Hội An chật vật xoay xở nguồn lực phục hồi

QUỐC TUẤN 14/06/2022 10:02

Hội An cần nguồn lực rất lớn để tái thiết, tạo động lực phát triển trở lại sau dịch Covid-19, tuy nhiên điều này không hề dễ dàng.

Hội An hầu như chưa tranh thủ được nguồn lực từ quyết định phê duyệt quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012 - 2025. Ảnh: Q.T
Hội An hầu như chưa tranh thủ được nguồn lực từ quyết định phê duyệt quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012 - 2025. Ảnh: Q.T

Những nguồn lực còn bỏ ngỏ

Là địa phương chịu tác động nặng nề bậc nhất bởi đại dịch Covid-19, nền kinh tế Hội An có hai năm liên tiếp 2020 và 2021 đầy lận đận. Thu ngân sách năm 2021 (1.402 tỷ đồng) của Hội An không đạt so với yêu cầu đề ra (chỉ tiêu của HĐND thành phố là 1.554 tỷ đồng), nguồn thu phát sinh từ kinh tế rất ít. Do hụt thu nên chi đầu tư phát triển năm 2021 của thành phố cũng khá thấp (328,6 tỷ) chỉ đạt khoảng 50% so với chỉ tiêu dự kiến.

Với mục tiêu xây dựng thành phố “sinh thái - văn hóa - du lịch” từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Hội An đang cần tranh thủ nguồn lực từ nhiều phía. Thời gian qua, Hội An đã tranh thủ rất tốt nhiều dự án, nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và một số thành phố kết nghĩa của Cộng hòa liên bang Đức, Nhật Bản… để phục vụ phát triển xanh.

Thực tế, có nhiều nguồn lực dồi dào đang bị bỏ ngỏ lâu nay và Hội An vẫn đang loay hoay trong phương pháp tiếp cận. Vướng mắc lớn nhất vẫn là chưa có cơ chế đặc thù cho đô thị di sản.

Với quyết định phê duyệt quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển TP.Hội An và du lịch giai đoạn 2012 - 2025, Hội An cũng chỉ mới triển khai được dự án phòng cháy chữa cháy khu phố cổ.

“Tổng nguồn từ trung ương, tỉnh, thành phố và xã hội hóa từ quyết định trên có thể lên đến khoảng 2.000 tỷ nhưng đến bây giờ địa phương vẫn chưa thể tranh thủ được” - ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.

Ông Sơn cho biết, trong thẩm quyền của tỉnh có thể nghiên cứu nhiều giải pháp để hỗ trợ Hội An phục hồi. Trong đó có việc để lại nguồn thu từ vé tham quan để trùng tu, phân chia tỷ lệ hợp lý nguồn thu từ đất, thu từ thuế…

“Khác với cố đô Huế hay khu đền tháp Mỹ Sơn, Hội An là di tích “sống”, thêm nữa di tích tư nhân rất nhiều nên việc bán vé, chia sẻ nguồn thu từ vé cho các bên gặp nhiều khó khăn hơn.

Hiện nay, mức phân chia tỷ lệ nguồn thu từ đất là 50/50, thuế là 85/15 đã khá hợp lý nên hy vọng sẽ ổn định mức này trong thời gian tới để Hội An có thêm đòn bẩy phục hồi cũng như căn cứ để xây dựng kế hoạch dài hơi” - ông Sơn cho hay.

Vẫn phải “liệu cơm gắp mắm”

Hội An đang phấn đấu sẽ trở thành đô thị đặc thù có các tiêu chí tương đương đô thị loại 2 vào năm 2025. Theo đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư, các mục tiêu đều được lượng hóa bởi các tiêu chí được Chính phủ quy định nên thành phố cần đánh giá từng mục tiêu, tiêu chí đã đạt ở mức độ nào. Về nguồn lực thì trong từng giai đoạn cụ thể đối với từng mục tiêu cụ thể thì sẽ có cách xác định nguồn lực phục vụ chứ khó mà xác định trước được.

Khu phố cổ Hội An là di tích “sống” nên công tác quản lý, bán vé tham quan gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Q.T
Khu phố cổ Hội An là di tích “sống” nên công tác quản lý, bán vé tham quan gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Q.T

Bà Phan Thị Thanh Thảo - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, không những tranh thủ xã hội hóa nguồn lực từ nước ngoài mà Hội An cần đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực từ trong nước, các chủ thể làm du lịch tại địa phương.

“Về cơ chế để lại 100% nguồn thu từ vé tham quan, việc xác định tỷ lệ được để lại do HĐND tỉnh quyết định trên cơ sở tính chi phí phục vụ thu so với doanh thu. Trừ năm 2020, 2021 nguồn thu gần như không đạt còn những năm về trước thì nhìn chung nguồn thu này đạt tương đối cao và rõ ràng chi phí phục vụ thu chỉ chiếm một phần chứ không thể chiếm toàn bộ chi phí.

Đỉnh điểm như năm 2019 số thu từ nguồn vé tham quan đạt hơn 300 tỷ đồng, tỷ lệ để lại được xác định từ năm 2016 là khoảng 30%, nên con số này đã tương đối cao. Việc xác định tỷ lệ để lại cho Hội An 100% là rất khó thực hiện” - bà Phan Thị Thanh Thảo nói.

Kiến nghị, đề xuất về cơ chế đặc thù bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới đô thị cổ Hội An đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và địa phương phải chủ động xây dựng phương án.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, những nội dung nào thuộc về pháp luật quy định, thuộc về Trung ương quyết định thì Hội An cần đưa vào đề án xây dựng, phát triển Hội An theo định hướng thành phố “sinh thái - văn hóa - du lịch”.

Cách làm, tính quyết liệt của chúng ta trong việc tiếp cận cơ chế đặc thù cho Hội An trước đây còn hạn chế và cần cải thiện điều này khi đã được “bật đèn xanh” để nắm bắt cơ hội, phục vụ cho Hội An phát triển bền vững.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội An chật vật xoay xở nguồn lực phục hồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO