Một phương pháp dạy sử lấy hiểu biết làm nền tảng, khơi gợi tư duy logic… sẽ khiến học trò thích thú hơn với bộ môn này.
Học sinh khối lớp 6 tham gia chương trình ngoại khóa “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” tại TP.Hội An. Ảnh: B.T.D.S |
Dạy - học như thế nào?
Phải bắt đầu câu chuyện này từ sự ồn ào của dư luận thời gian qua, khi Bộ GD-ĐT lên “ý tưởng” sẽ tích hợp các môn Lịch sử, Công dân và Quốc phòng trở thành một môn học mới. Các nhà sử học lên tiếng. Thầy cô giáo dạy sử lên tiếng. Và báo chí vào cuộc. May thay, môn Lịch sử tiếp tục được dạy độc lập trong năm học tới. Từ những “ồn ào” này, cộng với số điểm thi tốt nghiệp trong vài năm trở lại đây ở bộ môn Lịch sử, người ta mới nhìn lại về một phương pháp dạy sử lâu nay trong các trường phổ thông: khô khan, những dữ kiện lịch sử in trong sách giáo khoa không đủ sức thu hút học sinh. Bên cạnh đó, nhận thức về tầm quan trọng của sử học chưa thực sự được coi trọng. “Việc học sinh ít chú tâm đến môn Lịch sử không phải trách nhiệm của các em, mà là trách nhiệm của xã hội. Ở những nước phát triển, nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, lịch sử trở thành nhu cầu tự thân, nên sử học luôn được coi trọng. Ở Việt Nam, nhu cầu thực tế là phải làm gì để sống, học cái gì có thể ứng dụng và kiếm ra tiền, thì được quan tâm nhiều hơn. Nhu cầu tìm hiểu về văn hóa tinh thần chưa được coi trọng” - thầy giáo Nguyễn Thành Khoa, Trưởng bộ môn Sử Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ) nói.
“Học sử không đơn thuần chỉ là nhớ sự kiện. Phương pháp dạy sử làm sao để không ép học sinh phải nhớ quá nhiều dữ kiện ngày tháng, mà khơi hứng thú cho các em từ những câu chuyện trong từng giai đoạn lịch sử. Hiểu sử học sẽ khiến môn học này trở nên vô cùng thú vị”. (Thầy giáo Nguyễn Thành Khoa, Trưởng bộ môn Sử Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) |
Chia sẻ về một phương pháp dạy sao cho học sinh hứng thú với bộ môn này, thầy giáo Nguyễn Thành Khoa cho rằng, để cho môn Lịch sử trở nên nhẹ nhàng, học sinh yêu thích, giáo viên cần phải linh động thay đổi cách giảng dạy sao cho phù hợp, luôn làm mới bài giảng của mình (trong khuôn khổ cho phép) để lôi cuốn học sinh. Học lịch sử không phải chỉ là để biết quá khứ, mà còn để rèn luyện phương pháp tư duy “lịch sử” trong những hành động hiện tại (luôn biết nhìn nhận các vấn đề của cuộc sống một cách thấu đáo: có căn nguyên, có tác động) và đưa ra những phán đoán cho tương lai... “Không sa vào sự kiện, không ép học sinh nhớ sự kiện quá nhiều. Mà từ những sự kiện đơn giản, hãy phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, phán đoán theo quan điểm của các em. Vạch ra tính khoa học, logic để học sinh đánh giá. Học sử yêu sử thì sẽ hiểu rộng. Phải tập cho học sinh không phụ thuộc vào sách giáo khoa, mà phải diễn đạt sự kiện lịch sử theo ngôn ngữ của mình. Biến kiến thức của sách giáo khoa, của thầy truyền đạt thành kiến thức của mình. Hiểu lịch sử là phải rút ra được tư duy lịch sử, quy luật lịch sử” - thầy Khoa nói.
Tìm hiểu “sử nhà”
Thử nhìn lại bộ môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông ở Quảng Nam, khá mừng khi các em yêu thích bộ môn này và có thái độ nghiêm túc trong học tập. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, ở các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đội tuyển Sử của tỉnh Quảng Nam luôn giành những thành tích cao. “Tôi may mắn khi cách truyền đạt của mình đủ hấp dẫn để kéo học sinh giữ tình yêu với bộ môn Lịch sử. Chỉ mới thành lập trong khoảng vài năm trở lại đây, nhưng lớp Sử của trường chuyên đã làm nên chuyện. Năm nay, Bộ GD-ĐT đặc cách cho đội tuyển Sử thi học sinh giỏi quốc gia của Quảng Nam lên 8 học sinh. Đó là một thành công” - thầy Khoa chia sẻ. Không chỉ trong các kỳ thi, ở Quảng Nam, bộ môn Sử còn được thầy cô giáo ở các địa phương có cách truyền đạt khá thú vị. Đó là đưa các em đến bảo tàng… để tìm hiểu “sử nhà”. Từ những câu chuyện, hiện vật được lưu trữ ở bảo tàng địa phương để liên tưởng đến các sự kiện lịch sử trong cùng mốc thời gian là cách học khá hiệu quả.
Bắt đầu triển khai từ cuối năm học 2013 - 2014, đến nay chương trình ngoại khóa “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” do Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An phối hợp với Phòng GD-ĐT thành phố thực hiện đã thu hút sự tham gia của các trường tiểu học, THCS trên địa bàn. Đây là một cách rất hay giúp học sinh biết yêu hơn những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương, từ đây mở ra một cách “thực hành lịch sử” thú vị. Những kiến thức sử học, vì thế cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Cũng như vậy, sau khi Bảo tàng Điện Bàn được tu sửa khang trang, học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thị xã được hướng đến nhiều hơn. Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa thị xã Điện Bàn cho biết, mặc dù chưa xây dựng được một chương trình ngoại khóa chính thức như Hội An, nhưng nhiều trường học cũng đã đưa học sinh đến bảo tàng và đơn vị bố trí thuyết minh viên để giới thiệu đến các em những giá trị văn hóa quê hương.
Ở một số địa phương khác, chương trình sử học địa phương cũng đã được biên soạn thành giáo trình để đưa vào giảng dạy cho học sinh. Tuy nhiên, theo một số giáo viên dạy Lịch sử, việc tìm cách đưa sử địa phương vào trong trường học vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngay như bộ sách Sử Quảng Nam cho khối THPT, ý tưởng xây dựng đã bao năm, đến nay vẫn chưa thực hiện được. Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, sắp tới sở sẽ tổ chức hội nghị bàn về phương pháp dạy và học lịch sử sao cho hiệu quả. Riêng về bộ sách Sử Quảng Nam, ông cho biết, đây là phần việc do Sở Khoa học công nghệ đảm nhiệm…
LÊ QUÂN