Hội thi hùng biện “Câu chuyện đạo đức và pháp luật” năm học 2019 - 2020 dành cho học sinh bậc THCS được Sở GD-ĐT tổ chức trong tuần qua đã để lại nhiều ý nghĩa.
Theo ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, hội thi là dịp để học sinh (HS) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề đạo đức và pháp luật; tạo điều kiện cho các em trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống. Thông qua những câu chuyện, tình huống, nhằm khơi dậy các giá trị tốt đẹp để giáo dục nhân cách, ý thức chấp hành pháp luật; góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và đạo đức, lối sống cho HS và toàn xã hội. Đồng thời hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng công tác giáo dục pháp luật trong chương trình chính khóa và ngoại khóa, xây dựng những hình mẫu HS thế hệ mới không chỉ thông minh, sáng tạo mà còn năng động, tự tin và tuân thủ đúng pháp luật.
Với ý nghĩa đó, hội thi đã thu hút 170 HS của 17 phòng GD-ĐT tham gia tranh tài (trừ huyện Đông Giang không tham gia) sau khi xuất sắc vượt qua vòng sơ khảo tại các địa phương. Mỗi đơn vị tham gia 2 phần thi, gồm hùng biện dành cho cá nhân và phần thi tiểu phẩm dành cho tập thể, với những câu chuyện mà HS có dịp chứng kiến, gặp phải trong cuộc sống. Các chủ đề được thí sinh tập trung đề cập tại hội thi là những vấn đề bức xúc, được xã hội quan tâm hiện nay như văn hóa giao thông, bạo lực học đường, bạo hành trẻ em, nạn tảo hôn, phòng chống tác hại của thuốc lá, ma túy, ô nhiễm môi trường, sử dụng mạng xã hội, cuộc sống ảo...
Theo đánh giá của Ban Giám khảo hội thi, nhiều thí sinh khá tự tin, thể hiện khả năng diễn thuyết tốt, phong cách hùng biện sắc sảo, thuyết phục, có chất giọng truyền cảm, lôi cuốn người nghe. Các tiết mục có sự đầu tư công phu về mặt hình thức, lồng ghép minh họa như hát dân ca, hò, vè, kịch, dẫn chiếu hình ảnh, góp phần chuyển tải được thông điệp mà thí sinh muốn mang đến. Về phần thi tiểu phẩm, nhiều đơn vị xây dựng kịch bản khá logic, lồng ghép, tích hợp nhiều nội dung giáo dục. Thông qua các tiểu phẩm, thí sinh thể hiện khá tốt vai diễn, bộc lộ được tính cách nhân vật trong từng tình huống, lôi cuốn người xem. Dựa trên những câu chuyện có thật tại địa phương, trường học, thí sinh đã tái hiện hết sức sinh động, để lại ấn tượng sâu sắc và mang tính giáo dục cao.
Tiêu biểu có thể kể đến như tiểu phẩm “Vì mình - vì mọi người” của đơn vị Hội An; “Thức tỉnh” (Tiên Phước); “Trách nhiệm không của riêng ai” (Bắc Trà My); “Niềm vui của chúng em” (Điện Bàn”); “Rác thải với ô nhiễm môi trường” (Duy Xuyên); “Sống để yêu thương” (Tam Kỳ) hay các cá nhân như Đỗ Huyền Trang (Bắc Trà My) với câu chuyện “Những bước chân lầm lỡ”, Hoàng Diệu Linh (Tam Kỳ) với “Quyền được bảo vệ, phát triển, giáo dục trẻ em”, Trần Hồ Hoàng Anh (Phú Ninh) với “Gia đình là nơi để yêu thương”, Bùi Thị Thu Trang (Phước Sơn) với “Vấn đề pháp luật qua vấn nạn tảo hôn và lao động chưa thành niên”...
Khép lại hội thi đầy sôi nổi, ở phần thi tiểu phẩm, Sở GD-ĐT khen thưởng 2 tập thể đạt giải Nhất gồm TP.Hội An và huyện Tiên Phước, cùng 2 tập thể đạt giải Nhì, 2 tập thể đạt giải Ba và 3 tập thể đạt giải Khuyến khích. Ở phần thi hùng biện, ngoài 2 cá nhân đạt giải Nhất gồm thí sinh Đỗ Huyền Trang của Bắc Trà My và Hoàng Diệu Linh của Tam Kỳ, Sở GD-ĐT cũng đã khen thưởng 2 cá nhân đạt giải Nhì, 2 cá nhân đạt giải Ba và 6 cá nhân đạt giải Khuyến khích.