Chào mời nhiều quá sẽ để lại ấn tượng không tốt. Chèo kéo quá đáng không chỉ gây khó chịu mà còn tạo thêm cảm giác bất an cho du khách. Tình trạng này đang là vấn đề được quan tâm ở Hội An. Cần phải xây dựng môi trường du lịch thân thiện để giữ khách lâu dài.
Thời gian gần đây tình trạng người bán hàng rong ở phố cổ bùng phát bất thường, gây nên nhiều hình ảnh phản cảm về du lịch ở phố cổ và làm không ít du khách trong cũng như ngoài nước phiền hà, bức xúc. Số đông đối tượng này đều là những người không thường trú, sinh sống ở Hội An, đủ mọi thành phần lứa tuổi. Họ buôn nhiều loại mặt hàng khác nhau như trái cây, bưu thiếp, tranh ảnh, võng, quạt, hàng trang sức, đồ chơi trẻ em... Chưa một ai trong số họ được trang bị những kỹ năng giao tiếp cần thiết với du khách chứ chưa nói đến những kiến thức về văn minh thương mại, về nếp sống văn hóa của vùng đất và con người khu đô thị cổ - di sản thế giới.
Xây dựng nếp sống văn hóa từ những người hay giao tiếp với du khách. |
Bùng phát tình trạng chèo kéo
Vụ việc mồi chài bán trái cây, chụp hình rồi đôi co cãi vã giữa người phụ nữ bán hàng tên N.T.X. (ở Bình Giang, Thăng Bình) với bà Helene Joy Griffiths (du khách người Úc) vừa qua đã khép lại (Báo Quảng Nam đã phản ánh). Nhưng sự việc không dừng lại ở đó, tài sản (chiếc điện thoại Nokia 530) đã được các lực lượng chức năng nhanh chóng truy tìm trả lại cho khách nhưng mối thiện cảm đối với phố cổ và người Hội An của những vị khách trong đoàn tham quan do Công ty HG Travel Hà Nội đưa đến hôm ấy không nhiều thì ít cũng bị giảm sút. Sự việc tuy không lớn nhưng đặt ra cho chính quyền và những người làm du lịch Hội An thách thức về việc giải quyết tình trạng bu bám, chèo kéo du khách, buôn bán hàng rong, gây mất trật tự, văn minh, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường kinh doanh thương mại và điểm đến thân thiện, an toàn đối với du khách.
Gần đây, tình trạng mất trật tự trong kinh doanh thương mại càng xảy ra nhiều. Thường bắt gặp là biểu hiện không niêm yết giá, bán hàng với giá “bắt chẹt”, “chặt chém” khách, hoặc không đúng với yêu cầu, thỏa thuận ban đầu. Một cán bộ lãnh đạo ngành thừa nhận: “Gần đây số lượng các vụ khiếu nại của du khách quanh vấn đề giá cả, chất lượng hàng hóa của các cơ sở bán buôn, sản xuất tăng nhanh làm cho chính quyền thành phố đau đầu và lúng túng trong khâu giải quyết”. Còn ông Fukui Yuta – Phòng Thương mại du lịch của Tổ chức JICA phản ánh: “Vấn đề phân biệt giá cả giữa người dân địa phương với khách du lịch nước ngoài cũng cần được cải thiện. Hầu hết nhà hàng ăn uống trong phố cổ đều có đề giá nhưng nếu mua nước ở các cửa hàng dọc đường sẽ cảm thấy bất an vì không biết giá. Phương án giải quyết hữu hiệu nhất là có bảng giá cho tất cả”. Xuôi theo các đường phố Phan Châu Trinh, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Duy Hiệu, Hoàng Diệu… về các bãi tắm hoặc tỏa ra các vùng nông thôn, ai cũng dễ nhận thấy cảnh tượng bu bám, chèo kéo xô bồ của các băng, nhóm “cò” đang tự tung tự tác như “ở chỗ không người”. Còn tại các nhà hàng khu ven biển thì trẻ em và người bán hàng rong cũng “vô tư” mời chào, lẽo đẽo nài nỉ du khách chẳng đẹp mắt chút nào…
Xây dựng nếp sống văn hóa
Là một “bảo tàng sống”, phố cổ Hội An không chỉ là nơi tham quan, thưởng lãm các di tích kiến trúc, văn hóa hấp dẫn du khách mà còn là một trung tâm mua sắm của hàng triệu du khách mỗi năm. Cả khu phố và vùng lân cận thực sự trở thành “siêu thị cực đại” với đa dạng các mặt hàng tiêu dùng, ẩm thực, sản phẩm lưu niệm phong phú. Mặc dù trong những năm qua chính quyền thành phố thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng tham gia kinh doanh và dịch vụ, kể cả người buôn lẻ, bán hàng rong thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh thương mại khi giao tiếp với khách nhưng xem ra lợi nhuận và nguồn thu nhanh chóng, dễ dàng từ các hoạt động này đã lấn át những quy định chung nên họ thờ ơ, bất chấp. Anh Lê Hồng Cẩn (đội viên Đội Kiểm tra quy tắc thành phố) cho biết: “Tình trạng này xảy ra ngày càng báo động ở Hội An. Tôi có một kiến nghị như thế này, nếu được thì mình tổ chức một khu kinh doanh, một khu giống như bán tự do đủ thứ nhưng có sự quản lý, ban đêm có thể đưa qua bên An Hội. Đối với những người này thì toàn là ở địa phương khác đến nên công tác quản lý rất khó, chế tài xử lý cũng còn nhẹ nên càng khó hơn”.
Ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố nói: “Điểm quan trọng mấu chốt hiện nay là phải quay trở lại xây dựng môi trường thân thiện, thân thiện giữa con người Hội An với du khách. Cái làm ra tiền là sự thân thiện để thu hút du khách. Hiện nay xuất hiện những hiện tượng không lành mạnh ở các cụm dân cư, đặc biệt là trong kinh doanh buôn bán. Vậy nên xây dựng môi trường này không phải bằng khẩu hiệu mà đi vào cụ thể từng vấn đề một. Không phải xây dựng nếp sống văn hóa chung chung nữa mà phải xây dựng ngay từ những người hay giao tiếp với du khách như buôn bán, đạp xích lô, đi xe ôm... Đây không chỉ là bài toán văn hóa mà còn là bài toán kinh tế quan trọng”.
Du khách xa gần đến những điểm du lịch có bề dày văn hóa như Hội An chẳng mấy ai thích sự chèo kéo, cò mồi mua bán. Họ cho rằng, nếu thích cái gì thì để họ được quyền chọn cái đó. Chào mời nhiều quá sẽ để lại ấn tượng không tốt. Chèo kéo quá đáng không chỉ gây khó chịu mà còn tạo thêm cảm giác bất an. Thái độ thân thiện mới giữ khách lâu dài.
ĐỖ HUẤN