Học sinh châu Á đứng đầu bảng xếp hạng của OECD

NAM VIỆT 06/12/2013 09:23

Theo kết quả đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vừa được công bố, năng lực khoa học của học sinh châu Á đứng đầu bảng xếp hạng, trong đó có học sinh Việt Nam.

Kết quả kiểm tra PISA tác động đến chính sách giáo dục phổ thông của nhiều nước.
Kết quả kiểm tra PISA tác động đến chính sách giáo dục phổ thông của nhiều nước.

Báo cáo công bố 3 năm một lần kể từ năm 2000, PISA là chương trình đánh giá học sinh (trong độ tuổi 15 - 16) tại 65 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ trên thế giới do OECD khởi xướng và chỉ đạo. Chương trình nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá hiệu quả và chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia, qua đó rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông. Theo OECD, khoảng 510 nghìn học sinh đã tham gia đánh giá lần này. Kết quả, học sinh châu Á đạt điểm cao nhất trong 3 lĩnh vực Toán, Khoa học và môn Đọc, vượt hẳn học sinh phương Tây đồng trang lứa. Chỉ riêng môn Toán, học sinh ở TP.Thượng Hải, Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Macao, và Nhật Bản chiếm 7 hạng đầu. Còn Việt Nam đứng vào hàng thứ 8 trong 10 nước có điểm số cao nhất thế giới. Hãng tin BBC của Anh dẫn lời ông Andreas Schleicher, người phụ trách các kỳ thi PISA của OECD đánh giá kết quả kiểm tra của học sinh Việt Nam vào hạng “sao”, là một trong 10 nước có khả năng khoa học tốt nhất thế giới.

Từ tháng 3.2010, Việt Nam chính thức tổ chức các hoạt động triển khai PISA. Sau hơn một năm chuẩn bị, tháng 5.2011, Việt Nam đã tiến hành khảo sát thử nghiệm PISA tại 40 cơ sở giáo dục thuộc 9 tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định.

Tại các nước phương Tây, theo đánh giá của OECD, hệ thống giáo dục Pháp vẫn còn nhiều cách biệt khi khoảng cách giữa học sinh giỏi với học sinh yếu kém quá lớn. Pháp đứng hạng thứ 25 trên tổng số 65 quốc gia tham dự điều tra PISA. Trong khi đó, học sinh Anh tiếp tục đứng sau bảng xếp hạng mặc dù số tiền đầu tư cho giáo dục của Anh cao hàng đầu trong số các nước OECD. Bộ trưởng Giáo dục Anh Michael Gove thừa nhận, đây là kết quả đáng thất vọng nhưng đó cũng chính là lý do để Anh thực hiện một loạt cải cách trong ngành giáo dục, bao gồm việc đưa thêm nội dung học vào hai môn Toán và Văn, tăng độ khó của các bài thi cuối năm, tăng quyền tự chủ cho các trường, mở thêm các trường miễn phí cũng như có chính sách hỗ trợ tài chính cho học sinh nghèo. Ông Gove bày tỏ tin tưởng rằng những cải cách này sẽ góp phần cải thiện thứ hạng cho học sinh Anh trong các bảng xếp hạng quốc tế trong tương lai.

Tổng thư ký của OECD, Angel Gurria nhận định: “Đây là lúc cấp bách hơn bao giờ hết, những người trẻ tuổi cần tìm hiểu những kỹ năng cần thiết để thành công. Trong nền kinh tế toàn cầu, khả năng cạnh tranh và triển vọng nghề nghiệp trong tương lai sẽ phụ thuộc vào những gì mọi người có thể làm với những gì họ biết. Giới trẻ là tương lai, do đó, mỗi quốc gia phải làm tất cả mọi thứ có thể để cải thiện hệ thống giáo dục và triển vọng của các thế hệ tương lai”.

Kiểm tra PISA là nghiên cứu lớn nhất về trình độ học sinh toàn cầu, đã trở thành xếp hạng có ảnh hưởng nhất về giáo dục quốc tế, và được ví như giải World Cup của giáo dục.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học sinh châu Á đứng đầu bảng xếp hạng của OECD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO