Nhiều tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở đã có các cách làm hay, thiết thực trong học tập và làm theo gương Bác Hồ.
Chi đoàn thôn Đại An (xã Tam Đại, Phú Ninh) duy trì mô hình “Cà phê sách” để gây quỹ giúp đỡ học sinh nghèo hiếu học của thôn. |
Viết nhật ký làm theo lời Bác
“Đại An, ngày 17.4.2017. Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp ngày 15 hằng tháng, tôi và các đồng chí trong Ban Chấp hành Đoàn xã đóng góp một phần kinh phí (30 nghìn đồng) để giúp các em học sinh gặp khó khăn đột xuất, thuộc hộ nghèo, có thêm điều kiện đến trường. Có thể nói, hành động của các đồng chí trong Ban Chấp hành Đoàn xã chứa đựng nhiều ý nghĩa hết sức nhân văn, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống. Hy vọng một ngày nào đó, các bạn đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trong thôn có thể đọc được những dòng tâm sự này của tôi và suy ngẫm, có nhiều đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội của xã Tam Đại nói chung, của thôn nói riêng. Cũng mong rằng các bạn ĐVTN đang làm ăn xa đã thành đạt hãy quan tâm góp một phần nhỏ bé của mình để cùng chung tay giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó có thêm điều kiện đến trường”.
Những dòng tâm sự mộc mạc, chân tình trên được chúng tôi trích lại từ cuốn “Sổ nhật ký làm theo lời Bác” của Chi đoàn thôn Đại An (xã Tam Đại, Phú Ninh). Cứ sau mỗi việc làm, hành động cụ thể, các chi đoàn trực thuộc Huyện đoàn Phú Ninh đều ghi lại nhật ký, thể hiện những suy nghĩ, nhận thức và tình cảm của ĐVTN khi tham gia. Theo Bí thư Huyện đoàn Phú Ninh - Bùi Thị Kim Hoàng, mô hình “Sổ nhật ký làm theo lời Bác” nhằm ghi kết quả học tập, lao động, rèn luyện của từng ĐVTN và tập thể chi đoàn. Trên cơ sở nội dung đã đăng ký, hằng tháng Chi đoàn ghi lại những kết quả thực hiện của tập thể, các cá nhân tiêu biểu. Trong các đợt sinh hoạt định kỳ, Ban Chấp hành Chi đoàn tổ chức đánh giá kết quả những nội dung, công việc đã làm được và tuyên dương các gương điển hình trong thực hiện học tập và làm theo lời Bác. Qua đó, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa, tập hợp được lực lượng ĐVTN, cũng như nhân rộng những việc làm, hành động tốt đẹp của người trẻ.
Chi hội phụ nữ An Đông (thị trấn Tân An, Hiệp Đức) thực hiện hiệu quả mô hình “Tình thương ve chai”. |
Để mô hình “Sổ nhật ký làm theo lời Bác” được triển khai hiệu quả, thiết thực, khuyến khích sự sáng tạo trong cách thể hiện của ĐVTN, năm 2016, Huyện đoàn Phú Ninh hướng dẫn quy trình thực hiện cho các tổ chức đoàn cơ sở. “Việc ghi chép, đánh giá những nội dung, phần việc cụ thể mà chi đoàn làm theo hằng tháng, gắn với kiểm tra, nhắc nhở đã đưa việc viết “Sổ nhật ký làm theo lời Bác” trở thành nền nếp, quy củ. Từ quá trình phấn đấu rèn luyện, nhiều chi đoàn duy trì được hoạt động của các mô hình và xây dựng thêm mô hình mới có ý nghĩa thiết thực, thể hiện được trách nhiệm, tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ Phú Ninh với cộng đồng, nhất là dành sự quan tâm chăm lo đối với học sinh nghèo khó trên địa bàn huyện” - Bí thư Huyện đoàn Phú Ninh Bùi Thị Kim Hoàng chia sẻ.
Giúp đỡ hội viên khó khăn
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Đặng Ngọc Tài - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quế Thọ (Hiệp Đức) chia sẻ, học và làm theo gương Bác, các hội viên nông dân địa phương xác định phát huy tốt tinh thần tương thân tương ái, gắn kết trong hội viên. Từ tinh thần đó, cuối tháng 3.2017, hội thành lập mô hình “Tổ thu hoạch nông sản” với 10 thành viên tham gia. Theo quy chế hoạt động, tổ có trách nhiệm nhận thu hoạch nông sản cho các gia đình hội viên khó khăn, gia đình chính sách neo người, thiếu lao động khi vào mùa vụ. Ngoài ra, tổ còn nhận thu hoạch nông sản cho hội viên nông dân khi có nhu cầu với chi phí hợp lý.
Ông Nguyễn Lực - Tổ trưởng “Tổ thu hoạch nông sản” cho biết, để có điều kiện hoạt động, tổ vận động thành viên nào có máy cắt, máy tuốt lúa thì hỗ trợ và đóng góp 500 nghìn đồng/người gây vốn mua nhiêu liệu và sửa chữa máy móc khi bị hư hỏng. Trong vụ mùa đông xuân vừa rồi, tổ đã tham gia thu hoạch được gần 2ha lúa, chủ yếu giúp cho hội viên nông dân và gia đình chính sách khó khăn, không để xảy ra tình trạng lúa chín khô vì thiếu nhân công dẫn đến hư hao, ảnh hưởng năng suất như các mùa vụ trước. Còn kinh phí thu được từ dịch vụ thu hoạch cho các hộ nông dân có nhu cầu, sau khi trừ chi phí, số tiền còn lại được sung quỹ để giúp đỡ hội viên khó khăn. “Trong vụ hè thu này tổ tập trung làm đất gieo sạ giúp cho hộ bà Trần Thị Loan (thôn An Tây) là gia đình chính sách khó khăn và nhận thu hoạch cuối vụ. Hay như trường hợp hội viên Hồ Thanh Tuấn có hoàn cảnh hết sức khó khăn, vợ chồng đều bị bệnh hiểm nghèo, 3 đứa con còn nhỏ dại, chúng tôi đang phối hợp cùng các đoàn thể của xã chuẩn bị tổ chức thu hoạch lúa giúp cho gia đình. Cứ giúp đỡ được một trường hợp hội viên hay gia đình chính sách khó khăn, thành viên trong tổ đều thấy rất phấn khởi. Vì vậy, khi có trường hợp cần giúp đỡ thì ai nấy đều hăng hái tham gia, chẳng suy tính điều gì” - ông Lực tâm sự.
Đánh giá về hiệu quả hoạt động của mô hình “Tổ thu hoạch nông sản”, ông Đặng Ngọc Tài - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quế Thọ nhìn nhận, do điều kiện địa hình của địa phương không thuận lợi nên nhiều chân ruộng không thể đưa máy móc vào gieo sạ, thu hoạch. Hoạt động của mô hình được hội viên nông dân đánh giá cao, góp phần xây dựng phong trào nông dân toàn xã đi vào chiều sâu, gắn kết và tạo niềm tin của hội viên vào tổ chức hội.
Đi vào nền nếp
Nói về chuyển biến trong thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tại Phú Ninh, ông Huỳnh Xuân Chính - Trưởng ban Tuyên giáo Phú Ninh cho biết, thời gian qua nội dung kế hoạch làm theo gương Bác trên địa bàn tập trung thực hiện có hiệu quả các mô hình sâu sát thực tế. Trong đó, ở địa phương cơ sở hướng đến việc giúp đỡ hộ nghèo; góp phần xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, khối phố văn minh đô thị. Ở các cơ quan, đơn vị triển khai các mô hình về kỷ cương, kỷ luật hành chính như “4 đúng, 4 phải, 3 sát” để hướng đến mô hình “3 nhất” (gương mẫu nhất, hiệu quả nhất, sâu sát cơ sở nhất), gắn với cam kết không rơi vào 27 biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã nhận diện. Mỗi cá nhân, lấy những việc làm theo gương Bác để khắc phục những hạn chế, thiếu sót, hướng đến hoàn thiện bản thân, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc. “Chuyển biến đáng mừng là việc “làm theo” đã từng bước đi vào thực chất, không còn chung chung, biểu hiện cụ thể qua từng công việc, tạo mối quan hệ gần gũi giữa người cán bộ với nhân dân” - ông Chính nói.
Còn tại Hiệp Đức, ông Nguyễn Văn Luyện - Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy nhìn nhận, việc triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW được tiến hành cơ bản đáp ứng yêu cầu ở cả cấp huyện và cơ sở. Một số nơi vận dụng linh hoạt vào tình hình thực tế cơ quan, đơn vị với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Việc Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã dần đi vào nền nếp, hạn chế được biểu hiện hình thức, góp phần tích cực nâng cao ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên về rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng và tạo chuyển biến bước đầu trong hành động “làm theo”. Ông Nguyễn Văn Luyện khẳng định: “Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hiệp Đức đang tổ chức khảo sát nhằm đánh giá những kết quả việc triển khai, tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW gắn với thực hiện Nghị quyết số 04 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian qua. Từ đó, tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy các giải pháp nhằm phát huy, biểu dương những cách làm hay, sáng tạo để phổ biến, nhân rộng; cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thời gian tới thực hiện đạt kết quả tốt hơn”.
HÀN GIANG