Học sinh THCS, THPT vi phạm an toàn giao thông: Đâu là nguyên nhân?

AN DÂN 10/03/2017 08:57

Giờ tan học, tình trạng học sinh không đội mủ bảo hiểm khi sử dụng xe đạp điện, xe máy điện, xe gắn máy phân khối lớn và không ít bậc phụ huynh đón con bằng xe máy không đội mủ bảo hiểm diễn ra khá phổ biến.

Đầu năm học, các trường học trên địa bàn tỉnh đã quy định, học sinh đến trường khi đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm, học sinh trong độ tuổi THCS không được đi xe máy điện, học sinh THPT không đi mô tô phân khối lớn. Bản cam kết “5 không” về an toàn giao thông có đầy đủ “chữ ký của 3 bên” là nhà trường - học sinh - phụ huynh, nếu học sinh nào vi phạm sẽ bị hạ hạnh kiểm. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều  học sinh không thực hiện đúng cam kết.  Ðể tránh bị phát hiện, những học sinh này gửi xe tại các địa điểm giữ xe gần trường, đến giờ tan trường các em đến lấy xe, mặc áo khoác để che đồng phục lại. Không chỉ đi một mình, các em còn chở đôi, chở ba và đều không đội mủ bảo hiểm. Rất nhiều học sinh vi phạm bị lập biên bản xử lý chủ yếu là điều khiển mô tô dung tích 50cm3 trở lên ở độ tuổi 16 đến dưới 18; không đội mũ bảo hiểm khi sử dụng xe máy điện. Thậm chí, các em còn đi theo tốp, dàn hàng ngang trên đường gây ách tắc giao thông…

Học sinh đi xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm trên đường. Ảnh: AN DÂN
Học sinh đi xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm trên đường. Ảnh: AN DÂN

Không chỉ vậy, nhiều phụ huynh khi đến đón con ở trường mẫu giáo, tiểu học…  không đội mũ bảo hiểm cho con cũng xảy ra khá phổ biến. Khi được hỏi, họ có 1.001 lý do để biện minh, dù rằng họ biết thừa biết khi chở trẻ em từ 6 tuổi trở lên phải đội mũ bảo hiểm theo quy định. Ðiều đó cho thấy, nhiều phụ huynh vẫn chưa ý thức được trách nhiệm của mình đối với con cái. Nhiều trường học khó kiểm soát học sinh vi phạm giao thông vì không ít phụ huynh quá dễ dãi với con em của mình. Việc học sinh vi phạm luật giao thông, lỗi phần lớn là do phụ huynh, bởi phương tiện mà các em đến trường là do phụ huynh mua sắm.

Theo Luật Giao thông đường bộ, người dưới 16 tuổi không được phép điều khiển xe máy điện, xe gắn máy. Nếu vi phạm, cảnh sát giao thông sẽ lập biên bản xử lý. Cụ thể, đối với những người dưới 16 tuổi, mức phạt là cảnh cáo và áp dụng hình thức phạt bổ sung tạm giữ phương tiện đến 10 ngày. Sau khi hết hạn tạm giữ phương tiện, khi tới nhận phương tiện, người dưới 16 tuổi phải có người giám hộ đi cùng, tới nơi xử lý vi phạm, viết cam kết không giao xe đạp điện, xe máy điện cho người chưa đủ tuổi điều khiển, mới được trả phương tiện.

Lứa tuổi học trò rất hiếu động và thích “thể hiện mình” nên các em đi xe máy phân khối lớn thường phóng nhanh, lạng lách. Thiếu kinh nghiệm để xử lý những tình huống bất ngờ, các em dễ gây tai nạn, hậu quả không chỉ với các em mà với nhiều người xung quanh. Đơn cử trường hợp ở huyện Hiệp Đức, ngày 09.5.2015, chị Nguyễn Thị Dung đang trên đường đi làm về, bất ngờ bị 3 học sinh lớp 8, không đội mũ bảo hiểm, đi trên một chiếc xe tay ga hiệu Nouvo chạy ngược chiều, lạng lách, đánh võng, tông trực diện vào chiếc xe máy của chị Dung, khiến chị tử vong tại chỗ, bỏ lại 3 đứa con nheo nhóc.

Nhằm hạn chế tình trạng học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, đi xe máy phân khối lớn… các ngành chức năng đã thực hiện nhiều giải pháp như  tăng cường về trật tự an toàn giao thông; thường xuyên phối hợp nhắc nhở, đưa thông tin liên quan đến trật tự an toàn giao thông vào nội dung sinh hoạt đầu tuần, lễ chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt đoàn, đội; quy định việc đánh giá đạo đức đối với học sinh về trật tự an toàn giao thông. Thông qua công an phường, xã, các trường yêu cầu các điểm trông giữ xe xung quanh khu vực trường học làm cam kết cương quyết không nhận trông giữ xe cho học sinh. Nhưng để giải quyết tận gốc việc này, rất cần ý thức chấp hành pháp luật từ các bậc phụ huynh và học sinh.

AN DÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học sinh THCS, THPT vi phạm an toàn giao thông: Đâu là nguyên nhân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO