Học sinh bị cắt chế độ chính sách hỗ trợ: Khó cho địa phương miền núi

ALĂNG NGƯỚC 05/11/2018 02:23

Trước thực trạng hàng trăm học sinh đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi Tây Giang bị cắt chế độ chính sách theo Nghị định 116 của Chính phủ, mặc dù chính quyền địa phương đã sớm có hỗ trợ ban đầu, nhưng nhiều người vẫn lo ngại nếu không có nguồn lực giải quyết khó khăn, nguy cơ học sinh bỏ học giữa chừng có thể xảy ra.

Sau khi bị cắt chế độ chính sách theo Nghị định 116, huyện Tây Giang đã chủ động cấp kinh phí để ngăn tình trạng học sinh bỏ học.  TRONG ẢNH: Bữa cơm trưa của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Sau khi bị cắt chế độ chính sách theo Nghị định 116, huyện Tây Giang đã chủ động cấp kinh phí để ngăn tình trạng học sinh bỏ học. TRONG ẢNH: Bữa cơm trưa của học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Nguy cơ học sinh bỏ học

Là một trong những điểm trường hoạt động theo mô hình bán trú, nhiều năm qua, từ nguồn chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã A Tiêng) luôn đảm bảo việc chăm lo cho hàng trăm con em đồng bào Cơ Tu tại địa phương. Tuy nhiên, bước vào năm học 2017 - 2018, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2016 - 2020, nhiều học sinh bán trú tại trường thuộc diện bị cắt chế độ hỗ trợ do các em không còn nằm trong khu vực đặc biệt khó khăn.

Thầy giáo Hồ Minh Quốc - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi cho hay, sau khi học sinh bị cắt chế độ chính sách, để duy trì việc học tập, UBND huyện Tây Giang đã kịp thời hỗ trợ nguồn ngân sách địa phương giúp giải quyết khó khăn. Đồng thời huy động sự giúp sức từ chính quyền các xã, các mạnh thường quân nhằm không để xảy ra tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Năm học 2018 - 2019, toàn trường có 266 học sinh ở các khối lớp 6 đến lớp 9, đa số em có hộ khẩu tại xã A Nông, Lăng và A Tiêng. Đây là những địa phương không nằm trong diện khu vực đặc biệt khó khăn theo Nghị định 116 và quy định tại Quyết định 582 của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, áp theo các quy định trên, năm học 2018 - 2019 này, toàn trường chỉ có 6 em được hỗ trợ chính sách theo quy định và 165 học sinh thuộc diện bị cắt chế độ, bởi địa phương nơi các em sinh sống đã ra khỏi khu vực đặc biệt khó khăn. Hiện mọi chi phí ăn uống, học tập của 165 học sinh trên đều dựa vào nguồn hỗ trợ của địa phương. "Nếu huyện không còn đủ nguồn lực để hỗ trợ, nguy cơ học sinh bỏ học là rất cao, bởi khoảng cách từ nhà các em đến trường rất xa và các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn" - thầy Quốc nhận định.

Cũng như Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi, năm học này Trường THPT Tây Giang cũng có hàng chục em bị cắt chế độ hỗ trợ diện khu vực đặc biệt khó khăn, chủ yếu ở 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới A Nông và Lăng. Trước tình trạng này, nhà trường cùng với học sinh đã linh hoạt san sẻ cùng nhau, giúp học sinh bị cắt chính sách hỗ trợ an tâm học tập.

Giải pháp tạm thời

Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, năm học 2017 - 2018, toàn huyện có 371 học sinh tại một số điểm trường bị cắt chế độ hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ. Để động viên các em yên tâm học tập, ngăn tình trạng bỏ học, chính quyền địa phương đã trích nguồn ngân sách cấp hỗ trợ kinh phí mua thực phẩm với mức 360 nghìn đồng/em/tháng; đồng thời chỉ đạo các xã có học sinh  trên vận động hỗ trợ thêm gạo, giúp đảm bảo việc ăn, ở bán trú cho các em. "Riêng năm học 2018 - 2019, qua rà soát có 332 em không nằm diện hỗ trợ theo Nghị định 116 của Chính phủ. UBND huyện cũng đang phê duyệt ngân sách để có cơ sở quyết định cấp kinh phí 360 nghìn đồng/em/tháng và tiếp tục vận động các xã, cùng các tổ chức xã hội chung tay hỗ trợ thêm gạo, dụng cụ học tập giúp các em yên tâm" - ông Blúi cho biết thêm.

Theo ông Blúi, những nỗ lực của chính quyền địa phương chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài rất cần sự quan tâm kịp thời của trung ương, tỉnh trong việc sớm có quy định chính sách hỗ trợ lương thực, thực phẩm, học phẩm, thuốc y tế… cho học sinh DTTS đang theo học mô hình bán trú ở các bậc tiểu học, THCS và THPT. "Chủ trương của huyện là bằng mọi giá không để các em bỏ học. Mặc dù vậy, hiện nay địa phương cũng rất khó để duy trì việc hỗ trợ kinh phí cho các em ăn ở bán trú, do liên quan đến cơ chế về thực hiện chế độ chính sách cho học sinh. Bởi theo quy định, cấp huyện không thể ban hành một cơ chế riêng như trước đây, hơn nữa khó khăn chung của miền núi nên việc duy trì hỗ trợ sẽ không đảm bảo. Vì thế, thiết nghĩ mặc dù một số thôn, xã đã thoát khỏi khu vực đặc biệt khó khăn, nhưng trung ương và tỉnh cũng cần có cơ chế hỗ trợ đồng bào DTTS để các em tiếp tục được hưởng lợi, đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục, cũng như ngăn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng" - ông Blúi nói.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học sinh bị cắt chế độ chính sách hỗ trợ: Khó cho địa phương miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO