Giữ giá, tăng dịch vụ hay giảm giá để thu hút khách đang là bài toán của không ít doanh nghiệp du lịch tại Hội An.
Giảm giá
Dạo trên các trang mạng bán hàng trực tuyến dễ dàng nhận thấy rất nhiều khách sạn Hội An đăng giá bán phòng với mức giảm bình quân 30 – 50%. Đơn cử, khách sạn Venus Hotel and Spa (4 sao), phòng 2 người giá từ 1,4 triệu đồng/ngày đêm giảm còn 714 nghìn đồng (giảm gần 50%); phòng cao cấp 2 giường, có ban công, giảm từ 2,1 triệu đồng xuống còn hơn 1 triệu đồng/ngày đêm (giảm hơn 50%)... Ngoài ra, có thể kể đến các khách sạn có mức giảm giá phòng 30 – 50% như Hoian Nostalgia Hotel and Spa (50%); Ivy Hội An (40%); Emm Hotel Hoi An (30%); Kiman Hội An (30%)…
Nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm giá sẽ “lợi bất cập hại”, bởi đi cùng với đó chất lượng dịch vụ sẽ khó đảm bảo, thậm chí phá giá lẫn nhau. Ông Lê Thái Vũ – Chủ tịch Hội Khách sạn Quảng Nam cho rằng, thay vì giảm giá hãy gia tăng chất lượng dịch vụ bởi khách đến Hội An quanh năm, nếu có giao mùa thì cũng không lâu, chưa kể đây cũng là thời gian để các khách sạn tân trang, sửa chữa. “Không nên giảm giá phòng để thu hút khách, thay vào đó nên có những khuyến mãi về dịch vụ như tặng vé spa hay tour tham quan quanh phố... Tôi cho rằng, khách sạn nào đó giảm giá chứng tỏ nơi đó quản trị không tốt” - ông Vũ chia sẻ. Cũng theo ông Vũ, so với nhiều nơi, hoạt động kinh doanh khách sạn ở Hội An thuận lợi hơn, đặc biệt có vòng đời thu hồi vốn nhanh, do đó phải làm sao để ngành khách sạn Hội An ngày càng phát triển chứ không phải hạ giá hay phá giá. “Tại 3 khách sạn trong hệ thống của công ty tôi quản lý là Silk Marina, Silk Luxury và Silk Village Resort &Spa, chúng tôi chưa bao giờ giảm giá, nhưng tỷ lệ đặt phòng của khách luôn đạt trên 80%” - ông Vũ nói thêm.
Bà Nguyễn Thị Thanh – Giám đốc Điều hành khách sạn Phú Thịnh khẳng định, đơn vị không chú trọng giảm giá để thu hút khách mà tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ. Việc giảm giá trên Traveloka có chăng chỉ ngắn hạn một, hai ngày mang tính chất kích cầu, điều này cũng tùy thời gian và theo chiến lược kinh doanh của đơn vị chứ không xuyên suốt.
Doanh nghiệp linh động
Theo ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, trong kinh doanh du lịch, giảm giá là hành động cuối cùng, bởi giảm giá không tốt. Dù vậy, đây lại là điều khó tránh khỏi tại Hội An do hệ quả của việc tăng nhanh các cơ sở lưu trú trong khi lượng khách không tăng, nên một số khách sạn phải hạ giá để kéo khách. Từ lâu hiệp hội đã cảnh báo điều này nhưng các doanh nghiệp không nghe, hầu hết đều tự quyết tự làm. Nhiều doanh nghiệp chỉ nghĩ đơn giản giảm giá để lôi kéo khách tới, nhưng cái gì càng nhanh thì càng kém bền vững. Hiệp hội không bao giờ ủng hộ giảm giá, nhưng do người ta không còn cách nào nên phải giảm giá. Hiệp hội có nói thì doanh nghiệp cũng không nghe, nên bây giờ chỉ còn cách lôi kéo 10 – 20% doanh nghiệp cùng nâng cao giá trị dịch vụ để làm đầu tàu cho những doanh nghiệp khác thay đổi nhận thức.
Ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, hoạt động kinh doanh du lịch có tính thời vụ nên tùy thời điểm doanh nghiệp có thể sử dụng chính sách giảm giá hay khuyến mãi, do đó không thể vội khẳng định giảm giá sẽ đi cùng với chất lượng dịch vụ giảm. Chưa kể, hiện nay giá do thị trường quyết định, Nhà nước không can thiệp mà chỉ yêu cầu doanh nghiệp phải niêm yết giá, đồng nghĩa người bán và người mua đã đồng ý với giá niêm yết. Doanh nghiệp chỉ vi phạm trong trường hợp nếu Hiệp hội Du lịch đã hiệp thương giá, nhưng việc này thì tùy thuộc quy chế quy định của Hiệp hội Du lịch. “Theo tôi giảm giá thu hút khách hay giữ giá tăng khuyến mãi dịch vụ cả hai cách này đều có cái hay của nó. Nếu giảm giá để tận dụng công suất mùa thấp điểm tăng nguồn thu bù các chi phí về nhân công, điện nước... thì cũng tốt. Ngược lại, giữ giá tăng dịch vụ sẽ phù hợp với các doanh nghiệp tận dụng các dịch vụ tại chỗ của mình sẵn có như đội xe, nhà hàng… Do đó, việc chọn phương án nào là do doanh nghiệp tính toán quyết định dựa vào những lợi thế và thị trường khách doanh nghiệp hướng đến” - ông Tường phân tích.