Học sinh chế tạo máy gieo hạt kết hợp

THANH THẮNG - ĐÔNG DƯƠNG 11/04/2017 08:29

Nhờ đam mê chế tạo khoa học mà em Nguyễn Quốc Toản (17 tuổi, học sinh Trường THPT Bắc Trà My, Bắc Trà My) đã nghiên cứu và chế tạo thành công máy gieo hạt kết hợp.

Em Toản kể, vào đầu năm học 2016 - 2017, khi nghe nhà trường thông báo về cuộc thi sáng tạo khoa học cấp trường, em đã lên ý tưởng sản xuất ngay một chiếc máy gieo hạt tích hợp chức năng rạch hàng, bón phân, lấp hàng. “Lúc trước mỗi mùa trồng bắp ba mẹ em rất cực nhọc khi phải khom lưng gieo từng hạt, tốn rất nhiều công. Rồi còn phải tốn công làm đất, đánh hàng, lấp hàng nên em luôn mong muốn tạo ra sản phẩm hữu ích giúp ba mẹ đỡ vất vả hơn” - Toản tâm sự. Trải qua gần 2 tháng mày mò cuối cùng sản phẩm của em cơ bản đã được hoàn thành và vận hành được, tuy nhiên còn mắc các lỗi thiết thực như làm rãnh nhỏ, tỉa thưa hạt và lượng phân bón không đủ. “Nhờ sự chỉ dẫn của thầy cô giáo nên em đã sửa lại các chi tiết cho phù hợp hơn” - Toản nói.

Em Nguyễn Quốc Toàn bên chiếc máy gieo hạt kết hợp.  Ảnh: THẮNG DƯƠNG
Em Nguyễn Quốc Toàn bên chiếc máy gieo hạt kết hợp. Ảnh: THẮNG DƯƠNG

Nói về chiếc máy tỉa hạt này, em Toản cho biết, chiếc máy gieo hạt tích hợp chức năng rạch hàng, bón phân, lấp hàng được thiết kế dựa vào động cơ chủ yếu của xe máy honda cũ. Sau khi tháo bỏ đi hai bánh xe của xe máy honda, Toản tiến hành chế tạo từ chiếc xe hai bánh thành xe ba bánh và có thể chạy được dưới ruộng nước. Từ phần đuôi xe máy về sau, Toản lắp ráp 3 bộ phận thực hiện 4 quá trình theo thứ tự rạch hàng, bón phân, tỉa hạt và lấp hàng. Bộ phận rạch hàng được thiết kế bằng 1 thanh sắt ngang nối với 3 thanh sắt dọc có gắn miếng sắt hình chữ nhật thiết kế nửa trụ, bề nhọn hướng về trước để xẻ hàng đặt ở sườn sau của xe. Sau đó đến bộ phận nhả hạt và phân được thiết kế song song gồm một khay ngăn hai, một bên chứa phân và một bên chứa hạt, ở dưới có một thanh rỗng có ống trụ tròn ở trong được khoan 2 lỗ. Khi xe máy chạy, dây xích quay, khiến cho ống trụ tròn quay theo, nhả hạt và phân xuống ống phễu, sau đó hạt và phân cùng lúc theo ống trụ tròn nối với phễu rơi xuống đất và được bộ phận lấp hàng phía sau lấp lại. Nhờ khả năng nhả chính xác vào các ống bỏ hạt nên tỷ lệ hạt nhả rất đều. Tất cả bộ phận trên máy có thể dễ dàng tháo lắp, thay đổi kích cỡ và công suất để phù hợp với các loại hạt khác nhau. Chi phí để làm một chiếc máy gieo hạt kết hợp bón phân, rạch hàng từ 4 đến 5 triệu đồng.

Nói về triển vọng của chiếc máy gieo hạt kết hợp này, Toản hy vọng trước mắt có thể áp dụng chiếc máy gieo hạt kết hợp để phục vụ cho hộ gia đình ở quy mô nhỏ lẻ, nếu hiệu quả sẽ áp dụng trên những cánh đồng lớn trên địa bàn. Thầy Nguyễn Thanh Tú - Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Trà My cho biết, Toản là một học sinh ngoan, có tinh thần học hỏi và đặc biệt là người ham chế tạo khoa học. “Trong những năm trước em Toản có tham gia làm các sản phẩm khoa học khác nhưng không vận dụng vào thực tế nên nhà trường không đề xuất ý tưởng của em. Thời gian vừa qua em đã sáng chế ra một chiếc máy gieo hạt kết hợp với rạch hàng bón phân và được giải nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2016 - 2017” - thầy Tú nói.

THANH THẮNG - ĐÔNG DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học sinh chế tạo máy gieo hạt kết hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO