(QNO) - Đó là con số báo cáo tại buổi giám sát chuyên đề của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh" tại Hội An vào chiều nay 13/12.
Đại biểu Dương Văn Phước - Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn giám sát.
Từ năm 2020 đến 2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP.Hội An diễn biến phức tạp, liên tục xuất hiện nhiều ca dương tính trong cộng đồng, dẫn đến lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Trước tình hình đó, Hội An đã thành lập 500 tổ giám sát và tuyên truyền phòng chống dịch trong cộng đồng, 3 cơ sở thu dung điều trị COVID-19 thể nhẹ, không triệu chứng (tầng 1) theo phương châm “4 tại chỗ”.
Tổng nguồn lực đã huy động cho công tác phòng chống dịch COVID-19 giai đoạn 2020 - 2022 của TP.Hội An hơn 120 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước hơn 112 tỷ đồng, nguồn huy động của các đơn vị khác hơn 8 tỷ đồng. Tổng kinh phí đã thực hiện trong công tác trong phòng, chống COVID-19 giai đoạn năm 2020 - 2022 hơn 119 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước là hơn 111 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, TP.Hội An đã nêu ra một số tồn tại như số lượng người được hỗ trợ COVID-19 nhiều dẫn đến việc kiểm soát khó khăn. Một số khoản chi chưa được quy định, hướng dẫn cụ thể gây lúng túng trong công tác thanh, quyết toán...
TP.Hội An hiện nay có Trung tâm Y tế thành phố và Bệnh viện Đa khoa thành phố tồn tại song song, do đó dẫn đến nhiều bất cập về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn gây khó khăn trong xử lý công việc. Trong khi đó, lực lượng y tế tại các Trạm Y tế xã, phường mỏng, lại kiêm nhiệm nhiều công việc dẫn đến hoạt động thiếu hiệu quả. TP.Hội An kiến nghị cần quan tâm, tạo điều kiện và có cơ chế, chính sách tăng lương, phụ cấp ngoài giờ, thu nhập tăng thêm cho đội ngũ nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng.