Điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi cho phép, đi xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đò, dàn hàng ngang, phóng nhanh, vượt ẩu… là thực tế diễn ra phổ biến hiện nay trong học sinh.
Điều đáng nói, những hành vi nêu trên là vi phạm quy định của pháp luật. Thế nhưng những bậc làm cha, làm mẹ “tiếp tay” cho con mình thực hiện hành vi bằng cách mua sắm, giao cho con phương tiện để tham gia giao thông, không nhắc nhở con đội mũ bảo hiểm và lưu thông có trách nhiệm.
Theo quy định, trẻ em 6 tuổi trở lên khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, kể cả xe đạp điện tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm. Như vậy, ở độ tuổi học sinh mới bước vào lớp 1 bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi lưu thông bằng xe máy.
Một quy định khác, người đủ 16 tuổi trở lên mới được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3 (dưới 50 phân khối), người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển mô tô, xe máy có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên.
Nhưng trên thực tế, học sinh chưa đủ 16 tuổi điều khiển xe gắn máy dưới 50 phân khối, thậm chí là xe 50 phân khối trở lên tham gia giao thông. Vi phạm này trước hết do các em chưa có ý thức tốt chấp hành pháp luật, chưa nhận thức hết những nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Trách nhiệm lớn nhất là thuộc về gia đình, bởi ngoài việc giáo dục con cái tuân thủ pháp luật, gia đình cũng đóng vai trò quyết định trao cho con điều khiển phương tiện như thế nào. Một bạn đọc phản ánh: “Học sinh bây giờ chạy xe máy ào ào quá nguy hiểm mà không nghĩ đến hiểm họa chực chờ”.
Học sinh cuối cấp tiểu học và nhất là bậc THCS điều khiển xe đạp điện đi học khá đông. Nhà trường đã ban hành nội quy, có bản cam kết đề nghị phụ huynh ký vào là phải bắt buộc con em đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe đạp điện tham gia giao thông.
Nhưng trên thực tế, phần lớn học sinh không tuân thủ đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện tới trường. Nhiều em điều khiển xe đạp điện đi quá nhanh, nên không thể xử lý các tình huống khẩn cấp xảy ra.
Ngược lại, loại phương tiện này không có tiếng động nên khi vượt lên, phương tiện lưu thông cùng chiều rất khó phát hiện để tránh dễ dẫn đến xảy ra va chạm tại ngã ba, ngã tư, nơi khuất tầm nhìn.
Giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa tình trạng học sinh vi phạm pháp luật an toàn giao thông là kết hợp giữa giáo dục, quản lý, xử lý giữa nhà trường, gia đình và lực lượng chức năng.
Điều quan trọng hơn là phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em mình nghiêm chỉnh chấp hành, uốn nắn ngăn chặn ngay từ ban đầu các hành vi vi phạm. Đừng buông lỏng quản lý hoặc phó mặc cho nhà trường, cho cơ quan chức năng vì sức khỏe và tính mạng của chính con em mình.