Học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài: Cải thiện nhiều kỹ năng

CHÂU NỮ 27/11/2014 08:48

Tam Kỳ là một trong những địa phương được chọn triển khai thực hiện chương trình thí điểm môn tiếng Anh cấp THCS theo đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân của Bộ GD-ĐT. Và hiệu quả bước đầu cũng đã được ghi nhận khi một số trường thực hiện theo hướng mời giáo viên nước ngoài giảng dạy.

Phụ huynh đồng tình

Cô Nguyễn Phượng Linh - giáo viên tiếng Anh Trường THCS Lê Hồng Phong là người đầu tiên đề xuất việc mời giáo viên người nước ngoài về giảng dạy môn tiếng Anh cho học sinh. Ý tưởng của cô được ban giám hiệu nhà trường đồng tình và khi đưa ra tại buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm học này, hầu hết phụ huynh tán thành. Và Trường THCS Lê Hồng Phong trở thành trường học đầu tiên ở Tam Kỳ mời giáo viên là người nước ngoài ở Trung tâm Anh ngữ AMA về giảng dạy. Sau đó, một số trường học khác ở Tam Kỳ như THCS Lý Tự Trọng, Chu Văn An... cũng bắt đầu áp dụng mô hình này. Cũng giống như Trường THCS Lê Hồng Phong, trước khi chính thức hợp đồng giáo viên nước ngoài về giảng dạy tiếng Anh cho học sinh, các trường khác đều tham khảo ý kiến phụ huynh, có trường còn tổ chức dạy một vài tiết thí điểm để thăm dò ý kiến phụ huynh và học sinh... Để được học mỗi tuần một tiết với giáo viên nước ngoài, phụ huynh học sinh phải đóng ít nhất 50 nghìn đồng/tháng. Với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, các trường hoặc ban đại diện cha mẹ học sinh lớp hỗ trợ hoàn toàn kinh phí.

Trong giảng dạy, giáo viên nước ngoài thường chú trọng ngôn ngữ hình thể, diễn tả điệu bộ nên học sinh dễ nhớ, dễ thuộc. Ảnh: CHÂU NỮ
Trong giảng dạy, giáo viên nước ngoài thường chú trọng ngôn ngữ hình thể, diễn tả điệu bộ nên học sinh dễ nhớ, dễ thuộc. Ảnh: CHÂU NỮ

Cô Phượng Linh cho biết, việc mời giáo viên nước ngoài về giảng dạy đã giúp cải thiện kỹ năng giao tiếp của học sinh. Bởi trên thực tế, học sinh ở Tam Kỳ còn kém kỹ năng nghe - nói vì ít có môi trường giao tiếp, hơn nữa, đề án thí điểm dạy môn tiếng Anh của Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu tăng cường kỹ năng này. “Rất mừng là cách dạy này được phụ huynh đồng tình chứ nếu không thì dù tâm huyết, chúng tôi cũng khó triển khai thực hiện vì thiếu kinh phí. Và nếu học sinh không hứng thú thì cách dạy - học này cũng có thể không đem lại hiệu quả như mong muốn” - cô Linh nói thêm.

Thấy con mình dạn dĩ hơn trong giao tiếp, phụ huynh em Trần Vũ Khánh Bình (học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong) bày tỏ mong muốn con được học với người nước ngoài nhiều hơn nữa. Còn chị Nguyễn Thị Thu Lan, phụ huynh em Đoàn Nguyễn Ý Như (học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng) chia sẻ: “Trong khi học sinh Tam Kỳ nói chung ít có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài thì việc nhà trường mời giáo viên nước ngoài đến dạy là cơ hội tốt để các cháu cải thiện kỹ năng nghe - nói. Thấy con hứng thú sau tiết học với thầy giáo nước ngoài, tôi cũng vui mừng. Nhưng mỗi tuần chỉ học một tiết thì hơi ít...”.

Học sinh thích thú

Ngày 3.1.2012, Bộ GD-ĐT ban hành Quyết định số 01/QĐ-BGD-ĐT về chương trình giáo dục phổ thông tiếng Anh thí điểm cấp THCS. Theo đó, chương trình áp dụng từ lớp 6 tại các trường THCS có đủ điều kiện về giáo viên, học sinh và cơ sở vật chất từ năm học 2013 - 2014 với thời lượng dạy học tối thiểu 3 tiết/tuần; quan tâm 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, trong đó chú trọng kỹ năng nghe, nói. Yêu cầu kết quả đạt được là hết lớp 6, học sinh đạt trình độ tương đương A2.1; tương tự, lớp 7: A2.2;  lớp 8: A2.3; lớp 9:A2.

Theo cô Nguyễn Thị Tâm Hiền - Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ, hiệu quả của việc học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài như thế nào thì cần phải có thêm thời gian để kiểm chứng. Nhưng nhìn chung, học sinh thích thú và mong muốn được học nhiều hơn với người nước ngoài là dấu hiệu tích cực.
Tham dự tiết học của thầy giáo Del Haines - đến từ Trung tâm Anh ngữ AMA ở Trường THCS Lý Tự Trọng, người viết bài nhận thấy học sinh rất hào hứng và phát biểu sôi nổi. Em Huỳnh Minh Khiêm nói: “Thầy giáo thân thiện, gần gũi và dạy một cách tự nhiên. Thầy thường làm điệu bộ theo từ vựng nên rất dễ nhớ”. Các em Trần Vũ Khánh Bình, Đào Nguyễn Bảo Trân, Hồ Thị Thanh Ngân -  học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong chia sẻ, lúc học tiết đầu, đôi chỗ thầy nói các em cũng chưa hiểu vì chưa quen nghe người nước ngoài nói nhưng nhờ có cô giáo dạy tiếng Anh của các em trợ giảng nên cũng dễ hiểu. Sau những giờ học với thầy, kỹ năng nghe - nói của chúng em đã tiến bộ, bây giờ đã có thể tự tin trò chuyện với thầy giáo. Cô Lê Thị Thùy Trâm - giáo viên tiếng Anh Trường THCS Lý Tự Trọng cũng cho biết, trong khi lên lớp, giáo viên nước ngoài thường chú trọng ngôn ngữ hình thể, điệu bộ, dạy một cách tự nhiên, không gò bó nên học sinh dễ nhớ, dễ thuộc, chẳng hạn học từ “jump” (nhảy), thầy sẽ nhảy lên; hay từ “sad” (buồn), thầy sẽ xịu mặt xuống...

Cô Phượng Linh cho biết: “Trước khi mời giáo viên nước ngoài về giảng dạy, chúng tôi phải chọn nội dung bài giảng phù hợp, đồng thời kiểm tra giáo án để đảm bảo quy trình dạy học của Việt Nam. Về phần mình, khi có người nước ngoài giảng dạy, giáo viên chúng tôi cũng học hỏi được nhiều, nhất là trong cách phát âm; đồng thời cũng tự học hỏi, tìm hiểu để nâng cao trình độ, khả năng giao tiếp”.

Thầy giáo Del nhận xét: “Học sinh ở các trường học ở Tam Kỳ thật tuyệt vời. Ấn tượng đầu tiên của tôi là các em rất lễ phép, điều đó đã tạo hứng thú cho giáo viên. Trong quá trình dạy, tôi nhận thấy các em rất chú ý trong học tập và cố gắng. Tuy nhiên, dường như đa số học sinh còn rụt rè, thiếu tự tin. Nếu cải thiện được hạn chế này, việc dạy và học sẽ đạt hiệu quả cao hơn”. Một thầy giáo khác cho rằng, học sinh các trường học ở Tam Kỳ rất gần gũi với giáo viên nhưng chương trình trong sách giáo khoa khá nặng. Một tiết học chỉ 45 phút khó có thể chuyển tải hết nội dung bài học hiệu quả. Với các em từng học ở các trung tâm Anh ngữ với giáo viên nước ngoài, việc học thuận lợi hơn, thường phát biểu sôi nổi và tự tin khi trò chuyện với thầy giáo hơn.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài: Cải thiện nhiều kỹ năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO