(QNO) - “Trong 7 năm kể từ năm 2007 đến nay, biển đã lấn sâu vào khoảng 150m, chỗ ngày xưa là đường thì nay nước biển đã tràn chân. Rất xót xa!” - ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói.
Biển xâm thực mạnh ở Hội An. |
Có mặt tại bờ biển Hội An dọc Cửa Đại lên đến gần huyện Điện Bàn, chúng tôi ghi nhận tình trạng biển đang xâm thực dữ dội vào bờ biển thành phố cổ này. Người dân cho biết, nhiều ngày gần đây, biển đã ăn sâu vào đất liền vài mét. Anh Nguyễn Văn Đông, một người bán hàng ăn uống chỉ ra xa phía biển tầm hơn chục mét nói: “Lâu nay, tôi bán đồ nhậu vào buổi chiều ở đây, khách còn ngồi tràn vào ngoài xa kia; vậy mà vài ngày nay biển ăn sát vào rặng dừa này rồi”.
Tốc độ biển xâm thực ở đây đang tính từng ngày. Sóng từng lớp cuồn cuộn đánh vào dữ dội. Cứ lâu lâu lại có một cây dừa bị sóng quật xuống. Rõ nhất là khuôn viên biển phía trước Hội An Beach Resort. Tại đây, công nhân hối hả dồn bao cát, đóng trụ sắt để chắn sóng đánh vào nhưng không đủ trước sức mạnh sóng biển. Những hàng dừa liên tiếp bị nước kéo xuống. Để giữ cây, người ta đã cho giằng dây thừng níu các cây lại, giữ được cây nào hay cây đó. Phía khách sạn Victoria Hoi An Resort & Spa, doanh nghiệp cũng đang thuê nhân công chở đá lấp giữ kè. Hai khu resort là Fusion Alya và Vinpearl Hội An đang sụp đổ dần từng hạng mục.
Tại hiện trường, ông Lê Đình Dương - Trưởng ban chỉ huy đơn vị bảo vệ biển Cửa Đại cho biết: “Hiện tại, chúng tôi thực hiện kè 300m khẩn cấp, dùng bao cát, đá kè các vị trí có nguy cơ sạt lở với mỗi 1m3 cát/bao. Gần một tháng qua, chúng tôi đã huy động 60 công nhân làm ngày đêm trước khi bão đến; cứ 3 ngày phải hoàn thành thực hiện 10m. Để chống sóng, chúng tôi đã đóng cọc cừ lá sen làm bờ xây với chiều dài 8m, đóng sâu xuống 4m; sau đó tiếp tục đóng ở các khu vực khác. Toàn bộ công trình sử dụng khoảng 3 ngàn bao địa kỹ thuật được nhập từ Hà Lan nên kinh phí chỉ có thể vừa làm đến đâu tính đến đó”.
Chính quyền và doanh nghiệp đang hối hả chống biển xâm thực. |
Theo đơn vị thi công, việc khó khăn nhất trong quá trình triển khai là điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Để đảm bảo tiến độ, công nhân phải vừa làm, vừa sống luôn tại vùng biển ngày cũng như đêm và huy động 2 máy xúc, xe tải để tăng tiến độ.
Việc xây kè biển chống xâm thực ở Hội An sẽ rất khó khăn. |
Dọc bãi biển này trước đây là cả một rừng dương, cây trồng thêm.Thế nhưng, khi triển khai xây dựng, các doanh nghiệp đã cho san bằng toàn bộ nhằm thi công cho dễ. Nhưng lợi bất cập hại, đến nay biển đã ăn sát vào chân các công trình này. “Cái khác trong quy hoạch xây dựng, kinh doanh ở chúng ta là không nương vào thiên nhiên, chống lại thiên nhiên. Điều này trái với cách làm ở nước ngoài. Cũng bãi biển đó, cũng những rừng chắn sóng đó thì người ta quy hoạch giữ lại và nương vào nó để tạo cảnh quan, như vậy mới bền vững” - ông Dũng nói thêm.
Để mất rừng cây chống gió, giữ đất khiến Hội An đang gặp hậu quả nghiêm trọng. |
Hiện tại, Hội An có hơn 7km bờ biển du lịch; trong đó có khoảng 300m ở bãi tắm Cửa Đại có tốc độ bị xói lở 2 - 3m/ngày. Khoảng 137m bờ biển giữa hai khu resort Fusion Alya và Vinpearl Hội An có mức đầu tư 15 tỷ để xây dựng hệ thống kè sẽ hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay. Để giải quyết tình hình cấp bách trước mắt, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương hỗ trợ TP.Hội An khoảng 10 tỷ đồng triển khai xử lý đoạn sạt lở ở bãi tắm Cửa Đại. Ông Nguyễn Văn Dũng kiến nghị: “Hội An là thành phố du lịch, nguồn thu cho ngân sách phần lớn từ dịch vụ. Do đó, mong muốn của chúng tôi là làm sao có được nguồn vốn để hoàn thành tuyến kè biển, như vậy mới giải quyết triệt để được vấn nạn xâm thực; khi đó doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư và du khách yên tâm ở lại”.
LÊ ĐÌNH DŨNG