Học, trên đất học

HỒ DUY LỆ 24/11/2019 19:14

(QNO) - Cùng với Điện Bàn, Duy Xuyên vốn được mệnh danh là đất học. Đón nhận vinh dự này là từ việc định danh những người con của đất Duy Xuyện học giỏi, đậu cao.

Tính từ 100 năm qua, trong các khoa thi của triều Nguyễn, đất Duy Xuyên có 63 vị, trong đó có 2 tiến sĩ, 5 phó bảng, 57 cử nhân… Nổi lên các gia đình họ Phạm ở làng Mã Châu, họ Hồ của làng Phú Mỹ, họ Huỳnh ở Trà Kiệu…

Họ Phạm là gia đình có nhiều người đỗ đạt nhất của tỉnh Quảng Nam. Họ Hồ có Hồ Trung Lượng (1860 - 1942) người làng An Dưỡng, nay là thôn Mậu Hòa, xã Duy Trung, năm 1891 đỗ cử nhân, đến năm Nhâm Thìn 1892 đỗ tiến sĩ. Hồ Trung Lượng từng trải qua các chức vụ Tri phủ Tư Nghĩa - Quảng Ngãi, Đốc học Quảng Nam, Bình Định, Thị lang Bộ Lễ. Ông từng là phó chủ khảo các khoa thi Hương ở trường thi Nghệ An các năm 1912, 1915.

Ông Hồ Lệ nổi tiếng là quan thanh liêm được người đời thán phục ca ngợi. Ông làm quan đến chức Tổng đốc và Thượng thư lần lượt các Bộ Hình, Bộ Công, Bộ Binh, Viện trưởng Đô sát viện, được đánh giá là người giữ nghiêm phép nước trong thi cử. Ông là một vị quan thời phong kiến, thời nay, thời đại văn minh bước vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0 vẫn còn là một tấm gương cho người học, người làm quan.

Gian lận trong thi cử là một tệ nạn có từ xưa, không riêng Việt Nam mà xuất hiện nhiều nước trên thế giới. Để trừ cái nạn này, từ hồi xưa, cho đến ngày nay cần những vị quan đầy tài năng và bản lĩnh như Viện trưởng Đô sát viện Hồ Lệ.

Vua Thành Thái cử ông Hồ Lệ giữ chức Đô Ngự sử vì ông nổi tiếng thanh liêm, cương trực và hết sức nghiêm túc từ cách ăn mặc cho đến ngôn ngữ và hành động. Làm Đô Ngự sử là để nghiêm khắc với quan lại trong triều ngoài nội và can gián nhà vua nhằm giữ nghiêm phép nước, vì vậy đòi hỏi phải là người trung chính, có uy tín và nhất là phải có bản lính mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ.

Cả triều đình từ nhà vua, các đại thần trong triều cho đến các quan ở địa phương đều phải kính nể ông. Trong triều thời đó có câu: “Triều Lệ, Cát Lân” để nói hai vị quan người Quảng nghiêm túc hàng đầu trong các vị quan của triều đình và nội các.

Còn trong dân gian thì truyền tụng câu ca dao: “Làm quan mà chẳng ăn tiền/ Như ông Hồ Lệ chẳng phiền một ai”.

Suốt đời làm quan ông chưa bao giờ nhận quà cáp của ai. Gặp ngày lễ, tết ai đem quà biếu dù chỉ là trà rượu ông cũng từ chối, tìm mọi cách để trả lại. Ông Hồ Lệ cũng là vị quan luôn “chí công vô tư”.

Khi làm quan ở Bình Định ông nhận ra rằng tộc Hồ ở làng Phú Văn, huyện Hoài Ân là cùng gốc tổ tiên tộc Hồ của mình. Nhưng mãi đến khi rời nhiệm sở đi nơi khác ông mới về từ đường tộc Hồ ở làng Phú Văn cúng 100 quan tiền và một bức ghi có 4 chữ: “Uyên nguyên sở tự” (nguồn gốc tự đây). Phải lúc ra đi mới nhìn dòng họ vì sợ nếu biết quan sở tại là người cùng tộc e lại có người lợi dụng để ức hiếp dân lành.

Dù làm quan dưới thời phong kiến lại bị kèm kẹp của thực dân Pháp nhưng ông Hồ Lệ luôn tỏ ra là một vị quan yêu nước. Khi làm Tổng đốc An - Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh), ông Hồ Lệ đã cố tìm mọi cách để khỏi phải đàn áp cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng. Vì việc này, tên Công sứ Pháp ở Nghệ An đã trình về Tòa Khâm, và lần đó ông bị giáng một cấp.

Khi làm Thượng thư Bộ Binh đã ngầm giúp đỡ Phan Bội Châu phổ biến tác phẩm “Lưu cầu huyết lệ tân thư”, việc này được Phan Bội Châu ghi lại trong tác phẩm “Tự phán” của mình.

Ông Hồ Lệ nổi tiếng nhất là nhờ luôn ra mặt chống đối tên Việt gian bán nước Nguyễn Thân và cương quyết trừng trị bọn thi gian.

Nguyễn Thân là tên bán nước, làm tay sai cho giặc Pháp rất hay đàn áp các phong trào cách mạng, vì vậy, dù là cấp trên nhưng bị ông Hồ Lệ ra mặt khinh miệt và chống đối. Khi Nguyễn Thân đem quân ra đàn áp Phan Đình Phùng, y bắt các quan địa phương đi qua phải đem thịt rượu ra nghinh tiếp. Khi đến Nghệ An, ông Hồ Lệ chỉ tiếp “suông” với thái độ lạnh nhạt.

Nguyễn Thân rất bực mình, vì thế một lần con trai trưởng của ông Hồ Lệ đi ngựa qua doanh trại của Nguyễn Thân, y cho lính bắt giam đòi chém. Ý của Nguyễn Thân muốn ông Hồ Lệ phải khuất phục quỵ lụy xin tha cho con, nhưng ông Hồ Lệ làm ngơ chẳng thèm đến doanh trại của Nguyễn Thân. Giam một tuần Nguyễn Thân buộc phải thả con ông Hồ Lệ ra.

Năm 1903, dưới triều Thành Thái có Lê Tấn đã thuê người thi hộ mà đỗ cử nhân. Không qua mắt được Viện trưởng Đô sát viện Hồ Lệ, nên học vị cử nhân của Lê Tấn bị tước bỏ.

Lê Tấn con nhà giàu ở Nghệ An, kỳ sát hạch ở tỉnh không đỗ, nên không được thi Hương. Lê Tấn vào Huế, chạy chọt được vào học chữ Pháp ở trường Quốc học và nhờ trường Quốc học làm hồ sơ đi thi Hương khoa Qúy Mão 1903, tại trường Thừa Thiên. Đến ngày thi, Lê Tân thuê ông tú tài Nghệ An giả danh mình đi thi thế và thi đỗ. Khoa ấy lấy 32 người, ông Võ Hoành người Quảng Nam đỗ đầu…

Từ tháng 6.1927, trong phong trào đấu tranh bãi khóa của học sinh tại Huế, số học sinh Duy Xuyên tham gia bãi khóa trở về Duy Xuyên có các ông Lê Quang Sung, Nguyễn Thụy, Trần An, Võ Đề, Trương Kỉnh. Những chàng trai có học vấn khá lúc bấy giờ đã mang theo những tài liệu và sách báo tiến bộ của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội, báo “Hồi trống tự do”... để tuyên truyền và tiến tới tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Đồng chí Lê Quang Sung chủ trương tổ chức nhiều nhóm đọc sách báo ở các nơi trong phủ Duy Xuyên, và lập nên một quán sách ở Thu Bồn, để từ đây cung cấp sách báo tiến bộ cho các nhóm.

Nhờ đó phong trào đọc sách tiến bộ trong thanh niên, trí thức, giáo giới ở Duy Xuyên được phát triển nhiều nơi: khu vực Thu Bồn có nhóm Lê Quang Sung, Bùi Ấm, Bùi Thường…; vùng Trà Kiệu có nhóm Giáo Hiệp, Giáo Liệu, Giáo Tân, Võ Đề, Nguyễn Quang Liệu...; ở Thi Lai - Đông Yên có nhóm Giáo Thiều, Trợ Liễu, Trương Thắng, Nguyễn Nam, Trương Thuần, Trương Kỉnh...; ở Mã Châu - Phụng Tây có nhóm Hồ Duy Từ, Đoàn Kim, Giáo Tuất, Trần An, Nguyễn Thụy...; ở La Tháp có nhóm Bùi Khắc Tục, Lê Tiến, Lê Huyền, Đội Hồng…; ở Nồi Rang, Trà Nhiêu có nhóm Nguyễn Bội Liên... Các nhóm đọc sách báo tiến bộ công khai như “Chuông Rè”, “Đông Pháp thời báo”, “Việt Nam Hồn”... và lồng vào phổ biến chính cương, điều lệ của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Bí mật chuyền tay nhau những sách báo bí mật  trong một số người nòng cốt.

Đến cuối năm 1928, việc chuẩn bị ra đời tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Duy Xuyên đã chín muồi, nhưng chưa kịp thành lập thì đồng chí Lê Quang Sung được cấp trên điều động ra nước ngoài học tập, rồi được cử vào Sài Gòn hoạt động.

Các chàng trai ham học và các nhóm đọc sách báo do số nòng cốt lãnh đạo vẫn tiếp tục sinh hoạt theo nền nếp, làm nền móng cho việc ra đời tổ chức Đảng Cộng sản ở Duy Xuyên sau này. Khi về đến Duy Xuyên, đồng chí Phạm Thâm bắt liên lạc với các đồng chí Nguyễn Thụy ở Tân Mỹ Đông, Hồ Duy Từ ở Mã Châu, Nguyễn Viết Phu ở Trà Kiệu, Trần Yến ở Ngũ Thôn, Phạm Độ ở Đông Yên, là những người có học thức, làm nòng cốt trong các nhóm đọc sách báo, để lựa chọn những thanh niên tiến bộ, qua đó tuyên truyền cách mạng vô sản, và chuẩn bị điều kiện để phát triển Đảng.

Ngày 28.2.1930, tại Hội An, Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam được chính thức thành lập, Tỉnh ủy gồm 4 đồng chí, do đồng chí Phan Văn Định làm Bí thư, đây là điều kiện để tổ chức đảng ở Duy Xuyên sớm được thành lập. Đồng chí Phạm Thâm - Phó Bí thư Tỉnh ủy được Tỉnh ủy phân công phụ trách nông thôn, về Duy Xuyên, trực tiếp kiểm tra các cơ sở cách mạng, xét thấy luồng tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá tại Duy Xuyên qua các tổ chức “Nhóm đọc sách báo tiến bộ” đã có đủ điều kiện để phát triển Đảng trong các hạt nhân của phong trào…

Thời học chữ Quốc ngữ, có một trường làng mang tên Tân Tân, do các nhà trí thức trẻ ở xã có nghề ươm tơ dệt lụa nổi tiếng Duy Trinh, lập nên, trong đó có anh em con nhà họ Hồ như Hồ Nghinh, Hồ Thấu, nhằm dạy cho lớp thanh niên ham làm việc, ham học trong làng. Và, sau này, ở trung tâm huyện lỵ, có một ngôi trường THPT mang tên Sào Nam - bút danh của chí sĩ Phan Bội Châu. Có lẽ, các nhà sáng lập ra ngôi trường trên đất học Duy Xuyên lấy tên một danh sĩ, nhà cách mạng Phan Bội Châu vì ông là người yêu nước chân chính  học giỏi, tài cao, một lòng vì dân vì nước!

Phan Bội Châu người làng Đan Nhiễm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ, năm 6 tuổi học 3 ngày thuộc hết Tam Tự Kinh, 7 tuổi ông đã đọc hiểu sách Luận Ngữ, 13 tuổi ông thi đỗ đầu huyện. Thuở thiếu thời ông đã sớm có lòng yêu nước. Năm 17 tuổi, ông viết bài “Hịch Bình Tây Thu Bắc” đem dán ở cây đa đầu làng để hưởng ứng việc Bắc Kỳ khởi nghĩa kháng Pháp. Năm 19 tuổi (1885), ông cùng bạn là Trần Văn Lương lập đội “Sĩ tử Cần Vương” (hơn 60 người) chống Pháp, nhưng bị đối phương kéo tới khủng bố nên phải giải tán.

Gia cảnh khó khăn, ông đi dạy học kiếm sống và học thi. Khoa thi năm Đinh Dậu (1897) ông đã lọt vào trường nhì nhưng bạn ông là Trần Văn Lương đã cho vào tráp mấy cuốn sách nhưng ông không hề biết nên ông bị khép tội hoài hiệp văn tự (mang văn tự trong áo) nên bị kết án chung thân bất đắc ứng thí (suốt đời không được dự thi).

Sau cái án này, Phan Bội Châu vào Huế dạy học, do mến tài ông nên các quan đã xin vua Thành Thái xóa án. Nhờ vậy, ngay khoa thi Hương tiếp theo, năm Canh Tý (1900), ông đã đậu đầu (Giải nguyên) ở trường thi Nghệ An…

Phan Bội Châu với bút danh Sào Nam quả là một tấm gương sáng qua các chế độ, qua các thời kỳ không bị mờ, cho các thế hệ học trò, nhất là học trò dưới mái trường thân yêu mang tên ông!

Học, học thật giỏi, phụng sự Tổ quốc luôn là định hướng sáng chói cho học trò.

Bất cứ thời nào, ở Trung ương, ở tỉnh hay ở huyện, người đứng đầu, học giỏi, tài cao, đức dày thì hầu hết hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực cho đất nước, quê hương phát triển giàu mạnh, được cán bộ nêu gương, được nhân dân quý mến, tin tưởng. Cán bộ ít học, mua điểm, mua bằng để thăng quan, chiếm chức, thì không hại nước cũng phản lại nguyện vọng của nhân dân!

Ngày nay, Việt Nam của chúng ta đã và đang vươn mình lên để hội nhập vào kinh tế quốc tế và chính trị toàn cầu. Trước mắt là cơ hội và thách thức khi lao vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Cuộc cách mạng này đang thiếu người, đang rất cần người, nhưng không chấp nhận, không thu nạp học trò học khơi khơi, không vào được trường công thì học trường tư, thi không đỗ thì mua bằng…

Các học trò của tỉnh Quảng Nam học như thế nào, học gì đây ở các trường, từ trong tỉnh, trong nước, du học... để khi tốt nghiệp ra trường, bước vào đời có khả năng tham gia, thúc đẩy cuộc cách mạng mới của huyện, của tỉnh, trên tất cả lĩnh vực?

Đó là câu hỏi, là một thách thức không chỉ của các nhà lãnh đạo, mà cả những người học trò, niềm hy vọng của tương lai!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học, trên đất học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO