Đến Quảng Nam trong chương trình hợp tác giáo dục, những sinh viên năm cuối của Trường Hogent (Bỉ) đã trải qua 3 tháng thực tập ở Trường Tiểu học Kim Đồng và Trường Mẫu giáo 24/3 (TP.Tam Kỳ). Phương pháp dạy học tích cực mà các giáo viên ngoại quốc mang đến được học sinh yêu thích.
Dạy học “tích cực”
Tiết học về hiện tượng tự nhiên của cô giáo Hélène và các cháu Trường Mẫu giáo 24.3 diễn ra ngay trên sân trường. Cô và trò như những người bạn đồng hành trong trò chơi tạo hình với chính chiếc bóng của mình. Những tiết học khác cũng diễn ra trong không khí vui vẻ như thế. Các cháu được học làm hoa tặng mẹ vào ngày 8.3, học tự chụp hình bằng chiếc máy ảnh. Vào tiết học trồng cây sau đó, mỗi cháu lại được phép đặt tấm ảnh chân dung đã chụp trong tiết học trước vào chiếc chậu bằng chất liệu trong suốt. Sau đó, cô giáo hướng dẫn cách bỏ đất vào chậu, gieo hạt, tưới nước, trồng, chăm sóc cây mỗi ngày… Và khi những thân cây vươn cao thì mỗi cháu đều có thể chiêm ngưỡng chậu cây có ảnh chân dung của chính mình được trang điểm bằng những mái tóc là những thân cây đầy lá xanh bên trên…
Hélène hướng dẫn học sinh Trường Mầm non 24/3 trong một tiết học về hiện tượng tự nhiên xã hội. Ảnh: Đ.P |
Phương pháp dạy học mà các giáo viên ngoại quốc mang đến không khác gì các trò chơi đầy niềm vui, sự thoải mái tinh thần, phát huy trí tưởng tượng, đầy sáng tạo. Để chuẩn bị cho những giờ chơi mà học như vậy, các giáo viên đã phải đầu tư rất nhiều công sức và thời gian. Từ phương pháp lên lớp của mỗi tiết học không trùng lặp để gây hứng thú cho học sinh, đến việc chuẩn bị kỹ lưỡng dụng cụ hỗ trợ học tập cho từng em, chủ yếu là tận dụng những vật liệu tái chế như vỏ đựng trứng, vỏ chai, ly nước nhựa… Để rồi thông qua mỗi trò chơi, trẻ không chỉ học được những kỹ năng cần thiết mà còn học được lòng yêu thương cha mẹ, thầy cô, bạn bè, thiên nhiên, môi trường…
Chia sẻ về phương pháp giảng dạy của Bỉ, cô giáo Hélène cho biết: “Giờ học cần phải sinh động và có nhiều thay đổi trong phương pháp lên lớp để tránh cho học sinh sự nhàm chán. Các dụng cụ hỗ trợ dạy học ở Việt Nam thường được chiếu trên màn hình máy tính, còn ở Bỉ chúng tôi đưa đến trực tiếp cho học sinh, một cách trực quan hơn. Ở lứa tuổi này, các tiết học xếp đặt theo kiểu trò chơi, sẽ mang đến nhiều hứng thú cho các em. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn, hãy để các em tự làm. Sự sáng tạo là điều hết sức quan trọng để các em được phát triển toàn diện. Ví dụ như khi tôi dự giờ một tiết học do giáo viên Việt Nam thực hiện, khi cô giáo kể chuyện xong, các em đều chỉ kể lặp lại đúng nguyên từng lời của giáo viên. Ở Bỉ lại khác, chúng tôi để cho trẻ tự kể theo cách các em mong muốn!”.
Hãy để trẻ sáng tạo
Tổ chức Hợp tác phát triển và hỗ trợ kỹ thuật vùng Fla-măng, Vương quốc Bỉ (viết tắt là VVOB) làm việc tại Việt Nam từ năm 1992. Từ những hỗ trợ đầu tiên thông qua gửi giáo viên thỉnh giảng, VVOB đã sớm chuyển sang hình thức thực hiện các dự án về giáo dục và khuyến nông. Năm 2008, VVOB bắt đầu khởi động chương trình khuyến nông, giáo dục và từ năm 2011 mở rộng thêm chương trình hướng nghiệp. Hiện tại, VVOB đang triển khai chương trình giáo dục ở 5 tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam, trong đó có Quảng Nam. Mục tiêu chương trình là nâng cao chất lượng giáo dục thông qua thúc đẩy việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực. |
Là người theo sát và hỗ trợ công việc của Hélène và Britt trong vai trò trợ giảng, cô Yến – giáo viên tiếng Anh (Trường Tiểu học Kim Đồng) cho biết: “Có những tiết học đã gây bất ngờ với tôi như tiết học mà cô giáo yêu cầu các em hãy “vẽ kỷ niệm”. Cứ ngỡ rằng với một đề khó như vậy thì các em nhỏ không thể làm được, vậy mà kết quả tốt đến ngạc nhiên. Tôi nghĩ rằng, giáo viên Việt đôi khi đã giúp đỡ học sinh quá nhiều, thậm chí làm thay, vì tâm lý nghĩ rằng các em không làm được, điều đó đã lấy mất đi sự sáng tạo cần có ở các em. Phương pháp dạy học trực quan, sinh động với những giờ học đầy vui vẻ, thoải mái, phát huy tính tự lập để trẻ tự do sáng tạo là điều đáng học tập”.
Quan sát tiết học tiếng Anh do Britt với các em học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng sẽ nhận ra một sự khác biệt hoàn toàn với cách dạy truyền thống ở Việt Nam. Britt mang đến lớp hai bức hình liên quan đến nội dung học trong một hộp quà. Và sau khi bắt một bài hát tiếng Anh, hộp quà được các học sinh chuyền tay nhau. Bài hát kết thúc, người cuối cùng đón hộp quà sẽ được mở ra. Cách nhập cuộc tiết học đầy hấp dẫn như vậy đã lôi cuốn học sinh ngay từ đầu. Các nội dung học tiếp theo được triển khai dưới các hình thức đầy sinh động. Từ tiếng Anh được học chủ yếu dưới dạng hỗ trợ bằng tranh ảnh để học sinh dễ dàng ghi nhớ. Các học sinh được chia làm nhiều đội chơi để tham gia các trò chơi chọn từ đúng. Khi Britt dạy đọc, cô mang bức tranh vẽ từ tiếng Anh cần đọc và giơ tay cao thì học sinh đọc thật to; khi hạ thấp tay học sinh đọc nhỏ lại như thì thầm, mỗi em đọc xong thì được phép đập tay thật mạnh vào bức tranh có hình ảnh của từ được học một cách đầy thích thú.
Nhận xét về chất lượng giáo dục ở Việt Nam, Britt cho rằng: “Tôi thật sự yêu thích sự ham học, lễ phép của học sinh Việt Nam cũng như đánh giá cao khả năng tiếp thu của các em thông qua những tiết dạy của mình. Tuy nhiên, để có sự phát triển tốt hơn cho trẻ, tôi thấy cần thiết có sự đổi mới trong phương pháp dạy học của Việt Nam, đặc biệt cần thật sự chú trọng đến mối liên hệ giữa cấp học mầm non và tiểu học, đó cũng chính là điều mà nền giáo dục Bỉ đặt lên hàng đầu trong chất lượng giảng dạy”.
ĐÔNG PHƯƠNG