Học sinh sáng chế máy đo thân nhiệt tự động (clip)

CHÂU NỮ 02/09/2020 16:00

(QNO) - Nhận thấy học sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia đợt 1 năm 2020 phải đo thân nhiệt bằng dụng cụ cầm tay vừa mất thời gian, vừa không an toàn cho người trực tiếp làm nhiệm vụ đo thân nhiệt, em Nguyễn Đặng Quốc Hưng (sắp bước vào lớp 12 chuyên Lý - Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) nảy sinh ý tưởng làm máy đo thân nhiệt tự động.

Nguyễn Đặng Quốc Hưng (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) trả lời phỏng vấn về máy máy đo thân nhiệt tự động do em sáng chế. Ảnh: C.N
Nguyễn Đặng Quốc Hưng (Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) trả lời phỏng vấn về máy máy đo thân nhiệt tự động do em sáng chế. Ảnh: C.N

Ý tưởng về giải pháp đo nhiệt độ có phân luồng từ học sinh giúp giảm ùn tắc (còn gọi là máy đo thân nhiệt tự động) của Hưng được lãnh đạo nhà trường, gia đình ủng hộ, tạo điều kiện tối đa và thầy giáo Nguyễn Xuân Tùng - Phó Bí thư Đoàn trường tham gia góp ý.

Ngay sau đó, cậu học trò chuyên Lý (quê Tam Lộc, Phú Ninh) Nguyễn Đặng Quốc Hưng bắt tay thực hiện để kịp phục vụ kỳ thi THPT quốc gia đợt 2 và năm học mới.

Sau một tuần viết chương trình và một ngày thiết kế, lắp ráp, 2 chiếc máy đo thân nhiệt hoàn toàn tự động với độ chính xác cao, thời gian đo nhanh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, góp phần vào công tác phòng chống dịch Covid-19.

Ưu điểm dễ nhận thấy nhất của máy đo thân nhiệt tự động này là không cần nhân viên điều khiển nên không có nguy cơ lây nhiễm cho người đo và máy đo được với tốc độ rất nhanh so với máy cầm tay. Trong điều kiện ổn định, bình quân máy chỉ mất khoảng 2 giây để đo và cho ra kết quả đối với một người. 

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đo thân nhiệt tại máy tự động do Hưng sáng chế. Ảnh: C.N
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đo thân nhiệt tại máy tự động do Hưng sáng chế. Ảnh: C.N

Máy đo thân nhiệt tự động của Hưng chỉ nặng khoảng 0,5kg, sử dụng cảm biến nhiệt độ ánh sáng và chip tốc độ cao để xử lý dữ liệu, thông tin. Khi đưa trán vào máy, cảm biến hồng ngoại sẽ xác định là có người đo và cảm biến nhiệt độ sẽ tiến hành đo, dữ liệu đưa về chip để xử lý và đưa ra màn hình. Khi nhiệt độ người đo quá cao, máy sẽ tự động phát tín hiệu báo động.

Sau thời gian thử nghiệm và đạt hiệu quả (chính xác so với máy đo thân nhiệt cầm tay, đôi khi sai số trong mức cho phép), hôm nay 2.9, máy chính thức đưa vào vận hành để phục vụ học sinh thi THPT quốc gia đợt 2.

Clip máy đo thân nhiệt tự động do Nguyễn Đặng Quốc Hưng chế tạo đặt tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thực hiện: Đ.ĐẠO - H.QUÂN

Đo thân nhiệt bằng máy tự động khi đến làm làm thủ tục dự thi vào chiều 2.9, em Trần Thị Bích Trâm (lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) cảm thấy sáng kiến rất hữu ích vì ít tốn thời gian và an tâm khi đo nhờ giảm thiểu khả năng lây nhiễm bệnh do không tiếp xúc với người đo, và rất tự hào vì đây là sáng kiến của học sinh trong trường.

Còn bà Lê Thị Hồng - cán bộ y tế phường Tân Thạnh (Tam Kỳ) phụ trách y tế tại điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, sáng kiến máy đo thân nhiệt tự động của Hưng thiết thực và tiện ích cho cán bộ y tế. Chẳng hạn ở những nơi đông người, thay vì cần nhiều cán bộ y tế hướng dẫn sát khuẩn, đo thân nhiệt thì với chiếc máy này chỉ cần 1 cán bộ y tế.

Hưng với chiếc máy đo thân nhiệt tự động. Ảnh: C.N
Hưng với chiếc máy đo thân nhiệt tự động. Ảnh: C.N

Tuy nhiên, Hưng có phần tiếc vì chưa đủ nhiều kiến thức để viết được thuật toán có khả năng loại trừ ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường đến chiếc máy đo nhiệt độ tự động này. "Công dụng của giải pháp này chính là để tăng mức độ lưu thông tránh ùn tắc do đo thân nhiệt. Hiện tại trường phân thành 2 luồng để đo nhiệt độ, mỗi luồng sẽ đo được độ cao chênh nhau 25cm bởi hệ thống 2 mắt trên dưới cùng 1 máy nên một luồng sẽ đo người có độ cao từ 1m4 đến 1m65 và luồng còn lại từ 1m6 đến 1m85. Thực ra máy có thể đặt ở một độ cao cố định nhưng người cao phải khom xuống để đo dẫn đến bất tiện. Tốc độ đo của máy là 2 giây/người - đã bao gồm thời gian đi qua và đứng lại để đo. Như vậy, trung bình tốc độ vận hành của 1 máy sẽ là 30 người/phút và mất khoảng 15 phút để đo xong cho hơn 800 học sinh của toàn trường" - Hưng cho biết.

Thí sinh rửa tay tại máy sát tự động do Hưng sáng chế. Ảnh: C.N
Thí sinh rửa tay tại máy sát khuẩn tự động do Hưng sáng chế. Ảnh: C.N

Trước đây, cùng với thầy Phó Bí thư Đoàn trường, Hưng từng sáng chế máy tập phản xạ trong môn cầu lông và đoạt giải Nhất tại cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh. Sau máy đo thân nhiệt tự động, Hưng ấp ủ ý định tiếp tục nghiên cứu sáng chế một số công trình, dự án có liên quan đến điện tử vì Hưng vốn đam mê lĩnh vực này.

Clip Hưng chia sẻ về cơ chế hoạt động của máy đo thân nhiệt tự động. Thực hiện: Đ.ĐẠO - H.QUÂN

Ngoài ra, đợt này Đoàn trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm trang bị 10 máy rửa tay sát khuẩn tự động để phục vụ học sinh. Toàn bộ số máy do Hưng sáng chế, lắp ráp.

“Máy đo thân nhiệt tự động là một sáng kiến hay, hữu ích, ứng dụng tốt trong đời sống, vừa tiết kiệm kinh phí, vừa phục vụ tốt yêu cầu đo thân nhiệt hằng ngày với số lượng lớn học sinh của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trước mắt, sáng chế này phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia đợt 2, sau đó là phục vụ cho suốt quá trình dạy và học trong tình hình dịch bệnh, góp phần phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả trong nhà trường”. (Thầy Phan Văn Chương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm)
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học sinh sáng chế máy đo thân nhiệt tự động (clip)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO