Học sinh đuối nước: Nỗi lo chưa dứt!

Thực hiện chuyên đề: VĂN HÀO - MINH HẢI - MỸ LINH - XUÂN THỌ - BÍCH LIÊN 29/04/2017 11:46

(QNO) - Tai nạn đuối nước trong học sinh - nỗi lo chưa bao giờ cũ. Mặc dù có rất nhiều chương trình, hoạt động được triển khai nhằm phòng tránh, giảm thiểu tai nạn này, nhưng cứ mỗi độ hè, nỗi lo ấy lại dấy lên trong phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội.

HỌC SINH CHẾT ĐUỐI TĂNG CAO

Trên địa bàn tỉnh, tai nạn đuối nước trong độ tuổi học đường gần đây trở nên đáng báo động khi chỉ trong thời gian ngắn đã xảy ra nhiều vụ, nạn nhân tử vong tăng cao.

Nỗi đau dai dẳng

Vụ việc gần nhất xảy ra vào chiều 22.4 vừa qua. Học sinh Phạm Đình Trải (lớp 5, trú khối phố 5, phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) cùng 2 bạn học đến tắm tại hồ bơi thuộc Trung tâm Phức hợp thể thao Quang Nguyễn (số 108 Lý Thường Kiệt, TP.Tam Kỳ) thì không may bị đuối nước. Trải tử vong tại bệnh viện. Trước đó 2 ngày, 2 nữ sinh của một trường THPT trên địa bàn huyện Đại Lộc cũng tử vong vì đuối nước khi đi chơi tại một khu du lịch sinh thái.

Một điểm tắm suối tại huyện Nam Giang. Ảnh: HẢI HOÀNG
Một điểm tắm suối tại huyện Nam Giang. Ảnh: HẢI HOÀNG

Trong vòng chưa đầy 5 tháng (tháng 12.2016 đến 4.2017), chỉ riêng tại huyện Đại Lộc đã xảy ra 3 vụ đuối nước thương tâm, cướp đi tính mạng của 7 học sinh THCS và THPT.

Chúng tôi đến nhà chị Huỳnh Thị Mai (khu 4, thị trấn Ái Nghĩa) và chứng kiến nỗi đau chưa thể nguôi ngoai khi người mẹ này vĩnh viễn mất đứa con đầu lòng là Lê Viết Cường (SN 2002). Cường cùng 2 người bạn khác ở địa phương tử vong khi tắm biển tại TP.Đà Nẵng vào cuối tháng 3.2017. Nước mắt tuôn trào, chị Mai tự trách: “Phải chi lúc đó tôi nghiêm khắc với con hơn, phải chi chúng nó không nói với tôi là có cô giáo cùng đi thì tôi đã không cho đi rồi. Cả đời làm lụng vất vả cũng chỉ để lo cho con cái ăn học, vậy mà…”.

Chị Mai còn dằn vặt, bởi trong lúc bạn bè của Cường nhiều em được đi học bơi thì Cường chưa tham gia khóa học nào. Cường không biết bơi, song khi thấy bạn bè chới với ngoài dòng nước xoáy, theo quán tính, em lao ra để cứu bạn và tử vong do sặc nước. Cách đó chừng mấy trăm mét, cùng cảnh ngộ với gia đình chị Mai, anh Nguyễn Văn Sáu cũng thất thần, đau đớn, trách bọn trẻ “ăn chưa no lo chưa tới” quá khờ dại. Con trai anh Sáu là em Nguyễn Văn Hưng (SN 2002) cũng tử vong cùng lúc với Cường.

Không chủ quan!

Trường Tiểu học Thái Phiên (xã Tam Đại, Phú Ninh) nằm ngay bên đường kênh chính Phú Ninh. Đây là đoạn đầu nguồn nên lòng kênh rộng và nước trong xanh. Vì thế, mùa hè cũng là thời điểm các em xuống kênh tắm mát, tập bơi. Ngoài ra, hồ Phú Ninh cũng là nơi học sinh thường xuyên tắm lội. Thầy Nguyễn Văn Tăng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thái Phiên cho biết, các em sinh ra, lớn lên tại đây nên từ nhỏ đã được tiếp xúc với nước và biết bơi từ khá sớm. Vì thế đến nay, mặc dù nằm trường sát cạnh con kênh nhưng chưa xảy ra một trường hợp đuối nước nào. Tuy vậy, nhà trường vẫn không chủ quan.

Học sinh tắm ở kênh Phú Ninh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Học sinh tắm ở kênh Phú Ninh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Phú Ninh hiện có 36 trường từ bậc mầm non đến THPT, tuy nhiên trên địa bàn vẫn chưa có một hồ bơi nhân tạo hay địa điểm để dạy bơi cho học sinh. Người dân địa phương cho hay, mùa này, khoảng 16 giờ, tại hồ Phú Ninh hoặc dọc theo con kênh có rất nhiều học sinh độ tuổi cấp 1, 2 tụ tập học bơi và khá nhiều em không hề có áo phao. Luôn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.

Tại huyện Núi Thành, với địa bàn phức tạp, 17 xã, thị trấn đều có sông, suối, biển... nhưng lại không có một hồ bơi nào do nhà nước, tư nhân đầu tư. Nghỉ hè, học sinh tìm đến những địa điểm du lịch ở địa phương như hố Giang Thơm (xã Tam Mỹ Tây) hay biển Rạng... để tắm mát. Tại hố Giang Thơm, gần đây nhất là vào tháng 2.2015 có 2 thiếu niên chết đuối.

Ông Trần Công Hiệu - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Núi Thành cho biết, trước tình trạng trẻ em bị đuối nước tăng nhanh trong thời gian vừa qua và rất đáng báo động, ngành GD-ĐT huyện đã và đang đẩy mạnh việc tuyên truyền trong nhà trường. Hè này, phòng sẽ tổ chức dạy bơi cho thanh thiếu nhi, trong đó tập trung cho học sinh tiểu học và THCS. Dự kiến hồ bơi đặt tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản.

PHỔ CẬP BƠI: NƠI THUẬN LỢI, NƠI KHÓ KHĂN

Từ sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, nhiều trường học được trang bị các điều kiện phục vụ phổ cập bơi lội. Tuy nhiên, không ít địa phương lại đang gặp khó trong việc tiếp cận các nguồn tài trợ này.

1. Là vùng rốn lũ, nhưng vài năm trở lại đây, tình trạng trẻ đuổi nước ở Hội An hầu như không có. Ông Nguyễn Văn Dung - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Hội An cho biết, hiện địa phương có 2 hồ bơi đặt tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh và Trường THCS Nguyễn Du. Hai hồ bơi này là kết quả từ nhiều quy chế phối hợp giữa Hội An với các tổ chức trong và ngoài nước. Đặc biệt là tổ chức Swim Việt Nam đã tài trợ trong việc xây dựng hồ bơi và giáo viên hướng dẫn kỹ năng bơi lội.

Huấn luyện viên nước ngoài daạy cách các em ứng phó với các trường hợp  xấu.
Huấn luyện viên nước ngoài dạy học sinh Hội An ứng phó với các tình huống xấu xảy ra khi bơi. Ảnh: MINH HẢI

“Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm có 2.000 lượt học sinh được học bơi, bao gồm các khóa học bơi trong kỳ nghỉ hè. Riêng đối với học sinh bán trú ở các trường không có hồ bơi, sẽ có xe đưa đón các em đến hồ bơi theo thời khóa biểu. Điều này cũng góp phần giúp phụ huynh yên tâm hơn khi để con em đi học bơi” - ông Dung nói.

Có mặt tại hồ bơi ở Trường THCS Nguyễn Du vào sáng 26.4, chúng tôi ghi nhận không khí hào hứng của học sinh các trường khi học bơi tại đây. Em Uyên Phương (lớp 4, Trường Tiểu học Sơn Phong) chia sẻ: “Em rất thích bơi lội, vì giúp em rèn luyện sức khỏe. Sau một thời gian tập, em đã biết bơi cơ bản”.

Ông Phan Liêm - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho biết, hồ bơi tại trường có chức năng dạy bơi cho học sinh 9 trường THCS xung quanh. Đồng thời mở rộng cho một số học sinh tiểu học ở các trường lân cận, thậm chí là một số trường ở các xã Duy Nghĩa, Duy Hải (huyện Duy Xuyên).

Chị Lương Thị Kim Liên - phụ huynh một học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học Cẩm Kim nói: “Nhiều năm nay ngành GD-ĐT TP.Hội An có chủ trương đưa môn bơi vào trường học, không chỉ dạy học sinh biết bơi mà còn biết cách ứng phó với các tình huống xấu xảy ra khi bơi nên chúng tôi rất yên tâm”.

2. Từ sự hỗ trợ của tổ chức Swim Việt Nam, một hồ bơi di động trị giá 1,5 tỷ đồng được đầu tư cho Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) được 3 năm nay. Qua đó giúp trường thuận tiện trong việc rèn luyện, đào tạo kỹ năng cho học sinh nhà trường và những trường học lân cận. Đến thời điểm này, đã có 4.000 trẻ được trang bị kỹ năng bơi lội tại trường.

Học sinh học bơi tại Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Học sinh học bơi tại Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Thầy giáo Đỗ Xuân Thưởng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu chia sẻ, để đưa được hồ bơi về với trường không phải điều dễ dàng. Hiện nay, trong suốt quá trình dạy bơi, tổ chức Swim Việt Nam có sự giám sát chặt chẽ về việc phát huy hiệu quả từ mô hình.

Ông Lương Đức Hiền - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đại Lộc chia sẻ, để giảm thiểu tai nạn đuối nước trong học đường, chủ trương của ngành là tạo điều kiện cho mọi trẻ đều biết bơi lội, tự bảo vệ mình tránh tai nạn đuối nước. Tuy nhiên, huyện chỉ có hồ bơi tại Trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu phát huy hiệu quả so với 2 hồ bơi còn lại tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Bảy (xã Đại Minh) và Trường Tiểu học Hứa Tạo (thị trấn Ái Nghĩa). “Ba hồ bơi vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu dạy và học bơi của học sinh trên địa bàn huyện. Trong khi đó ở cấp THCS nhu cầu rất cấp thiết nhưng chưa có trường nào được trang bị hồ bơi” - ông Hiền nói.

3. Ông Hồ Đắc Thiện - Trưởng phòng GD-ĐT Phú Ninh cho biết, từ chủ trương của Sở GD-ĐT và huyện Phú Ninh về phòng chống đuối nước cho học sinh, ngành GD-ĐT huyện đã triển khai công tác học tập bơi lội đến các trường. Tuy nhiên trên thực tế thì hiệu quả chưa có, do còn nhiều bất cập.

Theo ông Thiện, việc thiếu hồ bơi nhân tạo, thiếu môi trường lành mạnh khiến học sinh không được tiếp cận với môn bơi lội một cách khoa học. Các trường đã nhiều lần phản ánh tình trạng này, vì nếu cứ tập bơi tự phát tại kênh mương rất nguy hiểm, nếu có sự cố xảy ra thì trách nhiệm thuộc về ai?

Ông Thiện cho biết thêm, việc trẻ tự tập bơi rất nguy hiểm, trong khi nhà trường chỉ dạy lý thuyết. Do vậy, rất cần một môi trường, một hồ bơi để hướng dẫn các em tập bơi an toàn, đúng kỹ thuật. Phòng GD-ĐT đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng các hồ bơi nhân tạo trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả việc phòng chống đuối nước.

4. Thời gian qua, TP.Tam Kỳ tích cực kêu gọi sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, như tổ chức AOG (Úc) đã tài trợ một hồ bơi đặt tại Trường THCS Nguyễn Khuyến (phường An Phú); tổ chức Swim Việt Nam tài trợ việc giảng dạy miễn phí cho học sinh ở các trường tiểu học, THCS vùng đông. Mới đây nhất, huyện Thanh Trì (Hà Nội) - đơn vị kết nghĩa với TP.Tam Kỳ đã thống nhất chủ trương đầu tư một một nhà đa năng quy mô lớn, trong đó có hồ bơi tại Trường THCS Lê Hồng Phong (phường An Mỹ). Ngoài ra Bộ GD-ĐT cũng đang tính việc đầu tư tại Tam Kỳ một số hạng mục phục vụ việc giảng dạy môn bơi lội.

"Từ năm học 2012 - 2013, ngành GD-ĐT thành phố đã đặt vấn đề phòng chống đuối nước cho học sinh từ việc dạy, học bơi. Từ đó đến nay, các trường học đã phối hợp với phụ huynh và các lực lượng xã hội khác tập trung công tác này, bước đầu đã có hiệu quả. Chúng tôi vừa phối hợp với tổ chức Swim Việt Nam tập huấn kiến thức, kỹ năng an toàn dưới nước cho các giáo viên thể dục, giáo viên tổng phụ trách đội của 24 trường tiểu học và THCS để phổ biến đến học sinh. Quá trình triển khai dạy, học bơi tương đối thuận lợi, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn nhất định như một bộ phận phụ huynh không đặt nặng vấn đề cho trẻ học bơi. Đặc biệt do áp lực đời sống nên việc quản lý, giáo dục con cái chưa quan tâm đúng mức” - ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ cho biết.

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG HỒ BƠI: VÀO CUỘC TỪ NHIỀU PHÍA

Để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra ngay tại hồ bơi thì cần siết chặt công tác quản lý, giám sát hoạt động của hồ bơi.

Đảm bảo an toàn khi bơi

Không phải qua vụ đuối nước của một học sinh lớp 5 tại hồ bơi thuộc Trung tâm Phức hợp thể thao Quang Nguyễn (số 108 Lý Thường Kiệt, TP.Tam Kỳ), dư luận mới đặt câu hỏi về độ an toàn tại các cơ sở kinh doanh hoạt động bơi lội, mà trước đó tại TP.Tam Kỳ đã từng xảy ra trường hợp tương tự.

Cụ thể tháng 9.2015, tại hồ bơi của hộ gia đình ở xã Tam Ngọc, một học sinh 12 tuổi (cùng xã) tử vong do bị sặc nước. Thực tế thời gian qua, trên cả nước đã có nhiều trường hợp học sinh tử vong như trên. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người đến học bơi và người đã biết bơi đến tắm là điều kiện tiên quyết trong hoạt động kinh doanh bơi lội.

Hồ bơi gia đinh ồn
Hồ bơi của hộ ông Đoàn Quang Trung (khối phố 8, phường An Sơn, TP.Tam Kỳ). Ảnh: VĂN HÀO

Ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ nhìn nhận, bên cạnh những việc làm được trong công tác dạy học bơi trên địa bàn thành phố, thì tai nạn đuối nước luôn là hiểm họa khôn lường nên ngành GD-ĐT thành phố thường xuyên kêu gọi sự vào cuộc từ nhiều phía. “Tôi muốn kêu gọi toàn xã hội, đặc biệt các bậc cha mẹ tăng cường việc quản lý con mình nhiều hơn nữa, với phương châm “Nếu không có người lớn đi cùng thì đừng để con mình xuống nước, dù có biết bơi đi chăng nữa”. Những rủi ro khi bơi có thể xảy đến bất cứ lúc nào, nếu người lớn chậm hỗ trợ, xử lý thì rất dễ dẫn đến tai nạn thương tâm” - ông Sơn nói.

Chiều 26.4, tại hồ bơi của gia đình ông Đoàn Quang Trung (khối phố 8, phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) có vài học sinh đến tắm, chưa đông đúc như dịp nghỉ hè. Vợ chồng ông Trung lúc nào cũng túc trực bên hồ bơi để giám sát, kịp thời xử lý tình huống nếu trẻ xảy ra sơ suất khi bơi. Ông Trung nói: “Trẻ đến đây tắm tôi đều quen mặt và đã biết bơi, đứa nhỏ nhất học lớp 3. Biết vậy nhưng không chủ quan, phải theo dõi bọn trẻ khi bơi để đề phòng các tình huống xấu”. Ông Trung cho biết thêm, hồ bơi của gia đình có mực nước 1,2m, hoạt động được 4 năm nay, dịp hè có thể thu được 500 nghìn đồng/ngày từ kinh doanh hoạt động này.

Phường An Sơn là địa phương hiện có số lượng hộ gia đình kinh doanh hoạt động bơi lội nhiều nhất TP.Tam Kỳ, với 4 cơ sở tại khối phối 8. Ông Đoàn Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND phường cho biết, do vùng này thiếu đất sản xuất nên người dân chuyển đổi ngành nghề, đầu tư bể bơi để kiếm thu nhập. “Tuần qua, chúng tôi phối hợp với Phòng VH-TT thành phố đi kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của tất cả hồ bơi trên địa bàn phường. Qua đó nhắc nhở các hộ nghiêm túc thực hiện theo đúng cam kết, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người đến bơi, tắm. Đến nay địa phương chưa từng xảy ra sự cố nào trong hoạt động bơi lội” - ông Ngọc nói.

Tăng cường giám sát

Việc các doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư xây dựng bể bơi đã góp phần đáng kể vào công tác phổ cập bơi lội cho học sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn khi trẻ đến học bơi, luyện tập bơi thì bắt buộc các chủ kinh doanh hoạt động bơi lội phải tuân thủ theo Thông tư số 02/2011 và Thông tư số 14/2014 của Bộ VH-TT&DL về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn.

Chưa quan tâm đúng mức công tác cứu hộ tại hồ bơi

Ông Trần Sô - Trưởng phòng Nghiệp vụ TD-TT Sở VH-TT&DL cho biết, qua quá trình thẩm định để cấp giấy phép cho doanh nghiệp kinh doanh hoạt động thể thao, trong đó có bơi lội thì các doanh nghiệp đều đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định. Tuy nhiên điều đáng lo ngại công tác cứu hộ tại một số hồ bơi còn chểnh mảng, chưa được quan tâm đúng mức. “Vụ việc đau lòng tại Trung tâm Phức hợp thể thao Quang Nguyễn vừa rồi là lời cảnh báo cho các cơ sở bơi lội, kể cả tại trường học, cơ quan nhà nước có hồ bơi. Nếu không chấn chỉnh việc bố trí người túc trực thường xuyên để giám sát thì chỉ cần chậm một tích tắc là có thể để lại hậu quả khôn lường” - ông Sô cảnh báo.

Tại Quảng Nam, theo thống kê của Sở VH-TT&DL, hiện có 32 công trình hồ bơi (26 hồ bơi cố định và 6 hồ bơi di động). Theo quy định, doanh nghiệp muốn kinh doanh hoạt động này thì phải được cấp giấy phép hoạt động. Được sự ủy quyền của UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL đã cấp phép cho tất cả 7 doanh nghiệp hiện đang kinh doanh hoạt động này. Còn đối với các hộ gia đình, phải thông qua chính quyền cấp xã và được phòng VH-TT cấp huyện hướng dẫn để cam kết thực hiện theo các thông tư trên của Bộ VH-TT&DL.

Ông Trần Sô - Trưởng phòng Nghiệp vụ TD-TT Sở VH-TT&DL cho biết, cần siết chặt hơn nữa trong việc cấp giấy chứng nhận những người đủ điều kiện tham gia công tác huấn luyện, giảng dạy bơi lội. Ông Sô dẫn chứng tại lớp tập huấn nghiệp vụ bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em vừa diễn ra tại Trường Đại học Quảng Nam do Tổng cục TD-TT phối hợp với Bộ GD-ĐT và Sở VH-TT&DL Quảng Nam tổ chức, trong 100 học viên là cán bộ ngành VH-TT&DL, giáo viên, cán bộ làm công tác đoàn, đội ở 13 tỉnh, thành phố miền Trung thì có 2 người… không biết bơi. “Dạy bơi mà bản thân lại không biết bơi thì biết dạy cho ai” - ông Sô đặt câu hỏi.

Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cái khó trong việc quản lý hoạt động hồ bơi là việc thanh kiểm tra, giám sát phải diễn ra thường xuyên. “Cấp sở không không thể ngày nào cũng đến từng địa bàn kiểm tra được, mà quan trọng nằm ở chính quyền, phòng ban cấp huyện và xã để sâu sát cơ sở” - ông Cường nói.

Thực hiện chuyên đề: VĂN HÀO - MINH HẢI - MỸ LINH - XUÂN THỌ - BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học sinh đuối nước: Nỗi lo chưa dứt!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO