Những ngày qua rộ lên thông tin về hơn 1.200 học sinh tốt nghiệp THCS ở các địa phương trên địa bàn Quảng Nam “bơ vơ”, “không biết về đâu” vì không đủ điều kiện tuyển sinh vào lớp 10. Phải chăng các em đã thực sự hết lối đi?
Một giờ học thực hành ở Trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam. Ảnh: D.L |
Bắt đầu từ năm học 2017 - 2018, việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS của Quảng Nam đẩy mạnh hơn, từ việc tuyển 95 - 100% học sinh vào THPT công lập xuống còn con số 90%. Như vậy, 10% số học sinh tốt nghiệp THCS không đủ điều kiện để vào các trường THPT sẽ được ngành giáo dục và địa phương tính toán theo các “luồng” ra sao, khi các trung tâm giáo dục thường xuyên tuyến huyện đã giải thể?
Nhiều nơi “mở cửa”
Ông Nguyễn Luận - Phó Trưởng phòng Giáo dục Thường xuyên - chuyên nghiệp Sở GD-ĐT cho biết, năm học 2017 - 2018 tỉnh tổ chức phân luồng học sinh sau THCS. Tuy nhiên, số lượng tuyển vào THPT công lập vẫn còn khá nhiều, ở con số 90% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS toàn tỉnh (khoảng 17.490 học sinh). Con số 10% còn lại tương đương với 1.285 học sinh không đủ điều kiện xét tuyển vào lớp 10 các trường công lập. Ông Luận nói: “Với những học sinh không trúng tuyển vào lớp 10, nếu các em muốn chỉ học riêng văn hóa thì sẽ có trung tâm giáo dục thường xuyên, ngoài ra bố trí THPT tư thục; nếu các em có nguyện vọng học nghề thì có các trường trung cấp nghề. Những địa phương có số lượng học sinh đăng ký học bổ túc văn hóa đông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh sẽ đảm nhận mở lớp ngay tại địa phương để tạo điều kiện cho các em theo học”.
Tăng cường phân luồng học sinh sau THCS Từ năm 2011, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW “về việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn” đặt ra mục tiêu đến năm 2020 “phấn đấu có ít nhất 30% số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề” và yêu cầu “triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS theo hướng tăng nhanh tỷ lệ học sinh vào học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề”. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện cả nước chưa đạt mục tiêu phân luồng học sinh sau THCS. Hàng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề chỉ đạt khoảng 7%. Để hoàn thành mục tiêu trên, theo PGS-TS. Trần Cao Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ-TB&XH, không cách nào khác là phải có chủ trương nhất quán, sự chỉ đạo kiên quyết, có lộ trình từ trung ương đến địa phương. “Chúng ta nên tổ chức các hội thảo, thảo luận với cha mẹ học sinh về việc học của con em mình, gặp gỡ các gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi được đào tạo từ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để toàn xã hội giải tỏa được tâm lý khoa bảng, bằng cấp. Quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giáo dục tư vấn hướng nghiệp trong các trường THCS và chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng phát triển đào tạo nhân lực có tay nghề cao, gắn đào tạo với nhu cầu lao động của các doanh nghiệp” - ông Trần Cao Sâm nói. |
Hiện tại trên địa bàn Quảng Nam vẫn còn 3 trường THPT tư thục phân bố tại các địa phương TP.Tam Kỳ (Trường THPT Tư thục Hà Huy Tập), huyện Quế Sơn (Trường Tư thục Phạm Văn Đồng), thị xã Điện Bàn (Trường Trung cấp Quảng Đông). “Sở GD-ĐT giao cho trung tâm tuyển sinh trên toàn tỉnh, ngoài ra các trường nằm rải rác ở các huyện, thị xã, thành phố sẽ giao về cho một trường nào đó đủ điều kiện mở lớp tập trung, hoặc các em còn có lựa chọn ở các trường nghề, vừa học nghề vừa học giáo dục thường xuyên, sau 3 năm các em có đủ điều kiện để thi THPT quốc gia hoặc thi tốt nghiệp trung cấp nghề. Hiện nay chúng tôi muốn vận động các trường nghề vừa dạy nghề vừa dạy văn hóa, để đảm bảo nhu cầu các em. Chúng tôi sẽ trình phương án này để UBND tỉnh thông qua trong thời gian sớm nhất” - ông Luận nói.
Ở câu chuyện về tổ chức phân luồng học sinh, dù ngay trong năm học 2016 - 2017, Sở GD-ĐT đã có nhiều văn bản thông tin đến phụ huynh, học sinh nhưng vẫn còn khá nhiều nơi phụ huynh mập mờ thông tin. Một thầy giáo dạy THCS tại thị xã Điện Bàn cho biết, muốn phụ huynh hiểu rõ hơn về chủ trương phân luồng, nhà trường phải tổ chức họp phụ huynh học sinh, tư vấn cho họ hiểu rõ hơn về chủ trương và lựa chọn cho con em mình hướng đi phù hợp với năng lực học tập. “Trường sàng lọc các đối tượng học sinh, có lời khuyên các em nên lựa chọn con đường phù hợp với năng lực học tập. Cùng với đó, mời các trường dạy nghề về tư vấn, hướng nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau cho các em này, vậy mới khiến học sinh và phụ huynh có chuyển biến về nhận thức và hiệu quả của việc phân luồng” - thầy giáo này chia sẻ.
Như vậy, nhìn nhận theo thực tế, hiện tại học sinh tốt nghiệp THCS không trúng tuyển vào lớp 10 có các luồng chính để đi: có thể học tiếp lên THPT từ các trường tư thục; học lên trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh. Trong đó, việc phân luồng nếu làm khoa học và chặt chẽ sẽ tạo điều kiện cho các trường nghề phát triển. Đây cũng là điều được Hội nghị Tỉnh ủy thảo luận và đưa vào Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Cơ hội cho trường nghề
Về con đường học nghề, ông Trần Đình Quế - Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB&XH cho biết cả tỉnh hiện có 16 trường cao đẳng và trung cấp nghề đều có 2 hệ: hệ cao đẳng dành cho học sinh đã tốt nghiệp THPT và hệ trung cấp dành cho học sinh tốt nghiệp THCS, phân bố chủ yếu ở 5 địa phương là Tam Kỳ, Nam Giang, Núi Thành, Điện Bàn và Hội An. Hiện các trường nghề vào mùa tuyển sinh với nhiều phương thức, qua các kênh từ nhà trường, địa phương đến các bậc phụ huynh. Cũng theo ông Quế, đã có rất nhiều trường cao đẳng và trung cấp nghề về tận địa phương để mở lớp, như trường Trung cấp Nghề Nam Quảng Nam lên đến Nam Trà My mở lớp đào tạo tại chỗ hay một số lớp đào tạo nghề ngắn hạn… “Bắt đầu từ năm học 2017 - 2018, tất cả học sinh tốt nghiệp THCS vào học hệ trung cấp tại các trường trung cấp nghề đều được miễn 100% học phí theo Luật Giáo dục nghề nghiệp do Chính phủ quy định. Chưa kể, hiện nay hầu như các trường cao đẳng, trung cấp nghề của Quảng Nam đều có chương trình liên kết với doanh nghiệp, cơ sở lao động, nên sẽ bảo đảm đầu ra khi tốt nghiệp cho người học nghề” - ông Quế nói.
Ông Trần Đình Quế cho biết thêm, hầu như các trường trung cấp, cao đẳng có đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp đều rộng cửa đón học sinh tốt nghiệp THCS vào học. Các trường tổ chức tuyển sinh nhiều đợt trong năm, mở thêm ngành nghề đào tạo xã hội đang cần. Trước đây, hầu như các trường nghề đều gặp khó khăn ở vấn đề tuyển sinh, khi phần lớn học sinh tốt nghiệp THPT thì chỉ “chăm chú” đến mục tiêu đại học. Với đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS thì càng khó hơn vì chỉ tiêu phổ cập, đẩy thẳng lên THPT từ nhiều năm trước. Năm nay, “áp lực” về chỉ tiêu tuyển sinh của các trường trung cấp, cao đẳng nghề sẽ được giải tỏa phần nào nếu biết nắm bắt cơ hội từ quyết định phân luồng sau THCS này.
Ông Đặng Nam Phương - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam cho biết, năm học 2017 - 2018 chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 200, đến thời điểm này trường đã nhận được 100 hồ sơ và đang tiếp tục tuyển sinh. Theo ông Phương, hầu như học sinh của trường đều có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp. “Trong quá trình đào tạo, nhà trường đều có liên kết với doanh nghiệp để các học sinh được thực hành với chính công việc của mình. Nên sau khi tốt nghiệp các em được doanh nghiệp nhận vào làm việc ngay” - ông Phương cho biết. Chọn một hướng đi phù hợp với năng lực học tập, tránh tình trạng “ngồi nhầm lớp” hoặc phải bỏ dở học tập giữa chừng, cũng như xác định được hướng phát triển của thị trường lao động trong tương lai… chính là điều phụ huynh và các em học sinh hiện nay cần làm.
LÊ PHAN