Nằm phía cuối hạ nguồn, hằng năm Hội An luôn phải đối diện với nguy cơ ngập úng và sạt lở do bão lũ gây ra. Việc xây dựng phương án ứng phó với bão lụt đang được chính quyền thành phố khẩn trương triển khai.
Ngoài ảnh hưởng đến đời sống kinh tế người dân, bão lũ cũng là nguyên nhân chính gây sạt lở, xâm thực bờ biển, bờ sông, đặc biệt tác động trực tiếp đến các công trình kiến trúc gỗ trong phố cổ Hội An. Chỉ riêng cơn bão lụt tháng 11.2013 đã có hàng trăm công trình nhà cổ bị chìm sâu trong nước nhiều ngày, dù không thiệt hại về người nhưng tác động của lũ lụt đến di tích ước tính không hề nhỏ. Ngoài ẩm mốc, mối mọt phát sinh, bão lụt cũng gián tiếp gây sụt lún các nền móng và biến dạng các kết cấu công trình. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, nguy cơ lớn nhất ảnh hưởng phố cổ mỗi khi đến mùa mưa lũ chính là sự bồi lấp và xói lở bờ sông Hoài. Qua khảo sát sơ bộ dọc tuyến đường Bạch Đằng từ cầu Cẩm Nam đến Chùa Cầu, trình trạng xói lở hàm ếch ăn sâu vào tuyến đường này rất nghiêm trọng, nếu không có giải pháp kịp thời nguy cơ sụp đổ các công trình ven sông là khó tránh khỏi. Cùng với đó, hiện tượng bồi lấp, chuyển dòng tại sông Hoài cũng đe dọa trực tiếp đến các di tích phố cổ do nước tồn đọng không thoát được khi có lũ về. “Trước đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt dự án và ghi vốn năm 2014 là 150 tỷ đồng cho việc gia cố bờ kè sông Hội An nhưng do khó khăn kinh tế đến nay dự án vẫn giẫm chân tại chỗ” - ông Trung cho biết.
Ông Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, thời gian qua công tác phòng chống bão lũ luôn được thành phố quan tâm, nhiều văn bản chỉ đạo đã được ban hành nhằm đốc thúc các ban ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra rà soát tất cả công trình, đê điều để có biện pháp ứng phó cấp thiết trong khi chờ các nguồn vốn bố trí dự án triển khai. Ngoài ra, việc xây dựng phương án di dời cục bộ cũng đã hoàn tất. Riêng với trình trạng xói lở bờ sông dọc tuyến đường Bạch Đằng, đây là dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng chưa cấp vốn, trong khi chờ nguồn từ trung ương thành phố sẽ ứng trước 4 tỷ đồng để gia cố khắc phục, phấn đấu đến giữa tháng 9 phải hoàn thành dứt điểm.
Song song với các giải pháp chống sạt lở ven sông ven biển, việc rà soát các công trình xuống cấp trong khu phố cổ cũng được triển khai quyết liệt. Theo ông Nguyễn Chí Trung, đến nay Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã tiến hành khảo sát tất cả di tích trong phố cổ, qua kiểm tra đã xác định được 67 nhà cổ cần kè chống cấp thiết gồm 49 di tích đối diện nguy cơ sụp đổ cao và 10 di tích nhà cổ đã hết khả năng chống đỡ. Ngoài việc vận động chủ nhân các di tích tự chằng chống nhà cửa, trung tâm cũng trực tiếp đứng ra chống đỡ 8 di tích nhà cổ cho các hộ có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn, đồng thời cũng khuyến cáo 67 hộ này phải có phương án di dời khi có bão lũ về.
THÂN VĨNH LỘC