Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Tình người ở "ngôi nhà chung"

DIỄM LỆ 27/11/2014 08:46

Ở Trung tâm Nuôi dưỡng - điều dưỡng người có công Quảng Nam, tập thể cán bộ, nhân viên đều âm thầm cố gắng mỗi ngày thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc người có công chu đáo, an toàn.

Dưới mái nhà chung

Trong căn phòng điều dưỡng dành cho những mẹ tuổi đã cao nằm một chỗ hoặc ngồi xe lăn, các mẹ vẫn nở nụ cười tươi trên môi. “Chúng tôi không còn con cái hay người thân thích, nhưng ở đây cũng như ở trong một gia đình có đông đủ con cháu. Nghe các cô chú gọi là mẹ, tôi ấm lòng lắm. Các cô chú chăm sóc cho tôi như những người con chăm sóc cho cha mẹ, thương lắm!” - mẹ Lê Thị Ghi (76 tuổi) tâm sự. Mẹ Ghi nhà ở Bình Nguyên (Thăng Bình), là vợ liệt sĩ, không có con cái nên UBND xã Bình Nguyên lập thủ tục đưa mẹ đến nuôi dưỡng tại trung tâm. Mẹ Ghi nói rằng từ khi được đưa đến đây, mẹ xem đây như ngôi nhà của mình. Ở đây, sức khỏe của mẹ khá hơn nhiều do được ăn uống đầy đủ, mỗi khi đau ốm có thuốc men và được trị liệu đúng cách. Và quan trọng hơn, mẹ Ghi cảm thấy ấm lòng khi được sống trong tình thương yêu của tập thể cán bộ, nhân viên trung tâm. Hỏi đến mẹ Dưỡng, mẹ Mô, mẹ Đan..., các mẹ đều chỉ có một mong muốn được ở đây cho đến hơi thở cuối cùng.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng - điều dưỡng người có công tỉnh luôn chăm sóc người có công bằng tình yêu thương, chu đáo. Ảnh: D.L
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng - điều dưỡng người có công tỉnh luôn chăm sóc người có công bằng tình yêu thương, chu đáo. Ảnh: D.L

Gắn bó lâu nhất với trung tâm có lẽ là thương binh Võ Văn Đến (quê xã Phú Thọ, Quế Sơn). Năm 1986, ông Đến trở về từ chiến trường Campuchia với thân thể đầy thương tích. Sống một mình, không ai chăm sóc, cũng trong năm đó, ông Đến được đưa vào nuôi dưỡng tại trung tâm. Thương binh Võ Văn Đến bộc bạch: “Nếu không có ngôi nhà chung này, có lẽ không còn có tôi hôm nay ngồi đây. Và nếu không có lòng thương yêu của tập thể cán bộ, nhân viên của trung tâm, tôi cũng không thể khỏe mạnh được như bây giờ. Bởi ở đây, ngoài ăn uống đầy đủ, tôi còn được điều trị bệnh, được chăm sóc tận tình, chu đáo. Giờ tôi còn có vợ con, mới xây được cái nhà nữa, nhưng tôi vẫn thường xuyên ở trong trung tâm hơn là ở nhà mới”. Chính ngôi nhà chung này đã gắn kết cuộc đời ông Đến với cô hộ lý làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho ông. Năm 2001, ông Đến bị thêm bệnh gan, bây giờ đã chuyển sang xơ gan, thường xuyên đi điều trị tại bệnh viện. Tình yêu thương của những người ở ngôi nhà chung đã tiếp thêm cho ông Đến sức mạnh, nghị lực để ông có thể sống tốt dù cơ thể hàng ngày vẫn luôn đau nhức bởi nhiều căn bệnh cùng vết thương cũ.

Giàu có vì được cho đi

Bao nhiêu năm qua, thực hiện lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, nhân viên trung tâm dù ở bất cứ vị trí nào đều ghi nhớ và cố gắng thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chăm sóc người có công (NCC). Chăm sóc NCC không hề dễ, bởi họ thường xuyên đau ốm, lại thêm tuổi cao nên tính tình khó chịu, dễ cáu gắt với bất cứ ai. Vậy đó, nhưng các chị tổ cấp dưỡng thì chinh phục được NCC ở bất cứ vùng miền nào bằng những món ăn do chính các chị chế biến. Các chị đã nghiên cứu và xây dựng được 8 bộ thực đơn ba bữa, thay đổi món ăn thường xuyên mỗi bữa phù hợp với mọi độ tuổi, vùng miền, thậm chí còn phải phù hợp với mỗi chế độ bệnh lý, ăn kiêng, ăn chay.

Hoặc như tổ hộ lý luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tấm lòng yêu thương và vị tha. Bà Khổng Thị Can hết làm cấp dưỡng đến làm hộ lý ở trung tâm đã 32 năm, nếu không có tấm lòng tận tụy, chu đáo cùng đức tính chịu thương chịu khó, bà khó có thể gắn bó với công việc này lâu đến thế. “Chăm sóc NCC là việc không đơn giản nhưng cũng không khó nếu biết chiều ý các cô chú, các mẹ. Mỗi người mỗi tính, sáng chiều thất thường nhưng nếu mình biết lắng nghe, nhẹ nhàng, ân cần là các cô chú, các mẹ dịu tính hẳn đi”.

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, câu thơ của nhà thơ Tố Hữu trở thành câu cửa miệng để mỗi ngày tự nhắc nhở bản thân cũng như tất cả cán bộ, nhân viên của trung tâm. Ông Tôn Thất Hoàng - Giám đốc trung tâm cho rằng, được cho đi lòng yêu thương mới là giàu có thực sự. Ông Hoàng quan niệm, làm theo Bác Hồ đâu phải có phong trào mới học, mà mỗi ngày, mỗi giờ đều phải học. Bao nhiêu năm gắn bó với trung tâm, ông Hoàng đã đưa những nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào công việc hằng ngày, nhắc nhở cán bộ thực hiện và dần trở thành thói quen, nếp sống của mỗi người ở trung tâm. “Đến nay trung tâm đã xây dựng được 13 mô hình học tập và làm theo gương Bác, mỗi mô hình đều gắn với công việc của từng bộ phận, nhưng đều quy về một nhiệm vụ là thực hiện ngày càng tốt hơn việc chăm sóc NCC. Chúng tôi thấy vui vì hàng chục nghìn lượt NCC trong và ngoài tỉnh đến điều dưỡng tại trung tâm, và hàng trăm lượt NCC được nuôi dưỡng tập trung chưa có lời phàn nàn nào về việc chăm sóc, ăn uống, thái độ phục vụ... ở đây. Và chỉ thế thôi, mỗi NCC đến đây điều dưỡng, ra về tăng từ 1kg trở lên, mỗi NCC được nuôi dưỡng ngày nào cũng nở nụ cười là chúng tôi mãn nguyện rồi” - ông Hoàng chia sẻ.

DIỄM LỆ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Tình người ở "ngôi nhà chung"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO