TP.Hội An vừa phê duyệt Đề án điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phát triển mạng lưới cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn từ nay đến năm 2020 trên cơ sở đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tạo sự công bằng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và phát triển bền vững.
Tính đến cuối năm 2018, toàn TP.Hội An có tổng cộng 649 cơ sở lưu trú đang hoạt động với 10.575 phòng. Trong đó, 153 khách sạn với 7.662 phòng (chiếm tỷ trọng 72,45% tổng số phòng), 188 biệt thự du lịch với 1.608 phòng (chiếm tỷ trọng 15,2%), 302 cơ sở homestay với 1.187 phòng (chiếm tỷ trọng 11,22%). Cạnh đó còn có một số cơ sở nhà nghỉ và loại hình khác. UBND thành phố cho biết, trong năm 2019 có khoảng 631 cơ sở với khoảng 9.051 phòng đã có chủ trương thống nhất đầu tư và đưa vào hoạt động, trong đó số đông hơn là loại hình biệt thự du lịch và homestay… Điều đó chứng tỏ Hội An đang phát triển rất nhanh mạng lưới cơ sở lưu trú du lịch.
Mặc dù các quy định của chính quyền thành phố áp dụng trong nhiều năm qua cơ bản phù hợp với điều kiện và đặc điểm của một đô thị có 2 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, đó là Đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập trong các văn bản chỉ đạo điều hành so với quy định của pháp luật và chưa đồng bộ về cơ chế quản lý. Theo ý kiến của lãnh đạo thành phố, hiện nay một số trường hợp cá nhân, tổ chức không đáp ứng đủ điều kiện cho phép đầu tư kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo một số quy định của thành phố, đã đến các cơ quan chủ quản cấp trên tiến hành đăng ký thành lập doanh nghiệp và lập các thủ tục đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện để được cấp phép lưu trú. Điều này trong thực tế đã gây ra những khó khăn, trở ngại trong việc đầu tư kinh doanh dịch vụ của công dân; đồng thời dẫn đến những vấn đề phức tạp trong quan hệ pháp chế giữa cơ quan nhà nước cấp thành phố và cấp trên, giữa cơ quan quản lý nhà nước với công dân; nảy sinh những dư luận thiếu chính xác và không tốt, ảnh hưởng đến sự đồng thuận của xã hội. Do vậy, UBND TP.Hội An đã phê duyệt Đề án điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phát triển, quy trình cấp phép và quản lý mạng lưới cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2020. Nội dung chủ yếu là điều chỉnh những quy định không còn phù hợp, bổ sung những nội dung mới trong định hướng phát triển; đặc biệt là đổi mới quy trình cấp phép, quản lý, kiểm tra hoạt động của các cơ sở dịch vụ lưu trú du lịch theo yêu cầu cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận tiện, thông thoáng cho các tổ chức, công dân trên cơ sở đảm bảo công bằng, quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả tổ chức, công dân có nhu cầu.
Theo đó, UBND thành phố chỉ cho phép phát triển các loại hình cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn thành phố và khách sạn nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, homestay. Riêng địa bàn xã đảo Tân Hiệp chỉ cho phép phát triển loại hình biệt thự du lịch và homestay. Về không gian và phạm vi phát triển, không cho phép phát triển các loại hình dịch vụ lưu trú du lịch tại khu vực 1 và khu vực 2A (kể cả nhà ở nằm trong các kiệt, hẻm thuộc khu vực này). Đối với các khu vực trung tâm làng nghề ở Trà Quế (Cẩm Hà), Nam Diêu (Thanh Hà) và một số điểm đang phát triển nóng về du lịch như thôn Vạn Lăng, Thanh Tam (xã Cẩm Thanh), toàn bộ xã Cẩm Kim thì tạm dừng phát triển loại hình khách sạn, cho phép phát triển loại hình biệt thự, homestay. Các tuyến đường có mật độ giao thông cao, bao gồm một số đoạn trên đường Hùng Vương, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Cửa Đại... chỉ cho phép phát triển loại hình homestay, riêng đối với những thửa đất có diện tích từ 1.000m2 trở lên thì cho phép kinh doanh loại hình biệt thự. Chỉ phát triển loại hình biệt thự, khách sạn du lịch tại các vị trí được xác định cụ thể là đất thương mại – dịch vụ đối với các khu vực đã có quy định quản lý xây dựng riêng được UBND tỉnh phê duyệt...