Chó mèo thả rông tại các địa phương trên địa bàn TP.Hội An gây nhiều hệ lụy đến cộng đồng, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị của một điểm đến du lịch…
Chó và gia súc thả rông tại một tuyến đường ở phường Thanh Hà, Hội An. Ảnh: LÊ HIỀN |
Những bức xúc…
Con trai chị Huỳnh Thị Thanh Dung (ở tuyến phố Bạch Đằng, khối An Định, phường Minh An) là Võ Kim Nguyên, học lớp 6, vừa bị chó nhà hàng xóm cắn, khiến chị không khỏi lo lắng. Chị đưa con đến Trung tâm Y tế thành phố để tiêm phòng dại. Tại đây, chị được tư vấn tiêm đúng liệu trình với chi phí gần 1 triệu đồng. Mất tiền tiêm phòng là một chuyện song điều chị lo hơn là việc tiêm phòng các mũi vắc xin phòng bệnh dại sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý, cũng như việc học tập của con. Điều đáng nói là con chó này khá hung dữ, trước đó đã cắn nhiều người, bây giờ đến lượt con trai chị. “Con tôi đi qua, biết con chó đó hung dữ nên nó kêu cô ơi, cô giữ giùm con để con lấy cái ván trượt. Mới vừa nói, con chó đã chồm tới cắn rồi. Mà trước đó, ba, bốn đứa bạn của con tôi cũng đã bị con chó này cắn nhưng chẳng thấy chủ nuôi nhốt lại” - chị Dung bức xúc nói.
Đó là một trong số rất nhiều trường hợp chúng tôi từng gặp ở Trung tâm Y tế TP.Hội An đến tiêm vắc xin phòng dại sau khi bị chó cắn. Theo cán bộ trực tiếp thực hiện công tác tiêm phòng, hầu như tuần nào cũng có người đến tiêm vắc xin phòng dại do bị chó cắn. Một số trường hợp bị cho cắn ở phần trên cơ thể còn phải tiêm cả huyết thanh. Theo thống kê của Trung tâm Y tế TP.Hội An, trong 8 tháng đầu năm 2018 đơn vị tiếp nhận 464 trường hợp đến tiêm phòng dại, trong đó có 413 người bị cho cắn. Phần lớn người bị vật nuôi cắn đều ở tình trạng bình thường nhưng không tiêm phòng có thể gặp nguy hiểm do bệnh dại phát tác. Đến nay, dù chưa có bệnh nhân tử vong do mắc bệnh dại nhưng rõ ràng, con số thống kê của Trung tâm Y tế Hội An cho thấy, động vật nuôi thả rông, nhất là chó, đã gây nhiều nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng, khiến nhiều gia đình vừa tốn kém về kinh tế, vừa bất an, lo lắng, bức xúc.
Cần có biện pháp hữu hiệu
Tại địa bàn dân cư ở các xã phường của TP. Hội An, số chó mèo thả rông ngày càng nhiều, gây nguy cơ tai nạn giao thông cho người đi đường. Ở khối Trảng Sỏi (phường Thanh Hà), người dân cho biết, dù các tuyến đường tại khối phố đã được mở rộng, hoàn chỉnh nhưng nhiều gia đình vẫn chưa ý thức trong việc nuôi nhốt vật nuôi. Hàng ngày, nhà nào cũng thả chó ra đường phóng uế, chạy giỡn, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và việc đi lại của nhiều người xung quanh. Nhiều con chó hung dữ, còn đuổi cắn hoặc bất ngờ lao ra đùa với nhau, rất nguy hiểm cho người đi đường. Cũng tại địa bàn này, ngay ở khu vực gần Trường Tiểu học Bùi Chát (cơ sở 3), nhiều khi phụ huynh đưa học sinh đến trường vẫn thấp thỏm, nơm nớp lo lắng vì số chó của các hộ dân ở gần đây thả rông khá nhiều. Trong khi học sinh hiếu động, chạy ra chạy vào, nguy cơ bị chó cắn là rất cao. Đây cũng là thực trạng chung tại nhiều khu dân cư ở gần các điểm trường ở Hội An hiện nay.
Theo thống kê của Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Hội An, thành phố hiện có hơn 2.500 con chó do các gia đình nuôi. Vào đầu tháng 4 hàng năm, trung tâm phối hợp với các địa phương tuyên truyền, cấp phát thông báo đến từng nhà để thực hiện công tác tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi. Ngoài ra, ngày 15 hàng tháng, cán bộ thú y cơ sở tiến hành tiêm phòng bổ sung cho các hộ nuôi chó có nhu cầu. Vì vậy, so với các địa phương trong tỉnh, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó ở Hội An đạt cao, khoảng 80%, tương đương với 2.100 con chó được tiêm phòng (chưa kể chó mới đẻ). Trong đó, các xã phường nội thị thực hiện tốt hơn vùng ven. Thực hiện “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021” của Chính phủ, TP.Hội An cũng đã triển khai lập danh sách hộ nuôi chó và thống kê số lượng chó nuôi thực tế trong từng hộ, nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc xin dại triệt để trên đàn chó, đồng thời tiến hành triển khai cho các chủ nuôi chó cam kết nuôi nhốt hoặc xích, giữ chó trong khuôn viên gia đình. Dù vậy, tại các địa phương vẫn còn một số lượng lớn chó nuôi vẫn thả rông, kể cả chó chưa được tiêm phòng. Bà Ngô Thị Chung - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật TP.Hội An cho biết: “Chó thả rông chủ yếu do ý thức của chủ nuôi. Hiện nay, công tác tuyên truyền là chính, chưa có biện pháp cứng về quản lý nuôi chó thả rông cũng như tiêm phòng dại. Trung tâm và phòng y tế xuống cơ sở tổ chức việc cam kết đối với chủ hộ nuôi chó, họ ký nhưng chưa thực hiện nghiêm túc”.
LÊ HIỀN