Hội An đầu tư cho môi trường

QUỐC HẢI 19/05/2022 05:56

TP.Hội An luôn ưu tiên tập trung nguồn lực cho lĩnh vực bảo vệ môi trường, xác định bảo vệ môi trường là điều kiện cốt lõi để phát triển bền vững...

Nhiều dự án đầu tư bảo vệ môi trường tại Hội An. Ảnh: Q.H
Nhiều dự án đầu tư bảo vệ môi trường tại Hội An. Ảnh: Q.H

Chỉ riêng từ năm 2015 đến năm 2020, kinh phí đầu tư các dự án về bảo vệ môi trường trên địa bàn TP. Hội An hơn 836 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách hơn 261 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 42,96% trong tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn thành phố.

“Thời gian qua, kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường ngày càng tăng; kinh phí chi thường xuyên cho sự nghiệp bảo vệ môi trường đạt 1% tổng chi ngân sách, kinh phí từ nguồn đầu tư xây dựng cơ bản và ODA cũng được bố trí để xây dựng” - ông Nguyễn Minh Lý, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết.

Đầu tư hiệu quả

Nhờ đầu tư đúng mức nên sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng TP.Hội An - Thành phố sinh thái”, Hội An đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chí về xây dựng thành phố sinh thái.

Theo đó, cảnh quan đô thị, nông thôn được giữ gìn, chất lượng môi trường tự nhiên, môi trường xã hội được cải thiện; các vấn đề môi trường bức xúc từng bước được giải quyết.

Có thể kể đến một số dự án như xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt công suất 96 tấn/ngày được đầu tư xây dựng với kinh phí 25 tỷ đồng; trạm xử lý nước thải Chùa Cầu và trạm xử lý nước thải Cẩm Thanh được đầu tư khá quy mô với kinh phí 640 tỷ đồng; đầu tư hệ thống thu gom nước thải giai đoạn 1 là 37 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt để phân hủy thành phân compost 70 tỷ đồng, đưa vào hoạt động năm 2012; công trình nâng cấp cải tạo hệ thống mương thoát nước sinh hoạt và xây mới hệ thống xử lý nước thải các khu dân cư thôn Bãi Ông và thôn Cấm (xã Tân Hiệp) được đầu tư vào năm 2018 với kinh phí hơn 9,8 tỷ đồng…

Theo Đề án “Bảo vệ môi trường TP.Hội An đến năm 2025, định hướng đến năm 2035”, dự kiến kinh phí ngân sách thành phố thực hiện đến năm 2025 là 974 tỷ đồng. Trong đó, chi cho đầu tư 658 tỷ đồng, chi cho sự nghiệp môi trường 31,6 tỷ đồng, sự nghiệp khác 284 tỷ đồng và nguồn huy động hơn 708 tỷ đồng.

Qua việc tổ chức các hội nghị phản biện và tổng hợp ý kiến cử tri góp ý đề án, ông Trần Tấn Dũng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An, cho biết: “Kinh phí thực hiện đề án quá lớn, ngân sách thành phố khó đảm bảo. Do đó, cần tính toán theo hướng ưu tiên đầu tư kinh phí thực hiện các mục tiêu chủ yếu từ nay đến đến năm 2025, những mục tiêu còn lại đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn và các nguồn lực khác để thực hiện”.

Ưu tiên hạng mục cấp thiết

Theo Ban Kinh tế - xã hội HĐND TP.Hội An, trong điều kiện ngân sách thành phố còn khó khăn, để việc đầu tư thật sự có chất lượng và tính khả thi cao, cần đánh giá hiệu quả đối với các công trình đã đầu tư thời gian qua. Đồng thời làm rõ hơn nguyên nhân cơ bản và có giải pháp khắc phục tồn tai, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư nhằm phát huy hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường.

Nhiều dự án đầu tư bảo vệ môi trường tại Hội An.
Nhiều dự án đầu tư bảo vệ môi trường tại Hội An.

Về cơ chế tài chính, Ban Kinh tế - xã hội thành phố thống nhất cao với giải pháp về huy động nguồn lực tài chính cho đầu tư môi trường của đề án.

Tuy nhiên, đề nghị thành phố cần ưu tiên, tập trung đẩy mạnh xã hội hóa về xây dựng kết cấu hạ tầng môi trường theo quy hoạch, ưu tiên quỹ đất còn lại tại Cụm công nghiệp Thanh Hà để thu hút nhà đầu tư sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.

Kiến nghị tỉnh quan tâm quy hoạch cơ sở vật chất kỹ thuật về xử lý môi trường như nhà hỏa táng, khu liên hợp xử lý rác thải, chất thải rắn, tái chế từ rác phục vụ cuộc sống nhằm giải quyết những vấn đề bức thiết về môi trường của thành phố.

Bà Huỳnh Thị Kim Dung - Trưởng ban Kinh tế - xã hội HĐND TP.Hội An nói: “Để có kinh phí tái đầu tư về môi trường, thời gian đến, cần sớm xây dựng phương án thu phí nước thải và rác thải theo khối lượng phát thải, thu phí sử dụng nước ngầm theo Thông tư 01 ngày 11.1.2022 của Bộ Tài chính.

Thu phí môi trường qua hoạt động quản lý du lịch, sử dụng tài nguyên, sử dụng hiệu quả nguồn sự nghiệp môi trường. Ưu tiên bố trí tăng dần hàng năm, lồng ghép các nguồn hỗ trợ của trung ương, tỉnh, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho công tác bảo vệ môi trường một cách hiệu quả, xây dựng quỹ bảo vệ môi trường có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và người dân được quy định cụ thể tại Điều 149 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội An đầu tư cho môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO