Kể từ sau phát động thực hiện chương trình “Xây dựng Hội An - thành phố du lịch không khói thuốc lá” giai đoạn 2011 - 2015 đến nay, TP.
Lễ phát động xây dựng Hội An, thành phố du lịch không khói thuốc lá. Ảnh: ĐỖ HUẤN |
Theo Ban điều hành chương trình “Xây dựng Hội An - thành phố du lịch không khói thuốc lá”, sau 2 năm triển khai thực hiện, nhiều đơn vị trên địa bàn thành phố đã thực hiện lồng ghép nội dung xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá vào tiêu chí thi đua hằng năm để xét công nhận cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Các kế hoạch từ Văn phòng Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế (VINACOSH) và Trung tâm Hỗ trợ nghiên cứu phát triển cộng đồng (CDS) được tổ chức đồng loạt nhằm trang bị kỹ năng, kinh nghiệm cho đội ngũ quản lý, thực thi chính sách và xác định hướng đi thích hợp. Đặc biệt, công tác tuyên truyền cho chương trình bằng các hình thức trực quan như hoạt động phát thanh, cổ động, sinh hoạt của các hội, đoàn thể được tăng cường phối hợp giữa nhiều đơn vị. Tuy nhiên, việc hút thuốc lá là thói quen khó từ bỏ, việc phát động xây dựng mô hình không khói thuốc tại Hội An đang ở giai đoạn đầu, hiệu quả chưa cao, sự chuyển biến còn chậm, chủ yếu chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền với đối tượng cán bộ viên chức là chính.
Ông Trần Hòa - Trưởng phòng Y tế, Phó ban Thường trực Ban điều hành chương trình cho biết, 2 năm qua đã phát hành hơn 500 bảng cấm hút thuốc lá gắn tại các cơ quan, đơn vị; 3.000 tờ rơi tuyên truyền tại các điểm công cộng. Các hoạt động cổ động trên đường phố, tại các điểm tham quan cũng được tổ chức những hình thức sinh động hơn. Ông Hòa nói: “Đáng chú ý là nhiều hình thức tuyên truyền sáng tạo, phát huy thế mạnh của các đơn vị đã mang lại hiệu quả thông tin cho khách nội địa và cả khách nước ngoài. Chẳng hạn như Trung tâm VHTT Hội An đã đưa logo “Hội An - thành phố du lịch không khói thuốc lá” vào tập gấp của Văn phòng Hướng dẫn tham quan bằng 3 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp; đưa lên website của đơn vị, đặt ở trang chủ có giao diện dễ nhận biết với 4 ngôn ngữ là Việt, Anh, Pháp, Nhật; phát hành hơn 200 nghìn tờ rơi các loại và in 100 chiếc áo thun với thông điệp “Thành phố du lịch Hội An không khói thuốc lá” trang bị cho đội xích lô để kêu gọi sự hưởng ứng của du khách trong và ngoài nước”. Bà Nguyễn Thị Nhung - Phó Giám đốc Trung tâm VHTT thành phố cho biết thêm: “Cùng với việc tuyên truyền bằng hình thức cổ động, phát thanh liên tục nhân các sự kiện, hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, trung tâm còn đưa vào hình thức “sân khấu hóa” như đặt lời hô hát bài chòi tại điểm trò chơi bài chòi trong phố cổ”.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở công tác tuyên truyền, chương trình “Xây dựng Hội An - thành phố du lịch không khói thuốc lá” sẽ không có tính thực tế trong cộng đồng. Theo ông Trần Hòa, cần tăng cường các giải pháp cụ thể, hữu hiệu hơn kết hợp với việc thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (có hiệu lực thi hành từ 1.5.2013). Theo đó, cần mở rộng phạm vi đối tượng thực hiện; giám sát, kiểm tra các mô hình điểm “không khói thuốc lá” để rút kinh nghiệm, tiếp tục nhân rộng.
Tránh hiểu sai nội dung Nghị định 67/2013/NĐ-CP Từ ngày 15.8, muốn kinh doanh, bán lẻ thuốc lá, phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá. Đó là quy định được nêu trong Nghị định 67/2013 của Chính phủ về “chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá” (Báo Quảng Nam điện tử đã thông tin sơ lược). Tuy nhiên có sự “hiểu nhầm” khi nhiều nơi (kể cả một số phương tiện truyền thông) cho rằng quy định “Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá” áp dụng cho cả hàng quán, đại lý cũng như quán trà đá, xe hàng lưu động... Theo TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá chỉ áp dụng cho các đại lý vừa là điểm bán buôn (cho các điểm bán lẻ) đồng thời là điểm bán lẻ. Phòng Công Thương hoặc Phòng Kinh tế (cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung loại giấy phép này. Còn những điểm bán lẻ thuốc lá như hàng rong, quán bar, hàng quán vỉa hè thì không phải cấp giấy phép. Vì vậy, cần phân biệt rõ giữa bán lẻ thuốc lá đại lý với bán lẻ thuốc lá hàng rong để tránh hiểu sai nội dung nghị định. TS. Nguyễn Huy Quang cũng cho biết, quán bar, hàng rong, quán chè... được phép bán thuốc lá nhưng phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Các cơ quan quản lý thị trường sẽ thực hiện kiểm tra hoạt động kinh doanh của họ như: không được trưng bày quá 1 bao đối với mỗi loại sản phẩm nhãn hiệu thuốc lá; phải cách các cơ sở giáo dục từ 100m trở lên; không được bán cho trẻ em dưới 18 tuổi. Đây cũng là quy định đối với tất cả điểm kinh doanh thuốc lá dù là bán buôn hay bán lẻ. Luật pháp đã quy định, nhưng để ngăn chặn, giảm thiểu việc mua bán thuốc lá, nhằm phòng, chống tác hại từ thuốc lá, vẫn chủ yếu dựa vào truyền thông, giáo dục ý thức là chính. L.V(tổng hợp) |
ĐỖ HUẤN