu học phí, đối với các trường phổ thông không có gì ảnh hưởng nhưng với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh thì khác. Tại các cuộc làm việc với Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh trước đây về tình hình thực hiện Nghị quyết 41, hầu hết các trường đều cho rằng mức thu học phí như hiện tại là thấp, không đáp ứng kinh phí đào tạo, khiến cho đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tài chính và kiến nghị tăng mức thu học phí.
Theo các trường, nếu duy trì mức thu học phí cũ bởi khác với các trường phổ thông, học phí chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng thu của các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Chẳng hạn, học phí của Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam mỗi năm thu được từ 22 đến 29 tỷ đồng, chiếm từ 65 - 78% mức tự đảm bảo kinh phí. Tương tự, Trường Đại học Quảng Nam thu khoảng 20 - 23 tỷ đồng/năm, mức tự đảm bảo kinh phí 50 - 56%. Tuy nhiên, nguồn thu này đang có xu hướng sụt giảm do số lượng sinh viên những năm gần đây giảm trong khi đó mức lương tối thiểu ngày càng tăng.
Theo đề xuất của Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam và Trường Đại học Quảng Nam, có thể cho phép trường vận dụng quy định tại khoản 7, điều 12 của Nghị định 49 (học phí đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 150% mức học phí chính quy cùng cấp học và nhóm ngành đào tạo) để vận dụng vào mức thu học phí đối với hệ đào tạo ngoài chỉ tiêu ngân sách. Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam thì kiến nghị cho phép tăng mức thu học phí đối với hệ chính quy ngoài chỉ tiêu ngân sách từ 50% lên mức bằng 70% kinh phí đào tạo trong chỉ tiêu ngân sách được nhà nước cấp kinh phí; đồng thời tăng mức thu học phí đối với hệ chính quy trong chỉ tiêu ngân sách lên 80% so với quy định tại Nghị định 49. Trong khi đó, Trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam đề nghị mức thu học phí học nghề cần được tăng thêm 5% vào năm học 2016 - 2017 và tiếp tục tăng thêm 5% nữa vào năm học sau đó…
Với những diễn biến theo chiều hướng ngày càng khó khăn trong thu chi, rõ ràng kiến nghị tăng học phí của các trường chuyên nghiệp có thể xem là hợp lý. Tuy nhiên, đến thời điểm này còn phải chờ Chính phủ ban hành nghị định mới về thu học phí, trên cơ sở đó HĐND tỉnh mới xem xét để có nghị quyết điều chỉnh. Vì vậy, năm học mới 2015 - 2016 này các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề công lập trên địa bàn tỉnh vẫn tạm thời thu học phí theo Nghị quyết 41.
XUÂN PHÚ