Giáo dục - Việc làm

Học sinh Quảng Nam bao giờ được phổ cập bơi?

XUÂN PHÚ 16/05/2024 08:28

Đề án phổ cập bơi, phòng tránh đuối nước cho học sinh tiểu học, THCS được xây dựng từ năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được sự thống nhất của các ban, ngành chức năng mỗi khi đưa ra bàn thảo. Nguồn vốn đầu tư, mô hình quản lý, vận hành… là vấn đề còn nhiều ý kiến băn khoăn.

image_50453505.jpg
Dạy bơi tại Nhà thiếu nhi Tam Kỳ. Ảnh: X.P

Chưa đến 15% trường học có bể bơi

Là tỉnh có bờ biển dài, hệ thống sông hồ chằng chịt và hàng năm thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, thế nhưng, ngoài Điện Bàn, Núi Thành, Đại Lộc, Duy Xuyên, Bắc Trà My, các địa phương còn lại đều rất ít quan tâm đến công tác phổ cập bơi, phòng tránh đuối nước cho trẻ.

Điều này thể hiện qua con số toàn tỉnh chỉ có 65 bể bơi trong trường tiểu học, THCS, tập trung nhiều nhất ở Điện Bàn (12), Núi Thành (9), Đại Lộc (8), Duy Xuyên (6), Bắc Trà My (6).

Với tổng cộng 445 trường tiểu học, THCS toàn tỉnh, số trường học có bể bơi chiếm chưa đến 13% là tỷ lệ quá thấp. Trong khi đó, hệ thống bể bơi ngoài nhà trường cũng khá khiêm tốn với 53 bể, chủ yếu do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xây dựng nhằm phục vụ vui chơi giải trí, hoạt động kinh doanh, phần lớn nằm ở các thành phố, thị xã, thị trấn.

Theo Sở GD-ĐT, điều kiện hạn chế về cơ sở vật chất nên việc tổ chức dạy bơi trong học sinh (HS) chỉ dừng lại ở những trường có bể bơi hoặc nơi có điều kiện. Đa số các em được tập huấn kỹ năng phòng tránh đuối nước về lý thuyết, còn việc thực hành chỉ thực hiện ở một số trường có bố trí tiết dạy bơi.

Cụ thể, cả tỉnh hiện có 65 trường tổ chức dạy bơi và tập huấn kỹ năng phòng tránh đuối nước; trong đó 21 trường tiểu học, 44 trường THCS.

Tại Tam Kỳ và một số ít địa phương có chủ trương phổ cập bơi cho HS vào dịp hè, thu hút đáng kể số lượng HS theo học. Nhờ đó, số lượng HS tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh biết bơi hiện nay là gần 67 nghìn em.

Tuy nhiên, tỷ lệ HS biết bơi mới chỉ đạt 28%, còn khá xa so với chỉ tiêu đến năm 2025 tổ chức dạy bơi, phổ cập bơi cho trên 40% HS và đến năm 2030 là 60%.

Trong những năm qua, ngành GD-ĐT có nhiều nỗ lực trong công tác phổ cập bơi như phối hợp với Viện Khoa học an toàn Việt Nam tổ chức tập huấn giáo dục phòng tránh đuối nước cho HS với sự tham gia của nhiều cán bộ, giáo viên; đưa môn bơi vào chương trình thi đấu Hội khỏe Phù Đổng.

Bơi cũng là môn tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, được ngành tuyên truyền, vận động để phụ huynh cho con em học bơi. Dù vậy, một kế hoạch đầu tư dài hơi, toàn diện, có tầm nhìn chiến lược, quy mô cả tỉnh vẫn chưa được ban hành.

Có thể thấy, công tác đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức phổ cập bơi hiện vẫn được thực hiện theo kiểu tự phát, “mạnh ai nấy làm”, tùy theo sự quan tâm và điều kiện của từng địa phương. Nhiều trường học có bể bơi nhưng lại thiếu trang thiết bị, dụng cụ để tổ chức dạy bơi; thiếu kinh phí để vận hành, bảo trì.

Loay hoay

Thật ra Quảng Nam có sự quan tâm từ sớm đến công tác phổ cập bơi, phòng tránh đuối nước cho trẻ em, thể hiện qua nhiều nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và chỉ đạo của UBND tỉnh.

dsc_0027.jpg
Một lớp tập huấn bơi cho cán bộ, giáo viên do Sở GD-ĐT tổ chức. Ảnh: X.P

Từ năm 2016, đề án phổ cập bơi, phòng tránh đuối nước cho trẻ em đã được giao trách nhiệm cho Sở VH-TT&DL soạn thảo. Sau đó, Sở GD-ĐT được phân công tiếp tục soạn thảo, song đến nay đề án vẫn còn là… dự thảo.

Theo ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT, đề án đã được bàn thảo nhiều lần, kể cả lấy ý kiến các ngành theo quy định nhưng vì nhiều lý do, đến thời điểm này vẫn chưa được thống nhất trình HĐND tỉnh thông qua.

Theo dự thảo đề án, phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho HS tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2030 với mục tiêu đến năm 2030 có 33% các trường có bể bơi và 65% HS được phổ cập bơi.

Để thực hiện mục tiêu này, cả tỉnh đầu tư xây dựng 81 bể bơi (47 di động và 34 cố định) và mua sắm trang thiết bị với tổng kinh phí hơn 77 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn đầu tư công 62 tỷ đồng (giai đoạn 2026 - 2030), nguồn sự nghiệp chi thường xuyên cho tập huấn, mua sắm thiết bị vận hành 15 tỷ đồng.

Tại cuộc họp góp ý dự thảo đề án do UBND tỉnh tổ chức mới đây, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về nguồn kinh phí, định hướng đầu tư cơ sở vật chất, mô hình quản lý vận hành, bảo quản hồ bơi chưa cụ thể, rõ ràng.

Theo ông Đoàn Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, theo Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 60% trường học phổ cập bơi cho HS nên cần thiết phải đầu tư. Số tiền 62 tỷ đồng đầu tư công không lớn nhưng bố trí chỗ này sẽ hụt đầu tư chỗ khác.

Hơn nữa, hiện nay chưa có cơ sở để xác định đối với nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030, do đó sau khi Bộ KH&ĐT hướng dẫn việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn mới có cơ sở tham gia ý kiến về khả năng cân đối nguồn vốn.

Trong khi đó, dẫn chứng thực tế có một số bể bơi sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng nhưng do khó khăn về con người vận hành, duy tu, bảo dưỡng nên dừng hoạt động, gây lãng phí, ông Nguyễn Đình Tiên - Phó ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh bày tỏ băn khoăn về vấn đề quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả bể bơi nếu trong thời gian tới đầu tư xây dựng hàng loạt tại các trường.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học sinh Quảng Nam bao giờ được phổ cập bơi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO